2.519. LS Trương Thanh Đức: Sửa đổi không phải là đổi mới, mà chủ yếu là sửa sai

(BĐS) – Về tổng quan thì nội dung sửa đổi qua 3 năm thi hành luật là khá nhiều, với dự kiến sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ tổng cộng 75 điều luật trên tổng số 289 điều của 2 Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (kể cả việc thay thế cụm từ) và 9 luật khác. Ngoài ra, đã sửa đổi 3 điều và 1 phụ lục Luật Đầu tư vào năm 2016. Và có một điểm cần nhấn mạnh là việc sửa đổi không phải là đổi mới, mà chủ yếu là sửa sai.

Về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, LS Trương Thanh Đức cho rằng gần như toàn bộ những thành công, thành quả, thành tích, thành tựu cải cách và phát triển kinh tế đều là nhờ sự sửa sai. Vậy thì rất cần sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp nói riêng, các Luật khác nói chung và sửa càng mạnh dạn, càng triệt để càng tốt.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (gọi tắt là Dự thảo) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.

Theo đó, đối với Luật Đầu tư, Dự thảo sửa đổi nhiều vấn đề quan trọng như thủ tục đầu tư, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, địa vị pháp lý của nhà đầu tư nước ngoài, bãi bỏ 26 ngành nghề kinh doanh có điều kiện…

Đối với Luật Doanh nghiệp, Dự thảo sửa đổi các quy định liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức, hoạt động, quản trị của doanh nghiệp, bãi bỏ con dấu doanh nghiệp, chế độ báo cáo, yêu cầu thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp… Dự kiến, văn bản ảnh hưởng đến hoạt động của tất cả các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Trước vấn đề này, LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC đã có một vài ý kiến chia sẻ với Reatimes.

PV: Thưa LS, ông đánh giá thế nào về việc sửa đổi các luật, liệu đây sẽ là những tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp?

LS Trương Thanh Đức: Theo như tôi thấy, gần như toàn bộ những thành công, thành quả, thành tích, thành tựu cải cách và phát triển kinh tế đều là nhờ sự sửa sai. Vậy thì rất cần sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp nói riêng, các Luật khác nói chung và sửa càng mạnh dạn, càng triệt để càng tốt.

Trước hết, về tổng quan thì nội dung sửa đổi qua 3 năm thi hành luật là khá nhiều, với dự kiến sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ tổng cộng 75 điều luật trên tổng số 289 điều của 2 Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (kể cả việc thay thế cụm từ) và 9 luật khác. Ngoài ra, đã sửa đổi 3 điều và 1 phụ lục Luật Đầu tư vào năm 2016.

Và có một điểm cần nhấn mạnh là việc sửa đổi không phải là đổi mới, mà chủ yếu là sửa sai.

Ví dụ như điểm b, khoản 1, Điều 1 của Dự thảo Luật bổ sung giải thích “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi” là lấy lại nguyên văn quy định tại khoản 2, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ” tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã bị bỏ đi trong Luật năm 2014.

 

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Và cũng đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập từ lâu, nhưng chưa được giải quyết trong Luật 2014, như không tập trung đăng ký kinh doanh tất cả các hoạt động kinh doanh không chỉ của doanh nghiệp mà của mọi pháp nhân.

Do đó, nếu việc sửa đổi còn luẩn quẩn, không rõ mục tiêu, sẽ dẫn đến nguy cơ còn phải sửa đổi nhiều nữa. Ví dụ doanh nghiệp Nhà nước từ chỗ là 100% vốn Nhà nước, sang trên 50% theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, rồi đổi 100% theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 và giờ lại định quay về trên 50% (khoản 2, Điều 2 Dự thảo Luật).

PV: Vậy ông có kiến nghị gì cho Dự thảo lần này?

LS Trương Thanh Đức: Theo quan điểm của tôi, cần bắt tay vào chuẩn bị sửa đổi lớn, viết lại Luật Doanh nghiệp, thay đổi một cách căn bản quan điểm.

Trước mắt là sửa đổi những vấn đề cần thiết như danh mục, ngành nghề kinh doanh, thủ tục đăng ký và công bố thông tin, ngành nghề đầu tư kinh doanh, chủ thể kinh doanh… Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác cần phải xem xét.

