Chọn vợ đâu chỉ “trời mưa biết chạy vào trong nhà”…
Một nhà thơ nổi tiếng có lần nói, “chọn vợ chỉ cần trời mưa biết chạy vào trong nhà”. Ông làm LS đã hòa giải bao nhiêu trường hợp tranh châp vợ chồng, ly hôn.., Theo ông trình độ và giáo dục có vai trò như thế nào trong việc gìn giữ mái ấm gia đình. Đúng sai, đùa nghịch thế nào?
-Tiêu chuẩn chọn vợ như vậy vẫn chưa đủ. Theo tôi, nếu hoàn cảnh thuận lợi thì trời mưa chưa hẳn vợ biết chạy vào nhà, mà còn phải biết cởi đồ tắm tiên. Hơn nữa thì còn biết gọi thêm chồng tắm cùng nữa. Có điều chắc chắn là chọn vợ như vậy sẽ không trái pháp luật nói chung và Luật Hôn nhân gia đình nói riêng. Vì tôi đã đọc ít nhất 39.000 điều luật, chưa thấy chỗ nào nói rằng vợ phải có 3 điểm G là giòn, giỏi và giầu.
Chọn vợ, lấy chồng là chấp nhận chứ không phải cải tạo nhau. Nếu không chấp nhận được thì chỉ đơn giản là chọn nhầm mà thôi. Mà nhầm thì sửa, trong đó cách sửa triệt để nhất là ly dị. Trình độ và giáo dục có vai trò quyết định hạnh phúc mỗi cặp gia đình. Tuy nhiên, trình độ cao hay thấp không quan trọng bằng sự tương thích. Nếu sự chênh lệch lớn thì nó tựa như đôi đũa lệch khó so cho bằng.
Yêu thì toàn thấy phiêu. |
Những ai từng học ở Nga chẳng lạ gì bài thơ Cậu bé và cô bé: “Giá tớ là con trai/Tớ sẽ đi sang châu Phi chơi cho khoái/ Còn nếu tớ làm con gái/ Cậu bé đáp lời ngay /Thay cho chỉ màu tớ sẽ thêu bằng tia nắng ban mai/Rồi hai người dần khôn lớn/Cùng nhau nên vợ nên chồng/Với nhau sáng trưa chiều tối/Họ toàn nói chuyện tiền nong”.
Thưa ông, ông thấy thế nào… mà toàn nói chuyện tiền nong sáng trưa chiều tối khi thành vợ thành chồng?
-Yêu thì toàn thấy phiêu. Yếu thì chỉ một điều muốn khỏe. Đói thì chỉ nói chuyện ăn. Túng nghèo thì hay mè nheo chuyện tiền bạc. Chỉ không thèm nói chuyện tiền nong trong hai trường hợp, không phải tiêu tiền hoặc là tiêu tiền không phải nghĩ. Vấn đề là nói thế nào và lúc nào mà thôi. Tốt nhất là phải nói nhiều hơn, sớm hơn và thực hơn trước khi thành vợ chồng.
Bát đĩa cũng có ngày xô
Gia đình xô sát bát đĩa quăng khắp nơi; Tim người giá moi được, cũng quảng đi cho rồi; Biết thế này thì không lấy nhau…
Ông thấy thế nào đôi khi vợ chồng cãi cọ nhau kiểu như thế này?
-Chuyện này xảy ra hàng ngàn năm rồi. Các cụ xưa cũng đã chẩn đoán và bốc thuốc rồi: Nếu “Bát đũa cũng có lúc xô” thì “Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê”. Ngày nay nhu cầu cao hơn, sống nhanh hơn, gấp hơn, nên ít đi sự chia sẻ, nhường nhịn. Đó là hiện tượng “tiêu dùng” tình yêu hoang phí gấp gáp đến mức chớp mắt đã cạn đáy tình yêu. Chỉ cần dành dụm một chút tình cảm bằng một nửa thuở yêu đương thôi thì đâu đến nỗi.
“Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ/ Có những giây phút ngoài vợ ngoài chồng” (Thuận Hữu). Những người đã kết hôn nhưng lại rất được hâm mộ… và họ có phút giây ngoài vợ ngoài chồng. Theo ông vợ chồng họ có ghen không và nếu được khuyên họ thì ông khuyên gì ?
-Người càng được hâm mộ thì khoảng trời riêng càng lớn. Nhưng đã là vợ chồng thì chính hai người cũng luôn có chung một khoảng trời riêng. Nếu người còn lại không đồng ý cho người khác lộ sáng trong khoảng trời ấy của hai người, thì chỉ nên sử dụng khoảng trời nhỏ nhoi còn lại hoàn toàn thuộc quyền của mình thôi. Đừng giành cả khoảng của người khác, đặc biệt là khi đã lựa chọn sáng suốt nhất vợ nhì giời.
Có tận buồn thì mới thấy hết giá trị của niềm vui. Thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương da thịt, cũng như lòng. |
Nhập vai tùy tục
–Những người nổi tiếng như Bill Gates thường chia sẻ rằng về nhà họ hay vào bếp giúp vợ. Vậy theo ông những người ra ngoài làm lãnh đạo nhưng khi về mái ấm của mình dù có ông to bà lớn nhưng nên làm gì để gia đình đầm ấm hạnh phúc con cái nhìn vào mà noi theo?
