2.821. Ông chủ Cocobay Đà Nẵng “bẻ kèo”, khách hàng “mướt mùa” mới lấy được tiền?

(ET) – Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Empire Group – chủ đầu tư Tổ hợp Cocobay Đà Nẵng thừa nhận đã vi phạm hợp đồng khi đơn phương chấm dứt chi trả cam kết lợi nhuận. Theo các luật sư, khách hàng có thể kiện chủ đầu tư ra tòa nhưng việc lấy lại tiền vẫn là một dấu chấm hỏi.

Trên báo chí, ông Nguyễn Đức Thành cho biết, bắt đầu từ năm 2020, Empire Group sẽ ngừng chi trả lợi nhuận với các condotel ở Đà Nẵng. Vị Chủ tịch HĐQT này cũng thừa nhận, việc đơn phương chấm dứt chi trả cam kết lợi nhuận là vi phạm hợp đồng mua bán. Theo đó, ông “sẵn sàng ra tòa”.

Trong các giải pháp Empire Group đưa ra, công ty cũng đề xuất thanh lý hợp đồng mua bán và nhận lại tiền mua condotel, liền kề khối boutique.

Ông Nguyễn Đức Thành cho rằng, nếu thanh lý hợp đồng và nhận lại tiền, khách hàng vẫn được đảm bảo quyền lợi hợp pháp, không mất và chưa thiệt hại gì. Nếu khách hàng không chấp nhận, có thể kiện.

Ông chủ Cocobay Đà Nẵng "bẻ kèo", khách hàng thắng kiện có lấy được tiền? - Ảnh 1.

Dự án Cocobay Đã Nẵng.

Cũng theo lãnh đạo Empire Group, hiện khách mua bất động sản tại Cocobay chưa thiệt hại gì bởi chủ đầu tư vẫn chi trả lợi nhuận cam kết với con số lên tới hàng nghìn tỷ đồng. “Hiện còn lại một số năm 2019 chưa chi trả. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cam kết chi trả đầy đủ đến 31/12/2019”, ông Thành khẳng định.

Tập đoàn Empire đang lên kế hoạch bán bất động sản mới theo phương thức mới nên sẽ có nguồn để chi trả cho việc thanh lý các condotel.

Theo luật sư Lê Cao – Công ty Luật FDVN – Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, việc mua bán, chuyển nhượng loại hình này dựa trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện của pháp luật dân sự. “Trong nhiều trường hợp, nếu giao dịch giữa nhà đầu tư với khách hàng được thiết theo hướng bảo vệ triệt để chủ đầu tư, không có điều khoản bảo vệ cho các khách hàng mua căn hộ. Nếu chủ đầu tư bẻ kèo, không thực hiện cam kết thì rủi ro bị đẩy sang phía khách hàng”, luật sư Cao phân tích.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp giao dịch khi căn hộ hiện chưa hoàn thành, có trường hợp tài sản căn hộ lại đang bị thế chấp ngân hàng và các căn hộ kiểu condotel không phải là sản phẩm như chung cư nên chưa được cấp giấy chứng nhận về quyền sở hữu. Do đó quyền sở hữu trên thực tế và pháp lý vẫn thuộc chủ đầu tư. Khách hàng bỏ ra rất nhiều tiền nhưng không có quyền sở hữu căn hộ về mặt pháp lý.

Luật sư Cao cho rằng, nếu kiện ra tòa trong trường hợp này thì chưa chắc khách hàng thắng kiện bởi chưa có bằng chứng pháp lý chứng minh quyền sở hữu đối với condotel. “Chính vì thế, rủi ro luôn thuộc về khách hàng”, luật sư Cao nói.

Cùng với ý kiến này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng các khách hàng của Cocobay Đà Nẵng có quyền khởi kiện Empire Group vì không tuân thủ cam kết trong hợp đồng/thỏa thuận.

Tuy nhiên, theo ông Đức tòa có thể thụ lý hoặc không thụ lý vụ việc. Theo đó, có 2 trường hợp xảy ra trong hợp đồng được ký giữa Empire Group và khách hàng.

Một là Empire Group cam kết chắc như đinh đóng cột rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng trả đủ lợi nhuận 12%/năm. Hai là Empire Group chỉ hứa hẹn chi trả lợi nhuận cam kết chứ không ràng buộc trách nhiệm chi trả trong mọi tình huống.

“Với trường hợp thứ nhất, khách hàng sẽ buộc được Empire Group phải chi trả lợi nhuận cam kết, còn công ty lấy tiền đâu để trả thì khách hàng không cần quan tâm. Còn với khả năng thứ hai thì mọi chuyện sẽ phức tạp hơn, bởi Empire Group chỉ có thể chi trả lợi nhuận cam kết từ phần lãi có được nhờ hoạt động kinh doanh chứ khách hàng không thể bắt ép công ty móc túi riêng để trả”, ông Đức phân tích.

Tuy nhiên, ông Đức cho rằng dù ở trường hợp nào thì cửa thắng của khách hàng cũng rất mơ hồ, bởi ngay cả khi tòa tuyên khách hàng thắng kiện thì việc lấy lại tiền cũng vẫn là một dấu chấm hỏi.

Bình luận về việc Empire Group đưa ra các nhóm giải pháp cho khách hàng, ông Đức cho rằng về lý, công ty này đã đưa ra đầy đủ các phương án (dự phòng cả phương án do khách hàng đề xuất), vì vậy dù các phương án có rủi ro và gây thiệt hại cho khách hàng thì cũng không thể bắt bẻ được.

Ngoài ra, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho hay Bộ luật Dân sự 2015 có một quy định về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi. Theo quy định này, một hợp đồng đã được kí kết nhưng các bên không lường hết được các tình huống có thể xảy ra, không đạt được kỳ vọng thì các bên sẽ ngồi lại để sửa hợp đồng.

“Nếu các bên không tự sửa được thì kiện ra tòa, tòa sẽ sửa”, ông Đức nói

——————

Etime (Góc nhìn) 27-11-2019:

Ông chủ Cocobay Đà Nẵng “bẻ kèo”, khách hàng “mướt mùa” mới lấy được tiền? | Dân Việt (danviet.vn)

(398/951)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.428. Lãi từ đầu tư bất động sản chịu thuế...

Lãi từ đầu tư bất động sản chịu thuế sao cho hợp lý? BĐT) - Nghiên...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,810