(DT) – Chuyên gia cho rằng, lãi suất trái phiếu hơn chục phần trăm là bình thường. Mua trái phiếu giống người cho vay, cơ hội kiếm lợi nhuận rất tốt nếu nhà đầu tư nắm bắt rõ và hiểu được rủi ro.
Quy mô thị trường trái phiếu đạt xấp xỉ 14% GDP
Trong 10 năm trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 30% và là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất ở châu Á. Hiện nay, quy mô thị trường đạt xấp xỉ 14% GDP.
Dù vậy còn thấp hơn khá nhiều so với thị trường TPDN các nước trong khu vực như: Tại Singapore quy mô thị trường TPDN đạt khoảng 30% GDP, tại Malaysia khoảng 56% GDP, tại Hàn Quốc khoảng 85% GDP.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, cho biết hiện có khoảng 50 triệu người có tài khoản ngân hàng và lượng tiền gửi dân cư trong hệ thống ngân hàng khoảng hơn 5 triệu tỷ đồng. Trong khi lãi suất đang có xu hướng giảm và hiểu biết của người dân, nhà đầu tư về thị trường tài chính ngày càng tăng lên.
“Điều này cũng đặt ra vấn đề là liệu sự phát triển của thị trường như vậy trong thời gian vừa qua có phải là quá nóng không? Sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân vào thị trường TPDN có tiềm ẩn rủi ro gì cho các nhà đầu tư cá nhân, cho sự phát triển bền vững của thị trường TPDN và sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam? Chúng ta đã nghe nói nhiều đến việc nhà đầu tư cá nhân bị cuốn hút bởi mức lãi suất khá cao của thị trường TPDN, họ dịch chuyển từ tiền gửi ngân hàng sang thị trường TPDN”, ông Quỳnh đặt câu hỏi.
Sức hút trái phiếu doanh nghiệp không đến từ chất lượng kinh doanh, mà đến từ “mồi nhử” là lãi suất cao (Ảnh: Vneconomy).
Chia sẻ tại Hội thảo “Cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Nhận diện và ứng xử rủi ro” tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính Bộ Tài chính cho hay: “Chúng tôi đã trình Thủ tướng Chính phủ lộ trình phát triển thị trường trái phiếu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng trình Chính phủ ban hành các Nghị định về trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với từng thời kỳ, kèm theo đó là các giải pháp quản lý và phát triển thị trường”.
Cũng theo vị đại diện này, “phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian tới có thể có những rủi ro bởi vì nhà đầu tư cá nhân tham gia quá nhiều và doanh nghiệp phát hành quá nhiều. Nếu thị trường biến động, doanh nghiệp có khó khăn thì một cục nợ sắp tới sẽ chờ chúng ta ở phía trước”.
Nhận diện 4 rủi ro chính
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện đầu tư vào TPDN có 4 rủi ro. Thứ nhất là rủi ro tín dụng, tức tổ chức phát hành trái phiếu không có khả năng trả lãi suất định kỳ hoặc thanh toán khoản gốc đúng hạn. Thứ hai là rủi ro thanh khoản, nhà đầu tư không thể ngay lập tức bán được trái phiếu khi có nhu cầu tiền mặt, hoặc không bán được trái phiếu với mức giá kỳ vọng, hoặc chi trả nhiều chi phí để bán được trái phiếu.
Thứ ba là rủi ro định giá lãi suất điều chỉnh, mức điều chỉnh không hợp lý dẫn tới lãi suất cao nhưng rủi ro lớn. Thứ tư là các nhóm rủi ro khác bao gồm: Rủi ro mua lại/tái đầu tư, rủi ro thị trường (lạm phát, lãi suất, bất ổn kinh tế), rủi ro sự kiện (thay đổi về pháp lý, thiên tai và đại dịch).
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho hay: Trái phiếu cũng cần xử lý như qua các kênh mua cổ phần hay vay ngân hàng, trên các sàn chuyên nghiệp thì quy định chặt, còn ngoài sàn thì không cần quá chặt chẽ. Người mua phải biết, phải chịu và chấp nhận rủi ro. So với cho vay bên ngoài, mua cổ phần mới thành lập, góp vốn thành lập công ty, đầu tư nhà cửa đất đai, đầu tư ngoại tệ… thì trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất cao hơn cũng hoàn toàn bình thường, tương xứng với mức độ rủi ro.
“Trái phiếu lãi suất hơn chục phần trăm là bình thường. Mua trái phiếu giống người cho vay, cơ hội kiếm lợi nhuận rất tốt nếu nhà đầu tư nắm bắt rõ và hiểu được rủi ro”. ông Đức bình luận.
Là người từng làm việc ở mảng quản lý tài sản, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bamboo Capital Group (BCG), đưa ra lời khuyên: “Phải hiểu tại sao mình đầu tư nó? Trái phiếu mang lại dòng tiền đều đặn và phục vụ mục đích nhất định trong việc cân bằng rủi ro trong danh mục đầu tư của mình. Nếu bạn có danh mục đầu tư bao gồm cổ phiếu và trái phiếu, trong điều kiện thị trường thuận lợi, kinh tế phát triển, cổ phiếu mang lại sự giàu sang còn trái phiếu mang lại dòng thu nhập đều đặn để các bạn sống hàng ngày”.
Cũng theo ông Tuấn, “không phải tất cả các trái phiếu giống nhau. Trái phiếu Chính phủ có độ an toàn cao, lãi suất thấp. TPDN cũng có rất nhiều doanh nghiệp. Phải tìm một thang chuẩn để xếp hạng các doanh nghiệp và với mức rủi ro như thế thì lãi suất mình nhận được có hợp lý hay không? Nếu không có đầy đủ thông tin và doanh nghiệp hoạt động không tốt thì có thể chịu rủi ro phá sản rất lớn. Nếu chúng ta là nhà đầu tư cá nhân và chuyên về tài chính, chúng ta phải tự tìm hiểu và đọc những thông tin đó trên thị trường”.
Đề cập tới xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu, Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu cho biết: Thực tế, trên thế giới ngay cả tại các nước phát triển như Mỹ cũng có khủng hoảng xếp hạng tín nhiệm. Tức phương pháp xếp hạng có đủ khách quan và minh bạch không, năng lực của cty xếp hạng có bắt kịp thị trường không, có dự đoán đúng rủi ro không. Lịch sử cũng cho thấy có những giai đoạn các tổ chức xếp hạng hàng đầu đã đánh giá không đúng, đưa ra xếp hạng tín nhiệm sai lệch, dẫn tới các quyết định đầu tư hoàn toàn sai lầm, không tương xứng với mức độ rủi ro.
Cho nên, mô hình về các công ty xếp hạng tín nhiệm không phải là phương pháp tuyệt đối hoàn hảo để phòng tránh rủi ro, nó chỉ là một công cụ mang tính bổ trợ cùng với các giải pháp mang tính toàn diện khác, trong đó có cả vấn đề chính sách, pháp lý về cơ sở hạ tầng, về sự nghiêm túc của các nhà phát hành.
“Đặc biệt nữa là việc nâng cao hiểu biết của nhà đầu tư, hơn ai hết họ phải là người chịu trách nhiệm cho các khoản đầu tư họ quyết định thực hiện”, ông Quỳnh nhấn mạnh.
Nguyễn Hiền
—————
Dân trí (Tài chính) 03-9-2021:
https://www.youtube.com/watch?v=Z-CpEuZ0RAg
(191/1.333)