Theo Điều 104 của Bộ luật Lao động (sửa đổi), người sử dụng lao động có thể thưởng cho người lao động không chỉ bằng tiền, mà có thể bằng hiện vật như chính hàng hóa, dịch vụ của công ty; hoặc thưởng bằng các hình thức khác như phiếu mua hàng giảm giá, chuyến du lịch.
Đa số người lao động đã tỏ ra hoang mang với quy định mới này bởi từ trước đó, những câu chuyện bi hài khi thưởng Tết không phải bằng tiền mà bằng hiện vật đã diễn ra. Và điều này có thể sẽ còn tiếp diễn khi Bộ luật Lao động 2019 mở rộng khái niệm tiền thưởng không chỉ là tiền mà còn bằng các hình thức khác.
‘Việc thưởng tết bằng hiện vật rất có thể sẽ là sản phẩm của doanh nghiệp hoặc đối tác của doanh nghiệp và rất có thể không phù hợp với nhu cầu sử dụng của người lao động”
“Tôi thấy thưởng bằng hiện vật đôi khi cũng thiết thực với chúng tôi và có thể chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Nhưng có những sản phẩm được thưởng mà mình không dùng tới, bán không được, cho cũng không ai lấy, thì cũng rất khó”
“Một số công ty mà sản xuất mặt hàng tiêu dùng thì làm quà tặng còn hợp lý, chứ các hàng hóa khác thì rất khó để sử dụng, rồi cồng kềnh nếu muốn mang về quê. Nên dùng tiền thưởng vẫn là phù hợp nhất”.
Thực tế, những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã thưởng Tết cho người lao động bằng sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất như: nước mắm, tương ớt, khăn mặt, tất, quần đùi, hương, dép, thậm chí là thưởng gạch khiến người lao động “khóc dở, mếu giở”.
Những sản phẩm này khiến người lao động rơi vào tình huống phải tiêu thụ giúp doanh nghiệp nhưng lại không đem lại lợi ích cho người lao động, họ có thể không dùng được mà bán thì không ai mua. Vì thế, theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, Nguyên Viện trưởng Viện Công nhân – công đoàn, việc quy định doanh nghiệp được thưởng bằng hiện vật là rất thiệt thòi cho người lao động.
“Yêu cầu công nhân phải lấy sản phẩm có thể biến người dân thành thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp, mà thực sự độ thỏa dụng bằng tiền cao hơn rất nhiều so với độ thỏa dụng bằng hiện vật”.
Từ phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Euroha cũng cho rằng, thưởng Tết là phần thưởng để động viên, khích lệ người lao động phấn đấu cho những năm tiếp theo. Vì vậy, thưởng Tết nên bằng tiền, còn trong trường hợp bằng hiện vật thì phải phù hợp nhu cầu người lao động.
“Doanh nghiệp cũng phải nói thẳng, nói thật, mỗi ngành nghề có một đặc thù khác nhau, không ai giống ai cả. Ví dụ như tôi sản xuất nhôm, không lẽ tặng bằng hiện vật thì tôi tặng nhôm, nó vô lý quá”
Chia sẻ về nội dung này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định, người lao động có quyền từ chối nếu doanh nghiệp trả thưởng bằng sản phẩm dịch vụ mà họ không thích hoặc giá trị sản phẩm dịch vụ không đảm bảo bằng đúng tiền thưởng của mình.
Theo ông Lợi, Tết năm 2020 thì quy định này chưa áp dụng, nhưng từ năm 2021 khi có hiệu lực thi hành thì Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn. Nghị định của Chính phủ sẽ phải quy định rất rõ điều kiện như thế nào, cách thức, phương pháp trả ra sao để đảm bảo giá trị thực tế của tiền thưởng cho người lao động mà không được thấp hơn giá trị tiền thưởng.
“Quy định này đòi hỏi chúng ta phải có hướng dẫn để đảm bảo nguyên tắc hiện vật hay các hình thức khác thay cho tiền thưởng phải đảm bảo giá trị thực tế tiền thưởng cho công nhân.
Tôi cho rằng Chính phủ phải giao Bộ Lao động – Thương binh – xã hội có hướng dẫn cụ thể và công đoàn phải tham gia vào quá trình giám sát, xây dựng quy chế thưởng cho chủ sử dụng lao động để đảm bảo nguyên tắc thưởng bằng hiện vật hoặc các hình thức khác không thấp hơn giá trị tiền mặt”.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, quy định mới này cũng nên cụ thể hơn, trường hợp nào là thưởng bằng hiện vật, trường hợp nào là bằng tiền để đảm bảo tính hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động. Mặt khác, để đảm bảo quyền lợi, người lao động nên xem kỹ những điều khoản, tiền thưởng và phúc lợi ngay khi ký hợp đồng chính thức. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nêu ý kiến:
“Vấn đề mấu chốt là sự thỏa thuận và tự nguyện của người lao động với doanh nghiệp. Với toàn bộ thị trường hướng tới sự chuyên nghiệp, bài bản, các doanh nghiệp phải đối xử với người lao động ở mức độ hợp lý. Câu chuyện của thị trường, của cạnh tranh sẽ đòi hỏi doanh nghiệp phải đạt được những mức tối thiểu và ngày càng nâng cao”.
Bên cạnh câu chuyện người lao động lo ngại với thưởng Tết có thể không phải là tiền mà bằng hiện vật; thì không biết từ lúc nào đã thành lệ, cứ vào dịp cuối năm lại rộ lên chuyện thưởng Tết. Và có thể sẽ tốt hơn nếu tiền thưởng tết được nhập vào tiền lương và chi trả cho người lao động trong những ngày bình thường.
