Trên các số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh tình trạng nhan nhản các app cho vay cùng cách đòi nợ kiểu khủng bố của nhân viên các app.
Theo tìm hiểu, hoạt động cho vay này dường như đang bị cơ quan chức năng bỏ mặc và chưa có cơ quan nào có thể thống kê nổi con số chính xác về số lượng app cho vay đang có mặt tại Việt Nam.
Hoạt động cho vay qua app là trái phép
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, cho hay: Bất kỳ tổ chức tài chính nào muốn thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng như huy động và cho vay, bao gồm các hình thức huy động và cho vay qua app (hay còn gọi vay ngang hàng – P2P lending), buộc phải có giấy phép hoạt động của NHNN. Chính vì vậy, những app thực hiện huy động và cho vay khi chưa được cấp phép đều là hoạt động không hợp pháp.
Phân tích sâu hơn, luật sư (LS) Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI) nói: Vay qua app là cách cho vay trực tiếp giữa người cho vay với người vay thông qua nền tảng công nghệ kết nối trực tuyến mà không có sự tham gia của các tổ chức tín dụng. Các app cho vay dễ lấn sân sang một số khâu thuộc về chức năng, nhiệm vụ của ngân hàng. Hiện cho vay qua app, dấu hiệu phạm pháp là rõ, cơ quan chức năng cần phải kiểm tra sâu vào các giao dịch mới có thể biết được. “Lãi suất các app chỉ để mức 19%/năm nhưng các loại phí cộng dồn thì lãi suất cao gấp nhiều lần…” – LS Đức nói.
ThS Nguyễn Thị Thương (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng cho hay là chỉ có các tổ chức có đủ điều kiện, được NHNN cấp giấy phép mới được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.
Các chuyên gia đề nghị cơ quan chức năng cần sớm quản lý việc cho vay qua app. Ảnh: TT
Gây bất ổn xã hội
LS Nguyễn Quốc Cường (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho biết là Việt Nam hiện chưa có quy định về hoạt động P2P lending và một số người lợi dụng nó để cho vay lãi nặng trá hình. Các công ty hoạt động như một tổ chức tài chính cho vay lãi nặng, tự đứng ra cho vay với lãi suất rất cao… gây bất ổn đến an ninh kinh tế và ổn định xã hội.
NHNN có văn bản (số 5228 NHNN-CSTT ngày 8-7-2019) khẳng định pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định về hoạt động P2P lending, đồng thời cảnh báo mô hình này tiềm ẩn nhiều rủi ro về thông tin, rủi ro phòng chống rửa tiền, rủi ro an ninh mạng… có thể tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội.
Để tránh phát sinh những hệ lụy, Chính phủ cần sớm ban hành khung pháp lý để quản lý loại hình này, đồng thời cảnh báo những nguy cơ, rủi ro mà người dân có thể gặp phải khi sử dụng dịch vụ P2P lending.
Cạnh đó, cơ quan chức năng cần giám sát, xử lý kịp thời các đối tượng núp bóng để cho vay lãi nặng trá hình…
Gần như tất cả hoạt động của các app đều được thực hiện thông qua thuật toán. Chỉ cần người vay cung cấp số chứng minh nhân dân, điện thoại thì app đã nắm trong tay tất cả thông tin cá nhân, bạn bè, danh bạ điện thoại, số điện thoại cơ quan… Những app này kết nối với Facebook, Twitter, Instagram… Đó là lý do vì sao mà một người vay nhưng “cả họ, cả cơ quan” bị đòi. |
Dấu hiệu hình sự
LS Tạ Minh Trình (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng ngoài chuyện hoạt động không phép thì với lãi suất khủng (hơn 1.600%/năm – PV) mà các app đang áp dụng, bên cho vay có dấu hiệu của tội cho vay lãi nặng theo BLHS. Tuy nhiên, việc xử lý tội danh này không hề đơn giản vì hầu hết giao dịch qua ứng dụng, cơ quan tố tụng khó chứng minh. Muốn xử lý phải có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều cơ quan.
Đồng thời việc bôi nhọ, xúc phạm danh dự người vay, quấy rối, làm phiền người thân trong gia đình của người vay tùy từng tính chất, mức độ thì có thể bị xử lý về tội làm nhục người khác theo Điều 155 và tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác theo Điều 159 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Về góc độ quản lý nhà nước, Bộ TT&TT cần có giải pháp chặn các ứng dụng cho vay này và hạn chế tối đa việc quảng cáo, tiếp cận đối với người dùng Internet. Cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm khi phát hiện có ứng dụng hoạt động không phù hợp với chức năng ngành nghề doanh nghiệp đã đăng ký, đặc biệt hoạt động cấp tín dụng khi không đủ điều kiện theo quy định.
