2.865. Huy động vàng lưu trữ trong dân: Nguồn lực tài chính giúp phục hồi kinh tế hậu COVID-19

(PLD) – Vàng là tài sản đảm bảo giá trị thặng dư mà mỗi cá nhân có thể tích góp được. Tuy nhiên, dưới góc độ của các nhà kinh tế, vàng lưu trữ trong dân là một nguồn lực tài chính vô cùng tiềm năng cho nền kinh tế trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, để huy động được nguồn lực này từ nhân dân không phải là điều dễ dàng.

Vàng lưu trữ trong dân là một nguồn lực tài chính vô cùng tiềm năng

Dưới những tác động tiêu cực của COVID-19, nền kinh tế nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong vấn đề huy động vốn. Theo một số nguồn tin không chính thức thì hiện nay có 1 lượng vàng lớn được lưu trữ trong nhân dân. Các chuyên gia nhận định rằng đây là nguồn lực tài chính có thể và nên được huy động cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên làm thế nào đảm bảo sự tin cậy và lợi ích của người dân để từ đó có thể huy động được nguồn vốn? Cũng như cần làm gì để đảm bảo hiệu quả giúp phục hồi và phát triển kinh tế?

Liên quan đến vấn đề trên, sáng ngày 1/10, Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (Viện PLD) đã tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến với chuyên đề “Chính sách đối với thị trường vàng – Nguồn tài chính giúp phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.

Tại buổi Tọa đàm các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng như các nhà hoạch định chính sách đã có những chia sẻ và đề xuất một số giải pháp tháo gỡ những “nút thắt” còn tồn tại trong thị trường vàng cũng như giải pháp để huy động hiệu quả vàng trong nhân dân để phục vụ nền kinh tế.

Huy động nguồn lực tài chính từ nhân dân

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng chia sẻ, COVID-19 đã và đang có những tác động vô cùng tiêu cực tới đất nước ta. Nền kinh tế đang rất kiệt quệ và các doanh nghiệp dường như đã đuối sức. Số liệu trong báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP quý 3/2021 của cả nước giảm hơn 6% so với quý trước.

TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng

Theo một số thông tin bên lề thì hiện nay đang có số lượng vàng rất lớn được lưu trữ trong dân chúng. Vậy tại sao chúng ta không tìm cách đưa số tiền đó vào lưu thông và để hỗ trợ nền kinh tế?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chúng ta có thể sử dụng số vàng đó để thế chấp với các tổ chức tài chính thế giới và vay tiền của họ. Bởi Việt Nam vẫn cần phải vay nợ nước ngoài, vay bằng Đôla và trả bằng đồng Đôla.

Có một nguồn lực tiềm năng như vậy nhưng làm thế nào để có thể huy động nguồn vốn đó là điều không dễ dàng.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đề xuất, Ngân hàng nhà nước (NHNN) sẽ là cơ quan chủ trì để huy động nguồn vốn từ nhân dân qua việc phát hành chứng chỉ vàng. Đây là một công cụ tài chính phổ biến trên thế giới. Theo đó, NHNN sẽ đứng ra huy động số vàng từ nhân dân thông qua hệ thống các Ngân hàng thương mại (NHTM) và số vàng đó sẽ được lưu trữ tại các NHTM dưới sự ủy quyền của NHNN. Đồng thời, NHNN cũng sẽ cam kết với người dân sẽ trả lại đúng với số vàng mà đã vay từ nhân dân. Ngoài ra, cần xây dựng 1 sàn giao dịch vàng quốc gia để mọi giao dịch được thông thoáng và hợp lệ.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng NHNN nên ủy quyền cho 1 ngân hàng nào đó chuyên huy động và cho vay bằng vàng. Đặc biệt cần có sự tham gia của NHNN để tạo lòng tin trong nhân dân. Đồng thời cũng cần xây dựng sàn giao dịch vàng và việc mua bán, trao đổi sẽ không bằng vàng vật chất mà qua chứng chỉ vàng. Điều này sẽ giúp việc giao dịch hiệu quả và an toàn hơn.

 Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI

Luật sư Trương Thanh Đức thì cho rằng việc vay thế chấp như vậy đi kèm nhiều rủi ro. Trong trường hợp mất tài sản thế chấp thì lấy gì ra để trả lại cho nhân dân hay nếu giá vàng tăng cao thì nguy cơ đổ bể tài chính quốc gia là điều dễ xảy ra.

TS Phạm Xuân Hòe thì cho rằng mấu chốt của việc huy động vốn là nằm ở lòng tin của người dân. Theo đó, để huy động được nguồn vốn từ nhân dân cần có sự công khai, minh bạch từ việc huy động đến việc sử dụng nguồn vốn của Chính phủ. Nếu không giải quyết được lòng tin thì sẽ không thể giải quyết được vấn đề huy động vàng trong dân.