Đừng để lệ thành tệ (Bình luận của nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc kênh VOV Giao thông)
Gần Tết, những thông tin về thưởng Tết to, nhỏ, lớn bé bắt đầu xuất hiện thường khiến tôi nhớ về cái không khí u ám của buổi chiều cuối năm ấy, nơi căn phòng đầy gió ở miền biển Tĩnh Gia.
Huyện Tĩnh Gia (Thanh Hoá) hồi ấy chưa có khu công nghiệp Nghi Sơn. Cả dải đất nằm ven Quốc lộ 1 toàn đầm cói với phi lao. Tôi về vùng bãi ngang viết bài cho chương trình phát thanh Tết.
Buổi chiều, ghé UBND huyện, dãy nhà ba tầng vắng hoe, Chánh văn phòng UBND huyện kéo tôi vào phòng pha trà uống. Căn phóng trống huếch, cánh cửa sổ mất một bản lề gió rung bần bật. Chủ nhà kéo điếu thuốc lào, thở dài nhả khói: “Cả huyện chia nhau đi lo tiền thưởng Tết cho nhân viên Uỷ ban.
Khó lắm! Mỗi người 100.000 đồng thôi thì cũng mấy chục triệu chứ ít gì đâu?”.
Huyện thuần nông, gần Tết mà nhiều nhà con cái đi lên thành phố ăn xin với đánh giày vẫn chưa về nghỉ. Mấy cơ quan hành chính muốn có chút tiền thưởng Tết thì chỉ biết đi xoay xở, xin xỏ chứ làm gì ra?
Mỗi năm có một lần. Thưởng Tết dù nhỏ hay to cũng là một cái lệ, một thứ tưởng thưởng sau một năm làm việc. Vì thế, không cần biết thu nhập hàng tháng cao hay thấp, thưởng Tết vẫn là thứ thành quả để người ta so bì, đánh giá.
Thế là gần Tết, cán bộ huyện, các phòng ban đều phải toả đi, mỗi nơi xin một chút. Chia ra mỗi người cũng chỉ đủ mua hộp mứt, chai rượu, nhưng không có không được.
Cơ quan, đơn vị nào không lo được thưởng Tết cho nhân viên thì lãnh đạo được coi là bất tài, vô lực.
Doanh nghiệp làm ăn có tiền ra tiền vào thì không nói, nhưng với những cơ quan hành chính, những đơn vị công ích, ngoài tiền chi thường xuyên thì làm gì có quỹ cho thưởng Tết. Gần Tết, lãnh đạo những cơ quan này như ngồi trên đống lửa.
Bạn tôi, năm ấy được bổ nhiệm làm tổng biên tập một tạp chí nhỏ. Người tiền nhiệm trước khi rời đi đã kịp tiêu hết tiền. Toà soạn chỉ còn 20 con người và mấy bộ bàn ghế.
Anh bạn tôi nhận chức được hai tháng thì Tết. Bạn bè chưa kịp được ăn khao thì đã được anh gọi điện để vay tiền “Tao mới nhận chức, năm nay không có đồng thưởng Tết nào thì mặt mũi nào mà chúc Tết nhân viên…”.
Qua được cái Tết ấy, năm sau tờ tạp chí của anh cũng đã có đồng ra đồng vào, nhưng dường như nỗi sợ hãi thưởng Tết đã ám ảnh anh.
Phóng viên viết bài hay anh cũng không dám thưởng, đặt bài cộng tác viên càng ngày càng khó anh cũng không dám tăng nhuận bút. Anh trần tình “Để dành tiền cuối năm còn có cái mà thưởng Tết”.
Vẫn biết phần thưởng là động lực quan trọng đối với người lao động. Vẫn biết có nhiều cơ quan doanh nghiệp có thể thưởng rất lớn cho nhân viên mỗi dịp xuân về Tết đến. Song, khi nó là cái lệ bắt buộc phải có, lại được cổ vũ bằng truyền thông, nó thành một cái tệ.
Cái lệ thưởng Tết không chỉ là một cái tệ đối với những vị lãnh đạo trót phụ trách những cơ quan không có đồng ra đồng vào, hay những doanh nghiệp năm đó không may làm ăn bết bát mà còn tạo ra sự lệch lạc của cả xã hội.
Nhiều gia đình, cha mẹ tha thiết muốn con phải vào làm cơ quan nhà nước, đôi khi chỉ vì niềm tự hào cuối năm có thưởng Tết, không như làm tự do, hay tự mình khởi nghiệp.
Thưởng Tết khiến con người ta tiêu dùng mạnh bạo hơn khi có trong tay một khoản tiền nhiều khi tương đương cả một năm thu nhập. Người ta mua sắm nhiều đến mức thừa mứa khiến cho Tết trở thành một ví dụ điển hình của sự lãng phí.
Thưởng Tết, thực ra là một phần thưởng rất vô lối, bởi nó chỉ đơn giản là đến dịp thì thưởng, và thường là cào bằng, ai cũng được thưởng, dù mức độ khác nhau. Phần thưởng kiểu đó, khiến người ta ham hố nhiều hơn thay vì thúc đẩy người ta trở nên xứng đáng hơn.
Thưởng Tết là niềm vui của người này, nhưng cũng đôi khi là bi kịch của người khác. Nhưng không bỏ được, khi mỗi năm Tết đến xuân về, khắp nơi xôn xao những thông tin xung quanh chuyện thưởng Tết.
Những thông tin ấy đã biến việc thưởng Tết thành một cuộc đua không có giải thưởng mà tất cả tay đua đều chạy đến hụt hơi.
——————
VOV Giao thông (Góc nhìn) 19-12-2019:
Mời quý vị nghe toàn bộ nội dung bài viết tại:
Thưởng Tết bằng hiện vật: Đừng để “lệ” thành “tệ” – VOV Giao thông (vovgiaothong.vn)
(84/2.045)