2.845. Cần một tư duy chính sách mới để giải cứu doanh nghiệp trong bối cảnh hậu COVID-19 

(TN) – Sáng ngày 16/9, Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (Viện PLD) đã tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến với chuyên đề “Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay”. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp đã có những chia sẻ, đề xuất giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước ảnh hưởng tác động của đại dịch. 

Sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm, cả nước có 85,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

TS. LS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách & Pháp luật

Tính riêng trong tháng 8, có 6.441 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó có 3.118 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 2.511 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 812 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Xây dựng 1 tổ hợp tín dụng

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng, từ nay đến hết năm, sẽ có khoảng 100.000 đến 150.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Trước những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các Ngân hàng thương mại có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm lãi suất cho vay, giãn nợ hay các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

TS Nguyễn Trí Hiếu

Tuy nhiên, những chính sách trên chưa thực sự đạt được hiệu quả, đặc biệt đối với các doanh nghiệp đang trong tình trạng “sống dở chết dở”.

TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất cần phải xây dựng 1 tổ hợp tín dụng có hạn mức lên đến 300.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước là đơn vị chủ trì xây dựng, còn các ngân hàng nội, ngoại có mặt ở Việt Nam đều phải tham gia với mức trung bình từ 3 – 3,5%/tổng dư nợ của mỗi ngân hàng. Các ngân hàng sẽ phải dùng vốn Casa – dòng vốn được ngân hàng huy động với lãi suất rất thấp để hỗ trợ cho gói này.

Tổ hợp tín dụng sẽ thực hiện cho vay đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu tác động bởi dịch bệnh để hỗ trợ các doanh nghiệp “vượt cạn” trong giai đoạn này. Đặc biệt là nếu có thể thì nên áp dụng cho vay tín chấp. “Doanh nghiệp đã thế chấp hết tài sản để cầm cự hoạt động trước đó, nên giờ muốn cứu họ không thể đòi hỏi cho vay thế chấp được” – ông Nguyễn Trí Hiếu đưa ý kiến.

Để tránh rủi ro, tổ hợp tín dụng này sẽ do Ngân hàng Nhà nước đứng ra làm đầu mối và tất cả các ngân hàng sẽ họp lại với nhau để đưa quy chế, quy trình, tiêu chí để doanh nghiệp nào có thể được vay. Đồng thời, các ngân hàng cũng sẽ bầu ra 1 ngân hàng uy tín, có năng lực nhất để điều hành quỹ này.

Khoản vay cho doanh nghiệp sẽ có một số điều kiện cơ bản như: Vay trong vòng tối thiểu 5 năm, 2 năm đầu là vay tuần hoàn và 3 năm sau trả dần trên dư nợ vay vào cuối năm thứ 2. Mức lãi suất nên rất thấp chỉ từ 3 – 5%.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng ngân hàng cũng rất lo phát sinh nợ xấu nên khi lập tổ hợp tín dụng này cần có cơ chế bảo đảm cho họ thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia.

Quỹ bảo lãnh tín dụng như một loại bảo hiểm cho các ngân hàng, các ngân hàng cho vay, quỹ bảo lãnh tín dụng đó bảo lãnh cho các ngân hàng mà nếu ngân hàng không thu hồi được nợ cuốn đó sẽ trả tiền cho cho ngân hàng. Cơ chế này cho phép ngân hàng hạ chuẩn cho vay.

Theo đó, để ngân hàng cho vay an toàn thì cần sử dụng quy chế an toàn. Năm 2018 Chính phủ đã có Quyết định 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng và hạn mức cũng rất nhỏ. Với tổ hợp tín dụng này phải có quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, ngân sách bỏ tiền vào quỹ đó với vốn điều lệ tối thiểu là 30.000 tỷ để bảo lãnh cho 300.000 tỷ tín dụng các ngân hàng bỏ ra.

Chuyên gia tài chính ngân hàng – TS Phạm Xuân Hoè đánh giá cao đề xuất của ông Nguyễn Trí Hiếu. Tuy nhiên, theo ông Hòe, đề xuất trên chỉ khả thi khi có 1 nghị quyết từ cấp Quốc hội hoặc Chính phủ. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội ngân hàng. Cuối cùng là các số liệu từ các cơ quan và tổ chức đáng tin cậy đánh giá về tình hình doanh nghiệp. Từ đó có sự phân loại về tình hình của các doanh nghiệp để có sự hỗ trợ kịp thời và chính xác nhất.

Luật sư Trương Thanh Đức

Luật sư Trương Thanh Đức đánh giá đề xuất của chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chỉ hợp lí trong tình trạng thiếu vốn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay đang diễn ra tình trạng thừa vốn. Thừa vốn ở đây được hiểu theo nghĩa là thiếu điều kiện an toàn để cho vay. Do vậy, ngân hàng sẽ dùng tiền đó để mua trái phiếu Chính phủ chứ không thể thực hiện cho vay.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đồng tình với ý kiến của chuyên gia Phạm Xuân Hoè khi cần có sự đánh giá để xem xét về tình hình của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thật sự đang cần gì và cái khó khăn của họ ở đâu. Đặc biệt cần có sự hỗ trợ đặc biệt với các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước.

Dưới góc độ doanh nghiệp, doanh nhân Nguyễn Đức Thiện cho biết hiện nay doanh nghiệp thực sự khó khăn khi lãi vay đang chồng chất và chưa có cơ chế giảm tải cho lãi suất này. Theo ông Thiện cần có giải pháp cho cả 3 giai đoạn: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Trong đó giai đoạn ngắn hạn là dành cho tình huống khẩn cấp, cần thực hiện ngay. Cụ thể như giãn nợ, giảm lãi suất cho người dân và doanh nghiệp. Giai đoạn trung hạn là thành lập tổ hợp tín dụng như ý kiến của chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu và giai đoạn dài hạn là hỗ trợ lâu dài cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cần một tư duy chính sách mới

Trong buổi tọa đàm có ý kiến cho rằng nhiều doanh nghiệp hiện đang kêu cứu về tiền lương và gặp khó khăn trong việc vay vốn. Chuyên gia tài chính ngân hàng Phạm Xuân Hoè cho biết, Chính phủ đã có gói tái cấp vốn trị giá 16.000 tỷ đồng để Ngân hàng chính sách xã hội cho doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động.

Tuy nhiên điều khiến các doanh nghiệp khó có thể tiếp cận gói cho vay này chính là bởi điều kiện phải hoàn thành nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đây là vấn đề mà có tới 90% doanh nghiệp tại Việt Nam không thực hiện được.

Ông Phạm Xuân Hòe cho rằng với những chính sách như vậy thì khó có thể đi vào thực tiễn. Do đó, ông đề xuất tại Việt Nam cần một cuộc cách mạng về tư duy chính sách của chính các nhà hoạch định chính sách. Việc đưa ra các chính sách quá “xa vời” thực tiễn như vậy thì khó có thể cứu được nền kinh tế và cứu được các doanh nghiệp.

Một số chuyên gia khác cũng đồng tình với ý kiến này và cho rằng hiện nay là thời điểm vô cùng thích hợp để có những thay đổi khác biệt về tư duy chính sách.

 

Thụy Linh

—————

Tầm nhìn (Kinh tế) 17-9-2021:

https://tamnhin.trithuccuocsong.vn/can-mot-tu-duy-chinh-sach-moi-de-giai-cuu-doanh-nghiep-trong-boi-canh-hau-covid-19-109775.html

(81/1.489)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.910. Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh"...

Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh" với vàng? (CAND) - Dù liên...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,032