Ông Phạm Ngọc Hùng

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Hùng cho rằng có một vấn đề thực tế và cấp bách hơn là làm sao để người dân dám bỏ vàng ra để phục vụ mục đích kinh doanh của mình. Lí do là bởi một số quy định trong Nghị định 24. Nếu có thể tháo gỡ được điều này thì sẽ giải quyết được nguồn vốn rất lớn cho hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây đều là những đối tượng đang rất thiếu vốn nhưng không thể huy động vốn qua ngân hàng.

Ông Hùng cho rằng Nghị định 24 khiến cho việc đầu tư của những đối tượng trên gặp rất nhiều rủi ro. Vậy nên cần phải có cơ chế nào đó để người dân dám bỏ tiền ra để kinh doanh vào chính việc kinh doanh của mình.

Nghị định 24: Đã quá lạc hậu và cần thay đổi

Năm 2012, Nghị định 24/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực đã trở thành công cụ điều tiết thị trường kim loại quý, dẹp bỏ vấn nạn vàng hóa trong nền kinh tế, giúp ổn định tỷ giá. Với quy định NHNN độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu và độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, những điều tích cực mà quy định này mang lại đã được chứng minh.

Nghị định 24 ra đời đã giúp ổn định giá vàng, chấm dứt chảy máu ngoại tệ và phục hồi thị trường ngoại hối. Đặc biệt là chống “vàng hóa” và loại bỏ việc các Ngân hàng ồ ạt chuyển sang kinh doanh vàng.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, một nghị định có hiệu lực 10 năm trời, đã phát huy được vai trò, nhưng trong thời điểm hiện tại, những quy định này không còn phù hợp.

TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho biết, các NHNN trên thế giới ngày càng quan tâm vàng nhiều hơn bởi sản lượng khai thác vàng hàng năm đều rất ổn định, chỉ tăng khoảng 1,5%/năm.

Giá vàng từ năm 1990 đến nay đã tăng khoảng 40 lần. Lí do là vì tiền giấy đang dần mất giá trên toàn cầu. Bởi vậy rất nhiều Ngân hàng Trung ương đã chuyển dịch dự trữ ngoại hối từ tiền giấy sang dự trữ vàng.

Ông Nghĩa cho rằng, hiện nay cả tình huống kinh tế vĩ mô lẫn vi mô đều đã có sự thay đổi lớn. Điều đó đòi hỏi các chính sách quản lí vàng của Chính phủ cần phải thay đổi, cụ thể ở đây là Nghị định 24. Cần phải làm cho vàng là tài sản tiết kiệm nhưng được sử dụng một cách hiệu quả hơn.

Hơn nữa phải thay đổi tư duy lại việc dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương. Cần tăng khối lượng dự trữ vàng lên bởi dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương Việt Nam hiện nay là rất thấp.

Chuyên gia Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước

Chuyên gia Phạm Xuân Hòe nhận định rằng Nghị định 24 đến nay đã có phần lạc hậu. Theo ông, thị trường vàng nên được trao lại cho Bộ công thương quản lí và phải thông thương thị trường vàng trong nước qua các sàn giao dịch.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đánh giá việc NHNN độc quyền việc xuất nhập khẩu vàng là điều phi lí và đi ngược lại với kinh tế thị trường. Trong quá khứ, việc độc quyền có thể giúp NHNN và Chính phủ kiểm soát vàng và thực hiện chủ trương chống “vàng hóa”.

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, nền kinh tế cần sự hỗ trợ từ mọi nguồn lực mà chúng ta đang có. Vì vậy nên cho phép 1 số công ty vàng bạc có uy tín và năng lực tài chính để họ có thể mua bán vàng từ nước ngoài, lập tài khoản vàng trên các sàn giao dịch nước ngoài cũng như xuất khẩu vàng. Tuy nhiên, việc này cần phải có sự giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng “đầu cơ” giá vàng tại thị trường trong nước.

Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia đồng tình cho rằng đã đến lúc cần phải thiết lập một khuôn khổ pháp luật mới với cơ chế minh bạch và hiệu quả về thị trường vàng. Từ đó, mang lại niềm tin cũng như kỷ cương, trật tự cho thị trường vàng Việt Nam.

 

Linh Nguyễn

—————

Viện Chính sách Pháp luật & Phát triển (PLD 2021) 02-10-2021:

https://pld.net.vn/huy-dong-vang-luu-tru-trong-dan-nguon-luc-tai-chinh-giup-phuc-hoi-kinh-te-hau-covid-19-a4973.html

(62/1.745)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.421. Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của...

Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của nút thắt" để đất nước vươn...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,382