2.873. Chồng chéo, xung đột trong các quy định pháp luật gây khó cho hoạt động ngân hàng

(TTTC) – “Dù Nhà nước đã có rất nhiều nỗ lực ban hành các văn bản pháp luật, nhưng vấn đề ngành Ngân hàng gặp phải hiện nay cũng như nhiều ngành khác đó là vấn đề chồng chéo, xung đột trong các quy định pháp luật” – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ.

Phóng viên (P.V): Ông đánh giá thế nào về kết quả triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) sau 2 năm thực hiện?

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Luật sư Trương Thanh Đức: Sự ra đời của Nghị quyết 42 về tổng thể có ý nghĩa rất tích cực, hỗ trợ quan trọng vào quá trình xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng, góp phần bảo vệ an toàn nền kinh tế.

Có thể khái quát kết quả đạt được trong 2 năm thực hiện Nghị quyết 42 ở những nội dung sau: Thứ nhất, thể hiện rõ quan điểm của Chính phủ đối với yêu cầu xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng. Thứ hai, có tác dụng rất lớn trong việc tác động vào ý thức, thái độ, trách nhiệm trả nợ của người đi vay. Người vay đã nhận thức rõ có vay, có trả, nếu không trả, người đi vay sẽ gặp nhiều thiệt hại, bất lợi. Như vậy, triển khai Nghị quyết 42 vào cuộc sống góp phần xóa bỏ tâm lý chây ỳ trả nợ. Phải thừa nhận rằng, sau khi Nghị quyết ban hành làm cơ sở pháp lý quan trọng trong hoạt động thu hồi nợ xấu thì ý thức trả nợ của người vay tiền trong xã hội đã được cải thiện rõ rệt, nhờ vậy kết quả thu hồi nợ xấu của các ngân hàng đạt được tích cực hơn, giúp lành mạnh tài chính, tăng cường đảm bảo an toàn hoạt động. Thứ ba, hoạt động thu hồi nợ xấu cơ bản vào guồng với sự phối hợp ngày càng hiệu quả hơn giữa các cơ quan thực thi pháp luật.

Bên cạnh những mặt tích cực đó, thì nhìn nhận lại, cá nhân tôi vẫn thấy thời điểm ban hành Nghị quyết còn chậm. Nếu ban hành đúng thời điểm bắt đầu phát sinh nợ xấu cao thì ý nghĩa đem lại của Nghị quyết chắc chắn còn hiệu quả hơn. Mặt khác, Nghị quyết 42 vẫn còn thiếu quy định về thu hồi nợ với các quỹ và 5 điều kiện về thu giữ tài sản vẫn còn bất cập, tạo rủi ro cho ngân hàng.

P.V: Như vậy, để hoạt động ngân hàng minh bạch, hiệu quả hơn trong năm 2020 và thời gian tới thì cần tiếp tục cải thiện về môi trường pháp lý, thưa ông?

Luật sư Trương Thanh Đức: Dù Nhà nước đã có rất nhiều nỗ lực ban hành các văn bản pháp luật, nhưng vấn đề ngành ngân hàng gặp phải hiện nay cũng như nhiều ngành khác đó là vấn đề chồng chéo, xung đột trong các quy định pháp luật. Tôi muốn lấy ví dụ như pháp luật về hợp đồng được quy định tại 195 điều (từ Điều 385 đến Điều 579) và tại nhiều điều liên quan khác của Bộ luật Dân sự, đồng thời tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, đang gặp phải khá nhiều sự xung đột, chồng chéo, mâu thuẫn và thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho việc áp dụng và giải quyết tranh chấp trên thực tế. Bản thân Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi ban hành các văn bản cũng đang gặp khó với quy định hiện nay liên quan đến ban hành các văn bản trước/ sau, hiệu lực, giá trị của văn bản pháp luật…

Hoạt động ngân hàng vẫn đang thiếu rất nhiều quy định pháp luật, tuy nhiên cấp thiết nhất theo tôi tới đây là việc Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu sớm ban hành hai văn bản luật là Luật Thanh toán và Luật Ngoại hối. Trước đây chúng ta đã có Pháp lệnh ngoại hối, nhưng nay hoạt động đầu tư, đối ngoại đối nội đã nâng tầm và phát triển hết sức mạnh mẽ đặc biệt liên quan đến yếu tố nước ngoài nên việc cần có Luật Ngoại hối hết sức cấp thiết. Cùng với đó là Luật Thanh toán cũng vô cùng quan trọng vì liên quan tới vấn đề tài khoản, trách nhiệm về phương tiện thanh toán và hoạt động thanh toán cũng đang diễn ra hết sức sôi động, đa dạng… Bên cạnh đó, trong điều kiện kinh tế thị trường phát triển như hiện nay, cần phải có công cụ pháp lí hữu hiệu để giải quyết hợp đồng vay tài sản, đồng thời cũng là căn cứ pháp lý khi các bên xảy ra tranh chấp và thực hiện quyền khởi kiện để đảm bảo quyền lợi của mình tại Tòa án. Ngoài ra, cũng cần luật hóa, quy định chặt chẽ các nội dung về Hợp đồng vay tài sản.

P.V: Ông đánh giá về hoạt động pháp chế của ngành Ngân hàng hiện nay thế nào?

Luật sư Trương Thanh Đức: Hoạt động ngân hàng liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, phải tuân thủ rất nhiều pháp luật của các lĩnh vực liên quan, đặc biệt là công tác phòng chống rửa tiền. Có thể nói, so với các lĩnh vực, doanh nghiệp trong nền kinh tế thì công tác pháp chế ngân hàng được quan tâm và hoạt động tốt nhất. Nhưng so với đòi hỏi thì vẫn cần tiếp tục thay đổi nhiều hơn nữa. Làm được điều đó, rất cần vai trò thúc đẩy của NHNN, như tổ chức đào tạo, tập huấn, tư vấn, đặt ra yêu cầu cho các tổ chức tín dụng (TCTD).

Hiện nay, hoạt động pháp chế của NHNN đã được làm rất tốt. Nhưng vai trò đối với hệ thống TCTD cần được nâng tầm, mang tính định hướng chung, truyền đạt kinh nghiệm, bài học thúc đẩy. Tôi thấy NHNN mới có yêu cầu tuân thủ, chứ chưa đặt ra những tiêu chuẩn cụ thể về pháp chế của các TCTD. Hay như công tác tư vấn pháp luật cho các TCTD có khi chưa kịp thời, dẫn tới các ngân hàng gặp lúng túng trong cách hiểu và thực thi luật. Cần có sự tương tác nhiều hơn trong công tác pháp chế NHNN với các TCTD. Các công văn TCTD hỏi, NHNN đáp nên được cập nhật thường xuyên trên hệ thống văn bản ngành để cùng làm rõ, hiểu đúng và thực hiện hiệu quả, góp ý hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật.

P.V: Trân trọng cảm ơn ông!

——————

Thị trường tài chính tiền tiệ (Hoạt động ngân hàng) 20-01-2020:

Chồng chéo, xung đột trong các quy định pháp luật gây khó cho hoạt động ngân hàng (thitruongtaichinhtiente.vn)

(1.110/1.213)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,780