2.856. Trắng tay vì tiền ảo

(ĐĐK) – Những năm gần đây lãi suất tiền gửi tiết kiệm luôn ở mức thấp khiến nhiều người phải tìm kiếm các kênh đầu tư khác, trong đó có tiền ảo và sàn forex. Dù các cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo rủi ro khi đầu tư vào kênh này, vì hám lợi vẫn không ít người “sập bẫy”, để rồi trắng tay vì tiền ảo.

Lao vào tiền ảo khiến không ít nhà đầu tư lâm cảnh trắng tay. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

“Cơn sốt” tiền ảo

Thời điểm hiện tại, trên thị trường thế giới giá đồng tiền ảo Bitcoin ghi nhận ở mức 42.000 USD. Trước đó, vào hồi đầu tháng 4/2021, Bitcoin đã từng cán mốc vượt 60.000 USD/BTC. Giá tiền ảo biến động khôn lường và còn nóng hơn khi hàng loạt công ty tài chính chính thống liên tiếp thông báo chấp thuận thanh toán bằng tiền ảo.

Tỷ phú Elon Musk, Giám đốc điều hành (CEO) của Tesla thông báo người dùng có thể sử dụng tiền điện tử Bitcoin để thanh toán khi mua xe điện của Hãng Telsa. Hay công ty tài chính lớn như BNY Mellon, BlackRock Inc và Mastercard Inc cũng khẳng định sẽ chấp nhận một số đồng tiền kỹ thuật số.

Do sức nóng của tiền ảo trên thị trường thế giới, cùng với việc muốn tìm kiếm kênh đầu tư sinh lời nhanh, tại Việt Nam một bộ phận giới trẻ đã lao theo tiền ảo, trong đó nhiều nhất là Bitcoin. Một số người nhanh chân thu bộn tiền, nhưng nhiều người cũng trắng tay.

Anh Nguyễn Tiến Dũng (32 tuổi, quê ở Hà Nam) kể, từ năm 2017 anh đầu tư cả dàn máy tính trị giá hơn 80 triệu đồng để cày Bitcoin, đổ hết tiền tiết kiệm vào để chơi Bitcoin, có lúc được, có lúc mất nhưng đến thời điểm hiện tại chẳng còn gì. Dàn máy đào coin thì vứt xó, tài khoản trên sàn còn chẳng nhớ mật khẩu. Tính ra, mất ngót nghét gần 300 triệu.

Theo anh Dũng, thời gian đầu anh tìm hiểu Bitcoin chưa đến 1.000 USD, sau đó năm 2018 giá lên nhanh như tên lửa, đạt mức 13.000 USD. Tuy nhiên, năm 2018, mua thì dễ, bán thì khó. Nạp tiền vào tài khoản mua Bitcoin thì đơn giản, nhưng khi bán tài khoản toàn báo lỗi…

Trên thế giới và tại Việt Nam có nhiều loại tiền ảo đang tồn tại. Khi Bitcoin tăng giá đã trở thành cái cớ cho các “tiền ảo rác” tăng nhanh. Những lời mời chào hấp dẫn khiến cho các nhà đầu tư mụ mẫm, đổ tiền vào các sàn “tiền ảo rác”, “sàn forex”, để sau một khoảng thời gian thì “đột nhiên bị sập”.

Chị N.Q. (TP Vinh, Nghệ An) chia sẻ chị đã mất hơn 200 triệu đồng khi nghe lời rủ rê của bạn bè để tham gia Lion Group. Theo lời kể của chị, tháng 9/2020, có người bạn là giáo viên một trường tiểu học tại Yên Thành (Nghệ An), mời góp 24 triệu đồng tham gia mô hình Lion Group với lãi suất 0,8%/ngày (khoảng 22%/tháng).

Sau 2 tháng đều đặn nhận lãi hơn 5 triệu đồng/tháng, chị mạnh dạn rủ thêm 2 người em ruột đóng tổng cộng hơn 200 triệu đồng tham gia mô hình này. Thế nhưng, mới đóng tiền được hơn 1 tháng thì hệ thống thông báo bảo trì, không thể rút tiền.

Tương tự, một trường hợp khác ở Lệ Thủy, Quảng Bình, chị L.P. cho biết, ngày 6/5/2021, chị cũng tham gia đầu tư tài khoản VIP 534 triệu đồng trên sàn Uktrade, đến ngày 8/5, chị nhận được khoản lợi nhuận đầu tiên. Thế nhưng, đêm 10/5, khi mở tài khoản, chị bàng hoàng thấy số tiền 20.000 euro chỉ còn hơn 1.300 euro (tức bốc hơi mất 93,5%). Chị biết mình bị lừa và đã làm đơn tố giác gửi đến cơ quan chức năng.

Theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư, sàn Uktrade được quảng cáo là sàn của Anh quốc, thành lập năm 2019 và lôi kéo nhà đầu tư tham gia từ cuối năm 2020. Sàn hoạt động theo hình thức nhị phân, trả hoa hồng kim tự tháp.

Thời gian đầu, sàn trả lãi khá đều đặn, nhưng từ tháng 2/2021, sàn này đã có dấu hiệu bất thường, khi không cho phép nhà đầu tư rút gốc (chỉ được rút nếu giới thiệu được người mới tham gia và phải chịu phí rút 17%). Tiếp đó, tháng 3/2021, sàn ra mắt gói tài khoản VIP 20k và đánh sập sàn vào ngày 10/5, sau đó khuyên nhà đầu tư chờ tiền ảo EURC lên sàn để bán và thu hồi vốn.

