2.829. Chất lượng đồ chơi trường học: Ai chịu trách nhiệm kiểm nghiệm? 

(VOVGT) – Việc giám sát chất lượng, an toàn của các đồ chơi trường học đang được thực hiện ra sao? Trách nhiệm của đơn vị cung cấp, của nhà trường và các đơn vị liên quan như thế nào trong việc đưa những sản phẩm không đảm bảo an toàn cho trẻ sử dụng?
Cầu trượt – nhà leo, nơi cháu bé bị mắc kẹt dẫn đến tử vong (Ảnh: thanhnien)

Trước đây, Sở GD – ĐT TP.HCM đã có thống kê những tai nạn thường xảy ra trong trường mầm non, trong đó có những tai nạn tiềm ẩn từ những thiết bị, đồ chơi tưởng chừng rất an toàn như tai nạn do kệ đồ chơi đổ vào người, đập đầu vào các cạnh sắc nhọn của tủ, gãy tay khi chơi cầu trượt, chấn song cầu thang có khoảng cách rộng và có thanh ngang khiến trẻ dễ trèo lên và té ngã, nguy cơ bị bỏng do nồi canh nóng, ngạt do nuốt, ngậm bóng, bi…

Mặc dù có những cảnh báo, văn bản nhắc nhở từ đơn vị quản lý nhưng những tai nạn đáng tiếc của trẻ nhỏ liên quan tới các loại đồ chơi không đảm bảo an toàn ngay trong trường học đã khiến các bậc phu huynh không khỏi hoang mang, lo lắng.

“Đồ chơi kém chất lượng thì trẻ mới bị như thế nên cho cháu đi thì không yên tâm. Ban Giám hiệu phải thường xuyên kiểm tra để nếu có vấn đề thì sửa chữa hoặc mua đồ chơi tốt hơn”. 

“Bình thường thì không sao nhưng giờ xảy ra như thế cũng sợ; các cô giáo ở đấy phải có trách nhiệm, cô giáo cảm thấy không trông được thì phải cho chơi đồ chơi khác” 

“Mong kiểm tra định kỳ để xem chất lượng đồ chơi đảm bảo chưa. Khi các cô trông trẻ cần giám sát trực tiếp, xem trẻ chơi những đồ chơi gì để có thể tránh mọi rủi ro cho các cháu”

Trong vụ việc cháu bé tử vong do tai nạn khi chơi cầu trượt ở sân trường – Đây là loại đồ chơi rất phổ biến dành cho trẻ em đặt tại những sân chơi công cộng hoặc trường mầm non.

Vì thế, nhiều ý kiến đặt dấu hỏi về chất lượng của những thiết bị đồ chơi này ra sao và liệu nó có được kiểm tra nghiêm ngặt về an toàn trước khi lắp đặt vào nhà trường hay sân chơi công cộng dành cho trẻ hay không?

Trao đổi về vấn đề này, Bác sỹ Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho biết, thời gian qua, nhiều vụ tai nạn thương tích trẻ em xảy ra trong trường học có nguyên nhân từ việc chạy, chơi, sinh hoạt tập thể trên sân bêtông.

Với tình hình sĩ số học sinh/lớp quá đông như hiện nay, việc lớp học chưa được trải thảm, đồ chơi ngoài trời cho học sinh đặt ngay trên sân gạch, trong khi cần phải đặt trên hố cát hoặc thảm mút dày nên tiềm ần nhiều nguy cơ gây tai nạn cho học sinh. Bác sỹ Nguyễn Trọng An nhấn mạnh:

“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những quy định chặt chẽ về đồ chơi vì đã xảy ra rất nhiều tai nạn thương tích đối với trẻ em. Tuy nhiên các trường có chấp hành hay không, các trường có nghiêm túc thực hiện hay không hoặc có sự giám sát hay không khi để xảy ra tai nạn đáng tiếc. Như vụ việc gần đây xảy ra ở trường ở Phủ Lỗ thì vấn đề trách nhiệm của các trường rất quan trọng”.

Về trách nhiệm của nhà trường trong việc giám sát, đảm bảo chất lượng các đồ dùng, đồ chơi dành cho trẻ em, bà Ngô Thị Lệ Dung, Hiệu trưởng trường mầm non Royal Kidz, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, nhà trường có trách nhiệm chọn loại đồ chơi đúng lứa tuổi và đúng mục đích sử dụng.

