2.823. Nhà đầu tư cá nhân cần hiểu rõ rủi ro của nhà phát hành

(HQ) – Tại Tọa đàm “Cá nhân đầu tư trái phiếu DN: Nhận diện và ứng xử rủi ro” được tổ chức ngày 30/8, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian qua, thị trường TPDN phát triển nhanh, nhưng sự phát triển đó đặt ra vấn đề cho cơ quan quản lý về những rủi ro phát sinh và những vấn đề cần lưu tâm trong quản lý giám sát thị trường. 

4 rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2021, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ là 168.702 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020. Khối lượng phát hành ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, tương đương 50,3% khối lượng phát hành của năm 2020, chiếm 8,3% tổng khối lượng TPDN phát hành. Các con số này cho thấy bước đầu có sự dịch chuyển từ phát hành riêng lẻ sang phát hành ra công chúng. Đây là tín hiệu tốt trên thị trường TPDN.

Về nhà đầu tư, công ty chứng khoán là nhà đầu tư chính trên thị trường sơ cấp, chiếm 44,4% tổng khối lượng phát hành, tổ chức tín dụng chiếm 25% tổng khối lượng phát hành. Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua TPDN riêng lẻ trên thị trường sơ cấp chiếm 5,7% khối lượng phát hành, giảm mạnh so với tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân năm 2020 (là 12,68%).

Điều này cho thấy các quy định mới tại Nghị định số 153 có tác động hạn chế các đối tượng nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không có khả năng đánh giá rủi ro đầu tư TPDN phát hành riêng lẻ, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư này. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với các chủ thể tham gia thị trường, trong đó, có các nhà đầu tư cá nhân.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings cho biết, có bốn rủi ro chính khi đầu tư vào thị trường trái phiếu mà các nhà đầu tư cần nhận diện. Thứ nhất là rủi ro tín dụng, tổ chức phát hành trái phiếu không có khả năng trả lãi suất định kỳ hoặc thanh toán khoản gốc không đúng hạn.

Thứ hai là rủi ro thanh khoản, nhà đầu tư không thể ngay lập tức bán được trái phiếu khi có nhu cầu tiền mặt, hoặc không bán được trái phiếu với mức giá như kỳ vọng hoặc phải chi trả nhiều chi phí để bán được trái phiếu.

Rủi ro thứ ba là định giá lãi suất. Định giá lãi suất điều chỉnh với rủi ro chưa hợp lý dẫn tới lãi suất cao nhưng rủi ro lớn và không tương xứng với lãi suất.

Cuối cùng là những rủi ro khác bao gồm rủi ro mua lại, tái đầu tư, lạm phát, lãi suất, bất ổn kinh tế, các thương vụ mua bán sáp nhập, thảm họa hay đại dịch…

Theo ông Thuân, để phòng tránh rủi ro, nhà đầu tư cần sử dụng tư vấn chuyên nghiệp, tự đánh giá rủi ro nếu có khả năng, đa dạng hóa kênh đầu tư cùng đặc điểm như quỹ trái phiếu, quỹ hưu trí… Phát hành trái phiếu nếu làm khéo sẽ trở thành kênh “cứu cánh” cho cho thị trường tài chính Việt Nam.

Điều quan trọng nhất đối với nhà đầu tư cá nhân là phải cố gắng hiểu rõ nhà phát hành, hiểu rõ rủi ro của khoản đầu tư để tương xứng với lợi nhuận thu về. Ảnh: Internet.

Cố gắng hiểu rõ rủi ro 

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cái khó của nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư không chuyên nghiệp khi mua trái phiếu là dù đã được kiểm soát kỹ hơn, chặt hơn, điều kiện đảm bảo nhưng vẫn còn bất cân xứng thông tin. Doanh nghiệp phát hành góc độ nào cũng là chuyên nghiệp rồi nhưng sẽ chỉ cung cấp thông tin chừng mực nào đó, có thể không sai nhưng lại không phản ánh hết mức độ rủi ro.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân khó xác định trái phiếu doanh nghiệp được bảo lãnh thanh toán hay bảo lãnh phát hành. Ví dụ khi tư vấn, nhân viên ngân hàng chỉ nói bảo lãnh, nhưng nhà đầu tư lại dễ hiểu là đó là bảo lãnh thanh toán trong khi ngân hàng lại chỉ bảo lãnh phát hành. Ông Đức cũng nhấn mạnh, khi phát sinh nguy cơ doanh nghiệp phát hành mất khả năng thanh toán, việc đối phó không đơn giản trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân vốn là đối tượng yếu thế.

Theo ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bamboo Capital Group (BCG), nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp thường thông qua các tổ chức tư vấn phát hành, sau đó mua trái phiếu do ngân hàng phân phối hoặc tự mua trực tiếp. Trong khi, các công ty tư vấn có thể bỏ qua một số yếu tố, nhẹ nhàng hơn trong việc đánh giá chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp phát hành.

Rủi ro đối với nhà đầu tư cá nhân lúc này sẽ là sự bất cân xứng, thiếu hụt thông tin, để bù đắp điều này, họ đành sử dụng niềm tin vào năng lực quản trị, danh tiếng của doanh nghiệp và hai là tính minh bạch trong việc cung cấp các thông tin tài chính. Cho rằng TPDN có nhiều loại, rủi ro tăng thì lãi suất thường cũng tăng, do đó, ông Phạm Minh Tuấn cho rằng, điều quan trọng nhất đối với nhà đầu tư cá nhân là phải cố gắng hiểu rõ nhà phát hành, hiểu rõ rủi ro của khoản đầu tư để tương xứng với lợi nhuận thu về. Trong trường hợp không thể tìm hiểu, họ có thể tìm đến sự trợ giúp của các nhà tư vấn quản lý danh mục đầu tư.

 

Thu Hiền

—————

Hải quan (Chứng khoán) 30-8-2021:

https://haiquanonline.com.vn/nha-dau-tu-ca-nhan-can-hieu-ro-rui-ro-cua-nha-phat-hanh-151707.html

(190/1.080)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,735