Tuy nhiên, CSGT sẽ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để xử lý đến nơi đến chốn các trường hợp này để quy định mới thực thi hiệu quả.
Cụ thể, thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT cho biết, sau một tuần thực hiện Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã phát hiện, xử phạt 3.785 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền tới hơn 12,5 tỷ đồng. Một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Tây Ninh: 308 trường hợp, Đắc Lắc 214 trường hợp, Bắc Giang 203 trường hợp…
Cũng có một số trường hợp người điều khiển phương tiện không hợp tác, trốn tránh việc kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng, thậm chí phải mất nhiều thời gian, công sức mới có thể lập biên bản xử lý một số trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, thượng tá Nguyễn Quang Nhật khẳng định, hiện đã có đầy đủ quy định cho phép lực lượng chức năng xử lý nghiêm minh nhất với trường hợp trốn tránh việc kiểm tra: “Đối với tất cả các hành vi không chấp hành việc kiểm soát nồng độ cồn thì đều bị xử lý, xử phạt mức cồn cao nhất tương ứng đối với các loại phương tiện mà người đó điều khiển.”
Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết, sau 1 tuần thực hiện Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, lực lượng CSGT Công an TP. Hà Nội đã xử lý 84 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Mặc dù chưa xảy ra trường hợp nào không chấp hành, trốn tránh việc kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng, song thiếu tá Đào Việt Long khẳng định, khi tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT được trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, nếu người vi phạm không chấp hành, bỏ xe chạy trốn thì có thể thành lập hội đồng thanh lý tài sản với xe mô tô, xe máy. Còn với người điều khiển ô tô sẽ áp dụng mức phạt kịch khung đối với hành vi vi phạm: “Tất cả những phương tiện khi tham gia giao thông mà vi phạm mà người điều khiển phương tiện tự ý bỏ đi thì thì tất cả các phương tiện này chúng tôi sẽ thực hiện di chuyển phương tiện theo đúng quy định của pháp luật, chuyển phương tiện về kho, đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn tạm giữ phương tiện.”
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Hà Nội cũng khẳng định, theo Điều 10, Nghị định 100, các trường hợp này đều bị xử phạt theo mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm. Cụ thể, người vi phạm sẽ bị xử phạt từ 30-40 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô nếu không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra của lực lượng chức năng: “Giống như phạt nguội, tôi sẽ truy chủ xe và anh sẽ bị phạt, nếu không chịu phạt thì tính lãi, sau này là một khoản tiền và anh sẽ bị cưỡng chế thi hành.”
Các ý kiến cũng cho rằng, quy định pháp luật hiện hành đã đầy đủ để lực lượng chức năng có thể xử lý tới cùng đối với người điều khiển phương tiện không chấp hành, trốn tránh việc kiểm tra nồng độ cồn. Do vậy, các hành vi trốn tránh sẽ bị xử lý theo mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm./.
——————
VOV Giao thông (Thời sự) 13-01-2020:
Sẽ xử phạt đến nơi đến chốn các ‘ma men’ bỏ trốn hoặc cố thủ – VOV Giao thông (vovgiaothong.vn)
(110/727)