Thứ 2 là chọn nhà cung cấp sản phẩm đúng chất liệu, mẫu mã, kích thước để đảm bảo an toàn cho trẻ khi sử dụng. Trong quá trình sử dụng, nhà trường thường xuyên kiểm tra để phát hiện những hỏng hóc để có kế hoạch thay mới, tránh nguy hiểm cho trẻ.

“Chúng tôi mong có nhiều lớp dạy kỹ năng cho giáo viên và cán bộ quản lý để cùng rút kinh nghiệm, có những vấn đề đáng tiếc đã xảy ra hoặc lường trước những bất cập để có giải pháp ngay lập tức. Công tác quản lý của bộ ngành với các nhà trường sẽ được liên tục, thường xuyên”.

Các văn bản hướng dẫn về việc đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong trường học ở tất cả các cấp, từ bộ ngành đến địa phương lâu nay không thiếu. Sau mỗi vụ tai nạn lại có một văn bản, chỉ đạo nhắc lại nhằm cảnh báo và yêu cầu rà soát toàn bộ những nguy cơ có thể xảy ra mất an toàn cho học sinh.

Tuy nhiên, dường như vụ việc xảy ra dù đau lòng đến mấy cũng chỉ xôn xao một thời gian, các trường tăng cường rà soát. Nhưng khi sự việc lắng xuống, công tác rà soát cũng bị lãng quên luôn.

Trong khi đó, bất cập của việc đảm bảo an toàn khi sử dụng đồ chơi trong nhà trường thì từ trước đến nay chưa có quy định nào ràng buộc trách nhiệm cho những đơn vị được cử kiểm tra cơ sở vật chất, thiết bị ở trường học để chỉ ra những nguy cơ tai nạn tiềm ẩn. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nêu ý kiến:

“Đây có lẽ là một lỗ hổng của pháp luật. Chúng ta mới chỉ quy định đảm bảo tiêu chuẩn khi giao hàng rồi, thực hiện hợp đồng rồi thì bên tiếp nhận và bên sử dụng như nhà trường chịu trách nhiệm chính. Nhưng chúng ta không đi sâu quy trách nhiệm cho những thiết kế, hóa chất, chất liệu để làm những sản phẩm ấy mà nó có nguy cơ gây tai nạn phải xử lý thế nào. Đúng ra phải quy trách nhiệm cho nhà sản xuất để họ nâng cao trách nhiệm an toàn về chất lượng”.

Ai chịu trách nhiệm kiểm nghiệm chất lượng đồ chơi trường học? (Ảnh: vietnamnet)

Dù chưa thể kết luận điều gì liên quan đến vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra với cháu bé ở trường mầm non Sóc Sơn, Hà Nội, song dưới góc nhìn của VOVGT, thì với cách tổ chức chăm sóc trẻ ở trường mầm non khu vực ngoại thành, nông thôn hiện nay, với cách kiểm soát đồ chơi vào trường học hiện nay, thì khả năng xảy ra các vụ tai nạn tương tự là không hiếm.

Lỗ cầu trượt, hay tại “lỗ” nào? 

Nếu ngành Lao động thương binh xã hội làm thống kê về tai nạn thương tích ở trẻ em, thì có lẽ, chưa năm nào, những con số và vụ việc lại gây rúng động như năm nay.

Trẻ em liên tiếp đuối nước ngay ở bể bơi, khu vui chơi chuẩn quốc tế, trẻ em rơi từ nhà cao tầng, trẻ em bị bỏng cồn thập tử nhất sinh khi học kỹ năng sống, trẻ em bị bỏ quên trên xe buýt học đường, hay bắn ra đường từ chiếc xe đưa đón, v.v.

Đó là chưa kể, hàng loạt vụ bạo hành, xâm hại trẻ em khiến dư luận phẫn nộ.

Có những vụ việc vẫn đang điều tra, có những nguyên nhân đã được kết luận. Song, tựu trung, đều có sự thiếu hụt về kỹ năng, về trách nhiệm, về quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ chăm sóc trẻ em, hoặc tất cả các yếu tố này.

