(LĐ) – Sau khi Trấn Thành tung 1.000 trang sao kê tiền từ thiện, đã có cơn bão rate 1 sao trên app Vietcombank. Ngân hàng này sau đó đã đăng tải thông tin trên trang fanpage cho biết luôn cam kết về tính minh bạch, chính xác của các thông tin trên sao kê tài khoản của khách hàng được cung cấp chính thức bởi Vietcombank
Sau những lùm xùm khi một số nghệ sĩ như Trấn Thành cung cấp sao kê tài khoản ngân hàng, Vietcombank đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.
Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 23/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước và quy định hiện hành của Vietcombank, ngân hàng sẽ thực hiện in sao kê tài khoản để cung cấp theo yêu cầu của khách hàng.
Trên sao kê tài khoản, Vietcombank cung cấp thông tin về số dư đầu kỳ, số dư cuối kỳ, các giao dịch trong kỳ sao kê và số dư cuối ngày của tài khoản, trong đó, số dư cuối ngày của tài khoản được hiển thị một lần vào cuối mỗi ngày giao dịch.
Tùy theo hình thức nhận sao kê theo yêu cầu của khách hàng (bằng văn bản hoặc qua các kênh trực tuyến), các định dạng về mẫu sao kê có thể khác nhau nhưng đều đảm bảo đầy đủ thông tin quy định.
Đáng chú ý, ngân hàng cam kết các thông tin đều minh bạch, chính xác trên sao kê tài khoản của khách hàng được cung cấp chính thức bởi Vietcombank.
Theo quy định về bảo mật thông tin, ngân hàng chỉ được quyền cung cấp thông tin sao kê tài khoản cho khách hàng, người được khách hàng ủy quyền hợp pháp hoặc các cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu.
MC Trấn Thành vừa qua đã đăng tải những hình ảnh chi tiết về sao kê tài khoản trước nghi vấn không minh bạch về tài chính trong nhận tiền từ thiện. Ảnh: Facebook Trấn Thành
Trước đó, trả lời phỏng vấn Báo Lao Động về vấn đề “Những ai được quyền yêu cầu sao kê tài khoản?”, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty luật ANVI cho biết:
“Theo quy định của pháp luật, ngoài ngân hàng thì chỉ có chủ tài khoản và người được ủy quyền hợp pháp mới được sao kê tài khoản ngân hàng tại chính ngân hàng đó. Chỉ có một số cá nhân, cơ quan có thẩm quyền theo quy định cụ thể của pháp luật mới có quyền yêu cầu ngân hàng sao kê tài khoản của người khác”.
Cũng theo ông, vấn đề về bảo mật cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng được quy định tại Điều 10 Nghị định 117/2018. Trong đó, 10 nhóm cá nhân thuộc 10 cơ quan sau đây được yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin nói chung và sao kê tài khoản nói riêng:
– Cơ quan thanh tra các cấp
– Cơ quan kiểm toán các cấp
– Viện kiểm sát nhân dân các cấp
– Tòa án nhân dân các cấp
– Cơ quan điều tra các cấp
– Cơ quan nghiệp vụ thuộc công an, quân đội…
– Cơ quan thi hành án các cấp
– Cơ quan hải quan các cấp
– Cơ quan thuế các cấp
– Các cơ quan nhà nước khác khi được pháp luật quy định cụ thể, rõ ràng trong các văn bản liên quan.
Tất cả 10 nhóm cá nhân, cơ quan này đều phải thực hiện theo các quy định chi tiết về thủ tục, thẩm quyền, hồ sơ để được ngân hàng cung cấp thông tin.
ĐỨC MẠNH
—————
Lao Động (Kinh doanh) 09-9-2021:
(284/647)