Đối với NHNN và các tổ chức tín dụng cần có cơ chế cho vay linh hoạt, thủ tục đơn giản để người có thu nhập thấp sớm tiếp cận được việc vay vốn. Song song đó là cần tuyên truyền rộng rãi đến người dân về loại hình dịch vụ này để họ hiểu và hạn chế việc sử dụng dịch vụ để không rước họa vào thân.
ThS Nguyễn Thị Thương (giảng viên Trường ĐH Luật) cho biết theo Nghị định 96/2014 (sẽ được thay thế bằng Nghị định 88/2019 có hiệu lực từ ngày 31-12-2019), việc hoạt động ngân hàng không có giấy phép sẽ bị phạt từ 400 triệu đến 500 triệu đồng cùng hàng loạt hình thức phạt bổ sung khác.
Đối với các công ty được thành lập dưới dạng công ty tài chính (là loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng – PV) có đủ giấy phép thì không được sử dụng biện pháp đe dọa đối với khách hàng trong quá trình thu hồi nợ, số lần nhắc nợ không quá năm lần/ngày (trong khoảng thời gian 7-21 giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính…
Các công ty tài chính vi phạm trong việc nhắc nợ sẽ bị phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng (trước ngày 31-12-2019 thì không có các quy định tương tự trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngân hàng).
Cách thức tính lãi suất, lãi phạt… cũng theo quan điểm “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Tức lãi suất sẽ theo từng đối tượng, từng hoàn cảnh gia đình chứ không hề cố định. Thời gian qua, người nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên mua đất, xây dựng nhà xưởng, cơ sở kinh doanh, tổ chức đánh bạc… diễn ra ở nhiều địa phương… Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, UBND các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài trên địa bàn. Đồng thời xử lý nghiêm những người Việt móc nối, che giấu, tiếp tay cho người nước ngoài vi phạm pháp luật. Cử tri cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ TT&TT phối hợp kiểm tra, xử lý các nền tảng dịch vụ cho vay online trên các thiết bị điện tử thông minh có tính chất “tín dụng đen” hiện nay. Văn bản của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Công an truyền đạt ý kiến của Thủ tướng trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV |
Cần sớm đưa vào khuôn khổ • TS CẤN VĂN LỰC, Giám đốc Trường Đào tạo BIDV: Nền tảng công nghệ cho vay qua app là xu thế tất yếu trong bối cảnh ngân hàng số và tài chính số ngày càng phát triển. Bản thân app cho vay cũng có nhiều ưu điểm, đó là chi phí hoạt động thấp, tiện lợi, thủ tục đơn giản, đáp ứng mọi nơi, mọi lúc và bao gồm cả khách hàng dưới chuẩn. Tuy nhiên, thời gian vừa qua xảy ra tình trạng app biến tướng, trá hình tín dụng đen, làm ảnh hưởng chung đến cả thị trường cho vay. Do vậy cần có hành lang pháp lý cho loại hình này. Phía khách hàng cũng có lỗi là chưa tìm hiểu kỹ thông tin về app, thấy dễ là vay mà không cần xem xét hậu quả. • Ông ARTEM ANDREEV, Chủ tịch Công ty Tư vấn tài chính LGC: Cơ quan quản lý cần quy định các công ty cho vay ngang hàng phải kết hợp với các ngân hàng để mở tài khoản thanh toán cho các nhà đầu tư, khách hàng vay. Đồng thời cần có quy định chặt chẽ về bảo mật thông tin của khách hàng và chỉ cung cấp cho nhà đầu tư khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán, nhằm hạn chế các bên không liên quan tiếp cận khách hàng. • LS TRƯƠNG THANH ĐỨC: Sự chậm trễ quản lý có thể gây nên rủi ro hệ thống và sự bất ổn cho nền kinh tế – xã hội. Hiện sự phối hợp của các cơ quan ban ngành còn chồng chéo, thiếu đồng bộ để có thể ban hành một khung pháp lý hoàn chỉnh cho hoạt động P2P lending. Cho vay ngang hàng nếu hoạt động nghiêm túc sẽ góp phần triệt tiêu tín dụng đen. Nhưng để mô hình này phát huy hiệu quả thì các cơ quan chức năng cần sớm đưa văn bản hướng dẫn và có biện pháp chế tài, hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và cung cấp thông tin đầy đủ cho người vay và cả nhà đầu tư. Chỉ khi nào có quy định xử lý cụ thể thì cho vay qua app núp bóng tín dụng đen mới bị chấm dứt hoạt động hoặc rút lui khỏi thị trường. |
——————
Báo Pháp luật TP. HCM (Thời sự) 05-12-2019:
Cho vay trái phép qua app: Cần ‘bàn tay sắt’ quản lý | Thời sự | PLO
(291/1.851)