(TT) – Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết: Thời gian qua ngành Ngân hàng đã tận lực hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, với tình trạng dòng tiền doanh nghiệp ngày càng cạn kiệt, các ngân hàng mong muốn có thêm nguồn lực để tiếp tục chia sẻ cùng doanh nghiệp.
VNBA đề xuất NHNN kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết riêng về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh: CTV.
Áp lực gia tăng nợ xấu
“Mọi người nói doanh nghiệp khó khăn còn ngân hàng vẫn báo lãi lớn. Lợi nhuận được công bố bao gồm nhiều khoản phải thu, nhưng một số ngân hàng chưa trích lập hết khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu. Do đó, nói lợi nhuận ngân hàng đang ‘ăn trước trả sau’ cũng không sai”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Theo quy định, áp lực trích dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với các khoản nợ cơ cấu cho khách hàng rất lớn, năm 2021, ngân hàng phải trích tối thiểu 30%, phải trích hết 100% vào cuối năm 2023 dẫn đến nhiều TCTD sẽ giảm lợi nhuận đáng kể trong thời gian tới.
“Trong khi đó, công tác xử lý nợ xấu của các TCTD trong 8 tháng năm 2021, đặc biệt trong quý 2 và quý 3/2021 bị đình trệ do chịu tác động bởi dịch bệnh vẫn phức tạp. Để chống dịch, nhiều tỉnh, thành phố thời gian qua phải giãn cách xã hội kéo dài đã ảnh hưởng đến công tác khởi kiện khách hàng, thu giữ, phát mại, đấu giá tài sản đảm bảo của ngân hàng”, đại diện VNBA chia sẻ.
Các chuyên gia ngân hàng dự báo: Với diễn biến dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay, mục tiêu giữ tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng ở mức dưới 3% như kế hoạch đặt ra đầu năm 2021 là rất khó. Theo báo cáo tài chính của gần 30 ngân hàng thương mại (NHTM), tổng nợ xấu nội bảng tăng 4,51% trong 6 tháng đầu năm 2021. Đặc biệt tỷ lệ nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tại một số ngân hàng gần đây tăng nhanh. Trong khi đó, nợ xấu cũ vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội tính đến ngày 31/12/2020 của các ngân hàng là 440.400 tỷ đồng, giảm 4,29% so với cuối năm 2019. Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến ngày 31/12/2020 các TCTD đã xử lý được 331.870 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42. Đến thời điểm này, toàn hệ thống vẫn còn khoảng 425.400 tỷ đồng nợ xấu, chiếm hơn 42% tổng dư nợ xác định theo Nghị quyết số 42.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, ngày 13/3/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 01, sau đó 2 lần sửa đổi để phù hợp thực tế khi dịch bùng phát, qua đó tạo khuôn khổ pháp giúp các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ. Kết quả đến ngày 31/8/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng, với dư nợ còn lại hơn 227.000 tỷ đồng. Luỹ kế giá trị nợ được cơ cấu từ 21/1/2020 là khoảng 520.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, NHNN đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5 – 2,0%/năm đối với lãi suất điều hành, sẵn sàng tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp. Thậm chí, các NHTM đã chấp nhận hy sinh lợi nhuận năm 2021 để giảm lãi suất cho khách hàng. Gần nhất, thông qua VNBA, 16 NHTM đã đồng lòng giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu bằng đồng Việt Nam trong năm 5 tháng cuối năm 2021. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất cho vay đã khoảng 1,55%/năm so với thời điểm trước khi có dịch bệnh; đồng thời, các ngân hàng đã cắt giảm khoảng gần 30.000 tỷ đồng lợi nhuận khi miễn, giảm, hạ lãi suất, phí cho khách hàng.
Ngân hàng cũng là doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, các TCTD cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 song vẫn hỗ trợ các khách hàng. Đến thời điểm này, các ngân hàng cũng rất cần được chia sẻ, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành để có thêm điều kiện, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân…
Đại diện VNBA đề nghị Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về khoanh nợ đối với số dư nợ được cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tương tự như Nghị định 55 và Nghị định 116 của Chính phủ. “Để phù hợp với tình hình hiện nay, có thể chỉ cần khoanh nợ gốc. Tức là, doanh nghiệp không phải trả nợ gốc, chỉ phải trả lãi vay. Có như vậy ngân hàng mới tiếp tục có nguồn lực và hỗ trợ được doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng sau khi kiểm soát được dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh”, ông Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị.
Ngoài ra, đại diện các NHTM cũng có các kiến nghị đến các bộ, ngành liên quan như: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua, bán nợ của các doanh nghiệp, khung pháp lý về hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua, bán nợ; tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán để giao dịch công khai…
Đề cập về gợi ý của Quốc hội về việc dùng ngân sách Nhà nước (NSNN) để cấp bù lãi suất, tương tự gói hỗ trợ năm 2009, đại diện VNBA đồng tình ủng hộ, nhưng cũng thừa nhận, việc ban hành cơ chế sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, việc hỗ trợ của Nhà nước phải lấy từ các nguồn tiền Nhà nước, gọi là cơ chế “tam ngân”: NSNN, NHNN và Ngân hàng Chính sách. Tuy nhiên, do NSNN đang phải gánh đủ thứ, nên nguồn lực hỗ trợ theo biện pháp bù trừ lãi suất không còn nhiều.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: Tính đến thời điểm này, Việt Nam nên có thêm những gói hỗ trợ như gợi ý của Quốc hội để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Để xây dựng cơ chế chính sách cần tính toán đến 2 mục tiêu, trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là ổn định vĩ mô và kiểm soát được lạm phát. “Gói kích cầu năm 2009 đã đạt được một số mục tiêu. Tuy nhiên, nếu nói thành công toàn diện thì chưa và đó cũng là cơ sở để NHNN và cơ quan quản lý tính toán biện pháp hỗ trợ dòng tiền. Phải linh hoạt vận dụng từ chính sách tiền tệ cho đến chính sách tài khoá, đảm bảo đạt được ổn định kinh tế và hỗ trợ người dân khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh”, đại diện NHNN chia sẻ.
Minh Phương/Báo Tin tức
—————
Tin tức (Tài chính – Ngân hàng) 26-9-2021:
(63/1.316)