(DV) – Theo nhận định của các doanh nghiệp, chuyên gia, tình trạng TP.Hà Nội liên tục thay đổi chính sách về việc cấp, sử dụng giấy đi đường khiến các hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Doanh nghiệp vẫn “hoa mắt, chóng mặt” vì giấy đi đường
Tối qua (7/9), Hà Nội thông báo tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp (mẫu cũ) và cấp giấy mới (có mã QR) kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư. Theo đó, đây là lần thứ 5 trong vòng 46 ngày cách ly xã hội chống dịch, Hà Nội thay đổi phương thức cấp giấy đi đường.
Trước đó, ngày 3/9, người dân nhận được thông tin thành phố dự kiến cấp giấy đi đường có mã QR, thực hiện từ 6/9. Chính sách ban ra vào cuối tuần khiến nhiều người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, bối rối.
Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Dũng, Giám đốc Công ty đồ bảo hộ Hương Dũng bày tỏ sự bức xúc về việc TP.Hà Nội liên tục thay đổi quy định về giấy đi đường. Cụ thể, theo ông Dũng, việc thay đổi chính sách quá nhiều và gấp rút khiến doanh nghiệp “trở tay không kịp”.
46 ngày phòng chống dịch, Hà Nội đã liên tục 5 lần thay đổi chính sách về giấy đi đường khiến dư luận xã hội bức xúc. (Ảnh: Dân Việt)
Đặc biệt, ông Dũng nhấn mạnh, doanh nghiệp chuyên kinh doanh các mặt hàng như đồ bảo hộ lao động, phòng chống dịch, dây chăng khu vực cách ly phong tỏa,… cũng được xếp vào nhóm “không thiết yếu” là quá vô lý.
“Việc xếp doanh nghiệp đồ bảo hộ vào nhóm “không thiết yếu” là quá vô lý. Ngoài ra, các mặt hàng đồ bảo hộ lao động của chúng tôi gửi đi khu công nghiệp của các tỉnh nhưng hiện tại xe không thể đi ra khỏi thành phố để gửi hàng. Xin cấp giấy đi đường đã khó, cấp phép luồng xanh càng khó hơn. Như vậy đã đúng với quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế chưa?”, ông Dũng đặt vấn đề.
Để giải quyết tình trạng trên, ông Dũng đề xuất quy định cấp giấy đi đường như thời gian đầu, doanh nghiệp đăng ký với cơ quan chức năng và tự cấp giấy đi đường, tự chịu trách nhiệm.
“Tôi cho rằng chính sách hợp lý nhất là để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về cấp giấy đi đường. Nếu có xảy ra vấn đề về phòng chống dịch, chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tình trạng thay đổi chính sách liên tục gây khó khăn rất lớn cho hoạt động của doanh nghiệp”, ông Dũng nhấn mạnh.
Đồng cảnh ngộ trên, anh Linh, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất phần mềm, ứng dụng công nghệ cũng cho biết, hiện tại, ngành này vẫn chưa thể xác định được có nằm trong nhóm “thiết yếu” hay không?
Do đặc thù công việc có nhiều thiết bị kỹ thuật, quy trình có các khâu bảo mật, nhân sự không được sử dụng các máy tính, thiết bị cá nhân để thực hiện. Do đó, việc ngành chức không có hướng dẫn cụ thể đang khiến công việc của các doanh nghiệp này bị đình trệ.
Theo đó, anh Linh cũng đồng quan điểm với việc nên để doanh nghiệp tự cấp giấy đi đường và chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch.
“Trong mùa dịch này, ai cũng sợ bệnh dịch nên phải có việc mới ra đường. Hơn nữa, việc doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đúng pháp luật, có đăng ký tự cấp giấy đi đường với cơ quan chức năng là hợp lý, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế”, anh Linh cho hay.
