(TT) – VietinBank vừa phát đi thông báo bán nợ vay tiêu dùng của 264 khách hàng cá nhân để thu hồi nợ với tổng giá trị lên tới gần 6,6 tỷ đồng. Đây không phải là lần đầu tiên ngân hàng này tiến hành rao bán nợ vay tiêu dùng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây cũng là điều dễ hiểu do các ngân hàng không còn dịch vụ đòi nợ thuê…
Nhiều khoản trợ có giá trị chỉ hơn 500 nghìn
VietinBank vừa phát đi thông báo bán nợ vay tiêu dùng của 264 khách hàng cá nhân để thu hồi nợ với tổng giá trị lên tới gần 6,6 tỷ đồng.
Các khoản nợ được rao bán này có giá trị dao động từ vài trăm nghìn cho tới 100 triệu đồng, bao gồm cả gốc, lãi và lãi phạt. Trong số đó, khoản nợ có giá trị thấp nhất có giá trị khoản hơn 483 nghìn đồng hay có khoản hơn 570 nghìn đồng, 806 nghìn đồng. Ngoài ra, rất nhiều khoản nợ được ngân hàng rao bán có giá trị từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/món.
Khoản nợ có giá trị lớn nhất lên tới gần 101 triệu đồng. Đáng lưu ý, do các khoản nợ vay tiêu dùng nên các khoản nợ được rao bán đều không có tài sản bảo đảm.
Ngân hàng cho biết, khách mua có thể mua lẻ từng món nợ hoặc tất cả khoản nợ và phải thanh toán một lần. Theo đó, ngân hàng sẽ lựa chọn người mua trả giá cao nhất và ít nhất bằng giá khởi điểm từng khoản nợ.
Giá khởi điểm không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/ sử dụng tài sản và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu. Việc mua, bán nợ không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng. Các khoản nợ vay tiêu dùng phục vụ đời sống có nghĩa vụ thanh toán cho VietinBank theo các hợp đồng tín dụng đã ký. Do đó, người mua những khoản nợ này sẽ có quyền đòi nợ.
Đây không phải là lần đầu Vietinbank chào bán các khoản nợ vay tiêu dùng mà trước đó, ngân hàng này cũng đã liên tục thông báo bán các khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ. Chẳng hạn, ngày 17/5 ngân hàng này rao bán khoản nợ của 9 khách hàng với giá trị ghi sổ hơn 75,5 triệu đồng gồm gốc, lãi và lãi phạt. Trong đó, khoản nợ có giá trị cao nhất hơn 16 triệu đồng, thấp nhất chỉ hơn 1 triệu đồng.
Ngân hàng này cũng lưu ý là giá khởi điểm không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản và các chi phí khác khi thực hiện mua khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu. Ngân hàng có thể bán từng khoản nợ, một số khoản nợ hoặc tất cả các khoản nợ.
Cũng có một số khoản nợ được rao đi rao lại nhiều lần và ngân hàng đã giảm giá khoản nợ. Khoản nợ của 9 khách hàng nêu trên từng được rao bán với giá khởi điểm hơn 83 triệu đồng, trước khi giảm về mức 75,5 triệu đồng.
Một khoản nợ nữa của nhóm 15 khách hàng cũng đã được VietinBank rao lần thứ hai với giá giảm 15 triệu đồng so với trước đó vài ngày, còn gần 151 triệu đồng. Do đây là các khoản vay tiêu dùng nên đều không có tài sản đảm bảo, giá trị món nợ cũng nhỏ. Khoản vay lớn nhất 40 triệu đồng (gồm cả gốc và lãi), trong khi khoản nhỏ nhất hơn 4 triệu đồng.
Ảnh minh họa.
Thị trường mua bán nợ cho vay tiêu dùng ra đời là điều dễ hiểu
Chia sẻ về vấn đề trên, đại diện VietinBank từng cho hay, đây là bước thử nghiệm để kích hoạt thị trường mua bán nợ cho vay tiêu dùng. Theo vị này, nhiều người chỉ quen với những khoản nợ lớn và có tài sản thế chấp, trong khi các khoản nợ vay tiêu dùng chưa được ngân hàng nào chào bán công khai. Trong thực tế, nhiều đơn vị có nhu cầu mua khoản nợ này, đó là những tổ chức có giấy phép kinh doanh thu hồi nợ.
Vietinbank cũng nói thêm, đây không phải là những khoản nợ khó bán. Ngân hàng vẫn có thể chào bán theo hình thức thỏa thuận, nhưng chúng tôi muốn chào bán công khai để ai có nhu cầu vẫn có thể mua được, đồng thời để xóa đi tâm lý cứ khoản nợ lớn, có tài sản đảm bảo thì ngân hàng mới thanh lý. Có nhiều biện pháp để thu hồi nợ xấu. Căn cứ vào nguồn lực, tính chất của các khoản nợ, ngân hàng sẽ lựa chọn biện pháp thu nợ phù hợp.
Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia thừa nhận, hiện nay, các ngân hàng không còn dịch vụ đòi nợ thuê nên chuyện đi bán nợ cho vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo, và giá trị từ vài trăm nghìn đến trăm triệu là điều dễ hiểu.
“Tuy nhiên, vấn đề ở đây khiến nhiều người băn khoăn là mức giá rao bán các khoản nợ đang ở mức cao, bằng với giá sổ sách. Thông thường, nếu là nợ xấu thì phải có tỷ lệ chiết khấu, chứ khó có thể bán bằng giá sổ sách. Chưa kể việc bán lại rất phức tạp, bởi khi xử lý nợ còn có rất nhiều chi phí phát sinh liên quan” – ông Lực nói.
Về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức cũng đã từng cho hay, mọi quan hệ dân sự giữa người vay và tổ chức tín dụng đều phải tuân thủ theo pháp luật, khi đã chậm trả nợ thì tổ chức tín dụng có quyền tính lãi quá hạn và đòi nợ.
“Tổ chức tín dụng được quyền tính lãi quá hạn và đòi nợ khi khách hàng chậm trả, đòi không được thì có quyền khởi kiện. Đương nhiên sau khi kiện ra tòa thì các bên sẽ phải thi hành án, nếu bên vay vẫn không thể thi hành án thì tổ chức tín dụng sẽ…. mất vốn. Đó là rủi ro thấy rõ trong cho vay tiêu dùng nhưng lại là một điều bình thường vì nó không hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, nếu bên cho vay phát hiện bên vay có dấu hiệu tội phạm thì hoàn toàn có thể tố giác để xử lý hình sự”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.
Minh Nguyễn (t/h)
—————
Thương trường (Tài chính – NH) 19-9-2021:
https://thuongtruong.com.vn/amp/thi-truong-mua-ban-no-cho-vay-tieu-dung-se-soi-dong-65829.html
(169/1.185)