Mới đây nhất, Công an Hải Phòng, sau khi đánh sập sàn Hitoption.net, phát hiện các đối tượng điều hành sàn này còn quản trị hàng chục sàn giao dịch ngoại hối, sàn nhị phân (BO), tiền ảo đa cấp khác. Qua trích xuất sơ bộ 16 sàn giao dịch điện tử khác do các đối tượng quản trị xác định, có khoảng 115.726 tài khoản trên sàn, tổng số dư hiện tại của các sàn là hơn 7.505 tỷ đồng.

Trong vòng 1 năm qua, giá Bitcoin đã tăng liên tục, tạo nên “cơn sốt” tiền ảo tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Lợi nhuận cao đi kèm rủi ro cao

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên tắc đầu tư bao giờ cũng là lợi nhuận lớn đi kèm rủi ro cao. Việc các sàn tiền ảo, sàn Forex “bao lời” với lợi nhuận khủng là phi lý, song hầu hết các nhà đầu tư vì ham lợi nhuận mà mất cảnh giác.

Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, tiền ảo là kênh đầu tư có triển vọng tăng giá hấp dẫn nhất hiện nay, song cũng là kênh đầu tư rủi ro số một. Rủi ro đầu tiên là mức độ biến động giá rất mạnh (có thể giảm hàng chục phần trăm trong vài phút). Rủi ro thứ hai là pháp luật Việt Nam chưa công nhận tiền ảo, nếu nhà đầu tư gặp rủi ro sẽ không được bảo vệ. Rủi ro thứ ba là tình trạng lợi dụng tiền ảo Bitcoin, Ethereum… để lừa đảo quá nhiều.

Giới chuyên gia phân tích, các chiêu trò lừa đảo phổ biến hiện nay liên quan đến tiền tệ thường là sự tổng hợp lắt léo của forex, tiền ảo và đa cấp biến tướng. Trên thực tế, các nhà đầu tư sành sỏi trên thế giới coi những đồng tiền mã hóa như Bitcoin chỉ là “ảo ảnh”, là “canh bạc” và bong bóng này sớm hay muộn cũng sẽ nổ.

Tại Việt Nam, hiện chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo. Do vậy, các hoạt động mua bán, trao đổi các đồng tiền ảo do một số cá nhân tại Việt Nam thực hiện thông qua các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế như Binance, Coinbase… hoặc thông qua hình thức thỏa thuận trực tiếp, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Hiện các cơ quan quản lý đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa ra những cảnh báo với nhà đầu tư. Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính đã có thông báo trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban, trong đó khuyến cáo các nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào tiền ảo, tài sản ảo để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra.

Cơ quan này cũng đề nghị các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới tiền ảo trái pháp luật.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng khẳng định, theo các quy định pháp luật hiện hành, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Chính vì vậy các tổ chức, cá nhân cần thận trọng, không nên đầu tư, nắm giữ cũng như thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.

Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết Bộ đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính và các bộ, ban, ngành có liên quan nghiên cứu về loại hình đầu tư kinh doanh tiền ảo, từng bước đưa loại hình kinh doanh này vào khuôn khổ, theo chức năng, nhiệm vụ của pháp luật Việt Nam để có thể kiểm soát được.

Chánh Văn phòng Bộ Công an cũng cho biết, điều đáng lo ngại là tiền kỹ thuật số có thể bị các nhóm tội phạm dùng để rửa tiền, chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua những hoạt động bất hợp pháp thành tiền “sạch”.

Vì vậy, các cá nhân, tổ chức lợi dụng, sử dụng hình thức đầu tư, kinh doanh, môi giới của những hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng internet, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, khi có đầy đủ chứng cứ thì cơ quan công an có thể tiến hành xử lý.

Luật sư Trương Thanh Đức: Đừng tự đưa đầu vào tròng

Tại Việt Nam hiện các chiêu trò lừa đảo thường là sự tổng hợp lắt léo của Forex, tiền ảo và đa cấp biến tướng. Tham gia trực tiếp vào các sàn Forex hay giao dịch tiền ảo ở các nước được phép thì không phạm pháp, nhưng rủi ro nằm ngoài khả năng bảo vệ của pháp luật Việt Nam. Còn tham gia thông qua các sàn mạo danh quốc tế hoặc thông qua các khâu trung gian ké vào các sàn quốc tế lại chính là “đưa đầu vào tròng”. Trong trường hợp này, những người tổ chức hay dụ dỗ, lôi kéo người tham gia vào các sàn Forex là vi phạm pháp luật. Hơn nữa, do hoạt động chưa được phép, lại phụ thuộc nhiều vào nước ngoài nên mọi rủi ro, tranh chấp của người tham gia với cá nhân, tổ chức trung gian đều khó có cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng bảo vệ. Nghĩa là người tham gia dễ rơi vào nguy cơ tự làm, tự chịu.

Không những thế, việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo để làm phương tiện thanh toán sẽ vi phạm pháp luật. Nếu vi phạm ở mức độ nhẹ thì có thể bị phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng theo quy định tại khoản 6, Điều 26 về “Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán”, Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng”. Trường hợp gây thiệt hại cho người khác từ 100 triệu đồng trở lên có thể bị xử phạt hình sự.

 

HỒ HƯƠNG

—————

Đại đoàn kết (Kinh tế) 24-9-2021:

http://daidoanket.vn/trang-tay-vi-tien-ao-5666961.html

(296/1.951)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.413. "Nợ xấu ngân hàng tiếp tục bị che mờ...

"Nợ xấu ngân hàng tiếp tục bị che mờ nếu gia hạn Thông tư 02". (VNF)...

Trích dẫn 

3.966. Chính sách cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ...

Chính sách cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ: Nhu cầu gia...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,507