2.828. Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Đừng để nếm “trái đắng”

(CAND) – Là chủ thể chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), nắm hoàn toàn quyền chủ động “xuống tiền” hay không, tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân lại đang là đối tượng yếu thế trong chính thị trường này. Họ đang được các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, giới chuyên gia nỗ lực bảo vệ quyền lợi và giải giúp bài toán rủi ro.

Đây cũng là mục tiêu chính của tọa đàm “Trái phiếu doanh nghiệp – Trái ngọt hay trái đắng” do VnEconomy tổ chức sáng 30/8.

Nhiều nhà đầu tư ham lãi suất cao 

Cùng với sự tăng trưởng và phát triển của thị trường TPDN, số lượng nhà đầu tư cá nhân tăng nhanh, với khối lượng mua trái phiếu riêng lẻ của các nhà đầu tư có xu hướng ngày càng tăng. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh leo thang, các kênh đầu tư khác đều có nhiều rủi ro, TPDN lại càng được các nhà đầu tư cá nhân ưa chuộng.

“Hiện tại, thị trường TPDN vẫn phát triển rất mạnh. Trong khi đó, nền kinh tế lại bị tê liệt, đóng băng ở hàng loạt tỉnh, thành do tác động từ đại dịch COVID-19. Chỉ trong 7 tháng đầu năm, hàng chục nghìn DN đã buộc phải đóng cửa. Nếu tình trạng này kéo dài đến cuối năm, số lượng DN bị tạm ngừng kinh doanh sẽ lên tới con số 100 nghìn, trong đó có thể có cả những nhà phát hành TPDN.

Thực tế, số liệu do FiiinRatings thống kê dựa trên báo cáo tài chính của 17 DN trong lĩnh vực bất động sản nhà ở có hoạt động phát hành trái phiếu trong năm 2020 cho biết, hệ số chi trả lãi vay giảm mạnh về mức 0,7 lần, tức lợi nhuận tạo ra không đủ chi trả lãi vay. Tương tự, số liệu từ Bộ Tài chính cũng cho thấy thời gian qua, khối lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 51% tổng khối lượng phát hành, trong đó, đến 90% trái phiếu không có tài sản bảo đảm là trái phiếu do tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán phát hành.

Bộ Tài chính đã nhiều lần khuyến nghị đối với các DN có tình hình tài chính yếu kém, nếu huy động vốn trái phiếu bằng mọi giá, trường hợp gặp rủi ro do hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn sẽ dẫn đến không trả được nợ cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo của trái phiếu cũng có rủi ro nếu là các dự án, bất động sản được hình thành trong tương lai, hoặc cổ phiếu của chính các DN thì giá trị của các tài sản và cổ phiếu sẽ không đủ để đảm bảo cho trái phiếu.

Thế nhưng, vì lợi nhuận, nhà đầu tư vẫn lao vào TPDN. Để việc phát hành thuận lợi, nhiều DN sử dụng “mồi nhử” lãi suất cao, trung bình ở mức gấp 1,5 lần, thậm chí gấp 2 lần lãi suất huy động của ngân hàng. Điều đáng nói là hiện nay, do không bắt buộc phải qua xếp hạng tín nhiệm, tài sản bảo đảm hay bảo lãnh thanh toán, nên công cụ duy nhất để các nhà đầu tư nhận diện chất lượng trái phiếu cũng như năng lực trả nợ của DN là bản cáo bạch phát hành trái phiếu (OC) – mà bản cáo bạch này liệu có minh bạch thì chỉ cho DN biết mà thôi!

Đưa ra lãi suất cao là “mồi nhử” của doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu. Ảnh minh họa.

Làm gì để tránh rủi ro?

Với những rủi ro như thế, thị trường TPDN đang được ví là “bom nổ chậm”. Trước thực trạng này, nhằm hạn chế rủi ro trên thị trường TPDN, bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân không có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, đồng thời “siết” các quy định về phát hành TPDN. Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, điểm mấu chốt là phải cung cấp thông tin cho nhà đầu tư một cách chuẩn xác.

“Đối với các tổ chức tài chính tham gia vào thị trường như công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, đề nghị phải là người tuân thủ pháp luật trước tiên. Đồng thời, phải cung cấp thông tin cho nhà đầu tư một cách chuẩn xác, không để họ nhầm lẫn hay hỗ trợ nhà đầu tư nhỏ lẻ nghiệp dư trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu bằng mọi giá”, ông Dương góp ý và khuyến cáo với nhà đầu tư, cần hết sức lưu ý trái phiếu có lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao. Do đó, trước khi quyết định đầu tư trái phiếu, cần đánh giá, phân tích về lĩnh vực hoạt động, tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, mục đích sử dụng vốn trái phiếu, chất lượng tài sản đảm bảo, điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Chỉ khi cân nhắc kỹ về các rủi ro, nhà đầu tư mới nên quyết định mua trái phiếu vì có thể sẽ không thu hồi được số tiền đầu tư.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital Group khuyến nghị, điều quan trọng nhất đối với nhà đầu tư cá nhân là phải cố gắng hiểu rõ nhà phát hành, hiểu rõ rủi ro mình đang đầu tư để tương xứng với lợi nhuận thu về. Trong trường hợp không thể tìm hiểu, họ có thể tìm đến sự trợ giúp của các nhà tư vấn quản lý danh mục đầu tư.

Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức thì cho rằng chỉ có bảo lãnh thanh toán mới chắc ăn vì “cái khó của nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư không chuyên nghiệp khi mua trái phiếu là, dù đã được kiểm soát kỹ hơn, chặt hơn điều kiện đảm bảo nhưng vẫn còn bất cân xứng thông tin. DN phát hành góc độ nào cũng là chuyên nghiệp rồi, nhưng sẽ chỉ cung cấp thông tin chừng mực nào đó thôi, không sai, không gian nhưng lại không phản ánh hết mức độ rủi ro”.

Còn theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, hiện có rất nhiều cơ hội đầu tư như bỏ tiền ra mua trái phiếu, gửi tiền tiết kiệm, mua vàng, mua bất động sản… Để đưa ra quyết định, nhà đầu tư phải tự hiểu về bản thân, phải có bức tranh về tình hình tài chính cá nhân của mình để tránh trường hợp bỏ tất cả trứng vào một giỏ.

Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, nhà đầu tư cá nhân mua TPDN không chỉ đặt mục tiêu lãi suất cao ở hiện tại, mà phải tìm lối thoát cho những năm sắp tới. “Trong giai đoạn nền kinh tế bị tê liệt vì dịch bệnh, đây không phải lúc nhà đầu tư cá nhân bùng nổ và kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, mà là thời điểm của sự chọn lọc và cẩn trọng”, ông Hiếu đưa ra khuyến nghị.

Hà An

Công an Nhân dân (Kinh tế) 31-8-2021:

https://cand.com.vn/Kinh-te/dau-tu-trai-phieu-doanh-nghiep-dung-de-nem-trai-dang-i626343/

(98/1.284)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.421. Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của...

Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của nút thắt" để đất nước vươn...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,382