Chuyên gia chỉ “tử huyệt”
Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc Hà Nội cho phép sử dụng giấy đi đường cũ, đồng thời doanh nghiệp tiếp tục phải làm giấy đi đường mới là minh chứng rõ ràng nhất thể hiện sự lúng túng của lãnh đạo TP.Hà Nội trong việc cấp giấy đi đường nói riêng và phòng chống dịch Covid-19 nói chung.
Ông Thịnh cho rằng, sau những lần sửa đổi, rõ ràng Hà Nội đã có kinh nghiệm để cập nhật một cách đơn giản nhưng hiệu quả hơn để gúp đỡ người dân cũng như doanh nghiệp thích nghi.
Tuy nhiên kết quả lại như hiện nay. Doanh nghiệp đã khốn khó vì dịch, lại còn loay hoay thời gian, tiền bạc, công sức với việc xin giấy này giấy khác. Khó khăn chồng chất khó khăn.
Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp của tất cả các ngành kinh tế hoạt động. (Ảnh: Thanh Phong)
Theo chuyên gia Kinh tế Đinh Trọng Thịnh, vô lý nhất là cứ tối muộn, chiều thứ 7, chủ nhận mới ra yêu cầu để hôm sau phải có giấy mới được qua chốt thì người dân, doanh nghiệp trở tay sao kịp? mà không phải một lần diễn ra tình trạng như vậy?
“Quy định lúc thế này, lúc thế khác chỉ thêm dăm bảy chữ nữa tự nhiên thành quy định mới, loại bỏ luôn giấy đi đường cũ mà doanh nghiệp đã mất bao nhiêu công sức”, ông Thịnh cho hay.
Trong khi đó, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng việc nhiều lần thay đổi giấy đi đường đang gây ra sự khó khăn, bức xúc cho người dân, doanh nghiệp và nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Người dân chấp nhận thay đổi mẫu giấy đi đường nhưng phải hợp tình hợp lý về mặt thời gian. Muốn người dân thực hiện đúng mệnh lệnh thì phải có thời gian dự lệnh nhưng ở đây Hà Nội luôn ban hành hiệu lệnh trễ, dẫn đến không thể thực hiện kể từ thời điểm cho hiệu lực.
Bên cạnh đó, khi tiến hành làm các thủ tục cấp giấy đi đường cơ quan chức năng phải áp dụng tối đa hóa công nghệ, chỉ làm trực tiếp với trường hợp không thể áp dụng công nghệ.
Đối tượng sử dụng thiết bị công nghệ ở Hà Nội đã phổ cập, sử dụng mã QR code đã quá thông dụng nên chính quyền có thể cấp mã tự động từ xa và sử dụng qua các thiết bị, phương tiện được.
Sự lây lan duy nhất của dịch bệnh Covid-19 là do tiếp xúc gần, vì vậy, muốn chống dịch thành công thì phải giảm thiểu “tử huyệt” này. Do đó, cần phải thực hiện cấp mã chứ không cấp giấy, kiểm soát bằng phương tiện kỹ thuật chứ không kiểm soát trực tiếp bằng tay hay bằng mắt thường.
“Kiểm soát việc đi đường chỉ là hình thức, là phụ, còn bản chất và chính là phải kiểm soát sự di chuyển của 3 nhóm đối tượng, nhóm người tương đối an toàn (đã mắc bệnh, đã tiêm 2 mũi, đã có kết quá xét nghiệm), nhóm người đang có nguy cơ (tiếp xúc gần với F0, ờ rất gần F0, đang có dấu hiệu nghi vấn) và người đang bị dương tính FO (có hoặc chưa có triệu chứng)”, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Hà Nội cứ xoay doanh nghiệp như chóng chóng về vấn đề giấy đi đường có thể đẩy họ vào “cửa tử”. Đã đến lúc Hà Nội cần tính đến giải pháp thẻ xanh vaccine mà TP.HCM tính áp dụng để phục hồi kinh tế, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp
Thanh Phong – Quang Dân
—————
Dân Việt (Kinh tế) 09-9-2021:
(344/1.376)