-Ở ngoài có thể là ông lớn, thì về nhà cũng vẫn là đàn ông, nhưng là ông chồng, ông bố, có khi còn là ông con nữa. Thì cứ nhập gia tùy tục đúng vai thôi. Trong nhà thì dù giang hồ cũng không thể làm trai cho chí lên trai, dọc ngang chẳng biết có ai trên đầu. Nôm na là tùy cơ ứng biến trong khuôn khổ pháp luật. Từ luật quốc tế, luật quốc gia cho đến luật gia đình. Cụ thể là trong nhà thì chỉ cần tuân thủ mỗi Điều 19 về “Tình nghĩa vợ chồng”, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau: “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình”.
Chân lý chỉ có…1
Vợ chồng khi sống với nhau khi không vừa ý ai cũng có thể đưa ra lý do như là chân lý ấy. Nhưng xem TV một lần trao giải OSCAR người xem rất ấn tượng với câu nói của một nghệ sỹ: “Chân lý chính là tình yêu thương”. Ông có bình luận gì về ý này?!
-Pháp luật đẻ ra đủ điều để quản lý, ngăn ngừa, trừng phạt, nhưng hồn cốt của nó vẫn là công lý. Trước mỗi sự việc, công lý hay chân lý thì chỉ có 1. Nếu hai vợ chồng có hai chân lý thì là phi lý, nghịch lý. Chân lý của tình yêu khác hoàn toàn chân lý của cuộc đời. Cha ông ta đã đúc kết rồi, yêu nhau củ ấu cũng tròn. Tức là chân lý đối với vợ chồng hoàn toàn có thể là phi lý, nghịch lý của sự vật, miễn là một.
“Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê”. |
Nhiều khi hiểu biết cũng chẳng giúp được gì cho tình yêu, nó chỉ làm cho nỗi buồn thêm da diết hơn mà thôi. “Con người ơi hãy thương lấy con người” là câu thơ mà nhiều người hay nhắc tới khi gặp chuyện chẳng vui trong cuộc sống. Ông có nhắn nhủ gì với những người gặp điều không vui trong công việc, gia đình cuộc sống?
-Hãy tiếp nhận và coi đó là lẽ thường của cuộc sống. Có tận buồn thì mới thấy hết giá trị của niềm vui. Thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương da thịt, cũng như lòng. Đã hiểu biết thì hãy cố gắng đừng gây thương tích, nhất là thương tích nặng, cho mình cũng như người khác.
Những cặp vợ chồng bị hiếm muộn khi lấy nhau mãi không có con nên không được vui vì các cụ bảo cần có người nối dõi nên khám chữa, thụ tinh trong ống nghiệm mới có con. Những gia đình có con như vậy theo ông mọi người cần cư xử thế nào cho hợp đạo ý làm người?
-Đạo lý làm người là phải làm ra người và con hơn cha là nhà có phúc. Nghĩa nối dõi để thờ cúng thì chẳng nghĩa lý gì, vì chết là hết. Nhưng thực chất nó quan trọng ở chỗ mang lại niềm vui trong cuộc sống và xét về một mặt nào đó, thì dường như con cái chính là của cải và là sự kéo dài sự sống của cha mẹ. Càng khó khăn trong đường con cái thì càng thấy gúy giá hơn. Vì vậy, kể cả phải xin trứng hay tinh trùng thì vẫn là tài sản vô giá. Ngay cả con nuôi thì tình cảm vẫn sâu nặng vì cha sinh không bằng mẹ dưỡng.
Những người con gái một lần yêu rồi giữ lấy bằng được đứa con trong bụng để sinh con và nuôi nó khôn lớn… mặc dù không có đăng ký kết hôn, cưới hỏi. Không như bao đứa trẻ bị nạo thai, cha mẹ vứt bỏ chết tội nghiệp. Là LS ông thấy những bà mẹ đơn thân và cái nôi gia đình hạnh phúc thể nào là phù hợp.
-Tình mẫu tử là thiêng liêng nhất, mẹ đơn thân dành hết tình yêu cho con thì càng vĩ đại. Nhưng không gì bằng con sống chung mái nhà yêu thương của cả bố mẹ. Mẹ có thể muốn thế và thấy thế là đủ. Nhưng con nó sẽ thấy thiệt thòi cả đời.
Còn điều gì phóng viên chưa hỏi mà ông muốn chia sẻ?
-Tình yêu nam nữ gắn liền với tình dục như một quy luật hết sức bình thường. Nhưng là bất thường khi nhiều người đang có xu hướng chỉ muốn tình dục mà không cần tình yêu, hay chỉ muốn cặp đôi mà không muốn kết đôi vợ chồng. Đều là quyền tự do lựa chọn, nhưng tôi cho rằng, tự do kết đôi thì tốt hơn tự do độc thân.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
——————
VietTimes (Mass media) 09-12-2019:
Chọn vợ, lấy chồng là chấp nhận chứ không phải cải tạo nhau (viettimes.vn)
(1.091/1.734)