Trở lại trường hợp tai nạn với cháu bé 3 tuổi ở trường mầm non huyện Sóc Sơn, Hà Nội, không thể không nói đến trách nhiệm của giáo viên và BGH nhà trường. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế cách tổ chức hoạt động ở trường mầm non, sẽ thấy, khả năng xảy ra những tai nạn kiểu này đang tiềm ẩn ở rất nhiều nơi, nhất là khối trường công lập ở các khu vực ngoại thành, nông thôn.

Mẹ tôi, một bà giáo gần 40 năm trong nghề nuôi dạy trẻ ở trường công, một huyện đồng bằng duyên hải, cho đến khi về hưu mới dám thở phào, vì không để cháu bé nào gặp tai nạn rủi ro trong suốt chừng ấy năm. Mỗi lớp trên dưới 40 trẻ, danh nghĩa có 2 cô, nhưng thực chất chỉ 1 cô thường trực, cô còn lại chỉ chuyên lo sổ sách, liên hệ, thông tin báo cáo.

Vậy là từ ăn đến ngủ, từ học đến chơi, từ sữa bỉm đến bưng bô cho mấy chục đứa trẻ tinh nghịch luôn miệng và luôn chân luôn tay, đều do một cô đảm nhận. Bà kể, mỗi ngày trôi qua đều căng như dây đàn. Đến giờ trả trẻ, trao được từng cháu tận tay cho phụ huynh nguyên vẹn như hồi sáng, mới dám tin mình hoàn thành nhiệm vụ. Nghe có vẻ chua chát, nhưng đó là sự thật.

Với số lượng giáo viên như vậy, thì ngay cả khi các cô có “ba đầu sáu tay”, cũng làm sao bao quát hết được trong suốt từng ấy tiếng ở trường. Mà tai nạn rủi ro, chỉ tích tắc thôi là có chuyện.

Còn đối với chuyện đồ chơi cho trẻ, nếu như bố mẹ tự trang bị cho con thì chuyện đồ chơi có hóa chất, đồ chơi độc hại còn được nâng lên đặt xuống, còn được thảo luận và chia sẻ, thì đối với đồ chơi ở trường học, đa phần phụ huynh đinh ninh là an toàn, bởi có cơ quan chức năng quản lý.

Nhưng chính tâm lý “đinh ninh” này, cộng với sự “bất minh” trong cách lựa chọn các nhà cung cấp đồ dùng đồ chơi, khiến cho các đồ chơi không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vẫn có thể lọt vào trường lớp.

Cái lỗ tròn khiến cháu bé bị lọt xuống, dẫn đến tai nạn thương tâm khi chơi cầu trượt ở trường mầm non kia, nhà sản xuất có lường trước được không? Quy chuẩn đồ chơi đồ dùng cho trẻ, có cho phép điều này không? Đơn vị thẩm định an toàn đồ chơi, có nhìn thấy không mà vẫn cho qua? Nhà trường khi tiếp nhận và theo dõi quá trình trẻ vui chơi, có rà soát phát hiện ra không?

Nếu câu trả lời là “không”, thì các ông bố bà mẹ hẳn sẽ phát sốt vì lo, khi có quá nhiều cái “lỗ” khổng lồ ngang nhiên tồn tại từ trong quy chuẩn đến trách nhiệm của những người giám sát, thực hiện quy chuẩn an toàn đồ chơi trường học.

Còn nếu câu trả lời là có, thì đó là bi kịch của đạo đức và lương tâm, khi mà “quan hệ” và “mức chiết khấu” đóng vai trò tiêu chuẩn đầu vào của đồ chơi thay vì yếu tố an toàn và chất lượng.

Bởi thế, giữa rất nhiều sự việc đau lòng xảy ra với trẻ em trong năm vừa qua, thì tai nạn với cháu bé ở trường mầm non huyện Sóc Sơn Hà Nội giống như một giọt nước, nhưng là giọt nước làm tràn ly, chiếc ly chứa đựng sự bất an của phụ huynh về các nguy cơ tai nạn rủi ro cho con em mình đang tiềm ẩn bất cứ nơi đâu, với quá nhiều những cái “lỗ” hổng đáng sợ đang tồn tại, hơn cái lỗ ở vòm cầu trượt./.

——————

VOV Giao thông (Góc nhìn & Sự kiện) 01-12-2019:

Mời quý vị nghe toàn bộ nội dung bài viết tại:

Chất lượng đồ chơi trường học: Ai chịu trách nhiệm kiểm nghiệm? – VOV Giao thông (vovgiaothong.vn)

(115/2.063)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,798