Chẳng hạn, cần phải thừa nhận văn phòng ảo, thực ra là thật với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn doanh nghiệp đăng ký tại 1 địa chỉ, với một vài trăm, thậm chỉ một vài chục mét vuông. Mô hình này đã phát triển tương đối nhiều từ trước khi ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2014 và việc quản lý hơn văn phòng trong ngóc ngách không tìm được.

Theo đó, Luật cần phải quy định mở hơn, ví dụ không cần ghi biển hiệu như bình thường, doanh nghiệp kinh doanh văn phòng ảo.

PV: Có 2 điểm đáng chú ý nhất của Dự thảo lần này, có tác động trực tiếp và ảnh hưởng tới số đông đối tượng chính là những thay đổi, sửa đổi thủ tục đầu tư, bãi bỏ 26 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tác động của những điều chỉnh này với doanh nghiệp ra sao thưa ông?

LS Trương Thanh Đức:Như tôi đã nói trên, hiện đang có một số vấn đề lớn. Trước hết là về Luật Đầu tư, cốt lõi của Luật Đầu tư là Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh, gắn với kinh doanh.

Điểm a, khoản 1, Điều 1 của Dự thảo Luật giải thích “Đầu tư kinh doanh là việc bỏ vốn bằng tiền và các tài sản khác để kinh doanh”. Ngành nghề kinh doanh vốn được quy định trong các Luật Doanh nghiệp trước đây.

Tôi kiến nghị cần bỏ Luật Đầu tư, đồng thời chuyển Danh mục ngành, nghề cấm và đầu tư kinh doanh có điều kiện quay lại Luật Doanh nghiệp.

Đương nhiên, mọi hoạt động đầu tư đều phải thực hiện các luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy, chữa cháy… Đầu tư của doanh nghiệp là quyền tự chủ của doanh nghiệp. Còn đầu tư của Nhà nước thì phải theo Luật Đầu tư công.

Do vậy, chuyển những nội dung cần thiết về đầu tư sang Luật Doanh nghiệp, có thể thêm 1 chương về đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài.

Vấn đề lớn thứ hai là về thủ tục đăng ký và công bố thông tin.

Quy định đăng ký doanh nghiệp với thủ tục tại Điều 27 về “Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp”, lệ phí (100.000 đồng) tại khoản 2, Điều 28 về “Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” và nội dung tại Điều 29 về “Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp.

Nhưng đến Điều 33 về “Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp” thì lại phải làm thêm 1 thủ tục và nộp phí (300.000 đồng), với nội dung trùng với Điều 29 nêu trên.

Do đó, cần nhập 2 thủ tục trên làm 1, bớt việc, thời gian và chi phí thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Và tốt nhất là chỉ tính lệ phí 1 lần bằng khoảng 50% so với hiện nay. Việc này phù hợp với một trong những mục tiêu của Dự luật theo Dự thảo Tờ trình là “cắt giảm chi phí đầu tư kinh doanh thông qua việc cải cách thủ tục hành chính” và yêu cầu của Chính phủ.

Thêm một vấn đề nữa là về ngành, nghề đầu tư kinh doanh.

Mặc dù luật đã bỏ toàn bộ việc ghi nhận ngành, nghề đầu tư, kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay vì chỉ bỏ những ngành, nghề tự do đầu tư, kinh doanh không cần điều kiện.

Tuy nhiên, các ngành, nghề tự do kinh doanh vẫn phải thông báo ngành nghề kinh doanh như đối với 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đây thực chất vẫn là 1 dạng đăng ký.

Qua đó, tôi kiến nghị rằng đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì vẫn cần ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (kinh doanh) như trước đây.

Bên cạnh đó, cần bỏ hẳn việc thông báo ngành nghề kinh doanh vì hầu như không có ý nghĩa pháp lý, kể cả việc thống kê bởi theo tôi chỉ có ý nghĩa pháp lý và cần quản lý khi doanh nghiệp tiến hành kinh doanh thực tế thông qua quản lý hóa đơn, chứng từ, kế toán, tài chính.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Tuấn Việt (thực hiện)

————————-

Bất động sản (Tiêu điểm) 22-02-2019:

http://reatimes.vn/ls-truong-thanh-duc-sua-doi-khong-phai-la-doi-moi-ma-chu-yeu-la-sua-sai-33415.html

 (1.647/1.647)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,951