(VNB) – VietinBank ra thông báo rao bán hơn 260 khoản nợ vay tiêu dùng, trong đó có những khoản nợ chỉ từ vài trăm nghìn và không có tài sản đảm bảo.
Mới đây, VietinBank đã ra thông báo rao bán 264 khoản nợ vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân để thu thu hồi nợ với tổng giá trị lên tới hơn 6,5 tỷ đồng.
Các khoản nợ được rao bán có giá trị chỉ từ vài trăm nghìn đồng đến hơn trăm triệu đồng, bao gồm gốc, lãi, lãi phạt. Trong đó, khoản nợ có giá trị lớn nhất là gần 101 triệu đồng. Đáng chú ý, khoản nợ có giá trị thấp nhất chỉ có giá trị là hơn 483.304 đồng.
Các khoản nợ tiêu dùng được ngân hàng rao bán. (Nguồn: VietinBank).
Giá khởi điểm bằng đúng giá trị khoản nợ. Do đây đều là các khoản vay tiêu dùng nên không có tài sản đảm bảo. Phía ngân hàng cho biết sẽ bán từng khoản nợ, một số khoản nợ hoặc tất cả các khoản nợ, đồng thời lựa chọn người mua trả giá cao nhất và ít nhất bằng giá khởi điểm từng khoản nợ.
Giá khởi điểm không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản và các chi phí khác (nếu có). Khi thực hiện mua khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu. Việc mua, bán khoản nợ không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
Việc VietinBank rao bán các khoản nợ vay tiêu dùng được nhận định sẽ mở ra một xu hướng mới cho thị trường, nợ được rao bán có thể cả nợ xấu lẫn nợ tốt. Tuy nhiên với mức giá bán khởi điểm bằng đúng bằng giá trị ghi sổ thì câu hỏi đặt ra là ai sẽ mua khoản nợ như vậy vào mình, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung do dịch bệnh.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty luật ANVI, từng đặt giả thiết rằng việc rao bán các khoản nợ trên là một hình thức “lách” của dịch vụ đòi nợ thuê khi dịch vụ này đã bị cấm. Sau khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực, phần lớn các công ty đòi nợ thuê không giải thể mà chuyển đổi hoạt động sang mua bán nợ để hợp pháp hoá.
Phương Nga
—————
VietnamBiz (Tài chính) 21-9-2021:
(74/434)