Ngân hàng TMCP An Bình công bố ngân sách 4.000 tỷ đồng triển khai chương trình nguồn vốn chi phí thấp, ưu đãi lãi suất cho vay dành cho DN vay vốn. Ảnh: Minh Dũng |
Đã có ngân hàng giảm lãi suất cho vay
Ngày 6/2, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) công bố giảm lãi suất cho vay đối với các DN chịu ảnh hưởng bởi dịch cúm Corona. VPBank cho biết, những DN được đánh giá sẽ chịu tác động lớn trong dịp này gồm các DN hoạt động trong lĩnh vực: vận tải, kho bãi; lưu trú, tour du lịch, nhà hàng – ăn uống; đại lý du lịch; các dịch vụ đặt chỗ; các doanh nghiệp có thị trường xuất nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc… Những khách hàng trên sẽ được VPBank hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tới 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và giảm tới 1,0%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm.
Các khách hàng phải đáp ứng một số điều kiện nhất định như: có xếp hạng tín dụng tốt qua nhiều kỳ liên tiếp, tình hình tài chính ổn định, minh bạch trước dịch, có lịch sử vay trả đúng hạn, là khách hàng truyền thống và có giao dịch tín dụng liên tục với VPBank… Ước tính, tổng số khách hàng của VPBank bị tác động trong đợt dịch Corona lên tới gần 1.000 DN và có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trước đó, ngày 5/2, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) công bố ngân sách 4.000 tỷ đồng triển khai chương trình nguồn vốn chi phí thấp, ưu đãi lãi suất cho vay dành cho DN vay vốn, nhằm giúp tháo gỡ khó khăn về vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Động thái hỗ trợ của các ngân hàng được thực hiện theo chủ trương ngày 4/2/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tại Văn bản số 541/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch virus Corona.
Cụ thể, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng cần chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của người đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch virus Corona, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu… Từ đó, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người vay như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay… theo quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn về hoạt động vay vốn.
Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, cần nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và theo dõi diễn biến dịch virus Corona, ảnh hưởng của dịch bệnh trên địa bàn để chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, thống kê dư nợ vay bị thiệt hại. Trên cơ sở đó, kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.
Tránh tình trạng chỉ nêu khẩu hiệu
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HaSME) cho biết: “Hiện tại, nhiều DN thành viên của Hiệp hội đã chịu ảnh hưởng đáng kể từ dịch viêm đường hô hấp do virus Corona, nhiều DN lữ hành, kinh doanh vận tải và logistics đều chịu ảnh hưởng. Các DN xuất nhập khẩu sang Trung Quốc hầu hết tạm dừng hoạt động”. Theo ông Quốc Anh, việc hỗ trợ vốn vay và lãi suất vay cho DN là rất cần thiết, song cần xem lại chương trình này sẽ thực hiện trong bao lâu. Bởi lẽ, nếu chỉ kéo dài trong 3 – 5 tháng, khi đó, nếu dịch đã hết trong khi ảnh hưởng của dịch kéo dài thì việc hỗ trợ không còn tác dụng.
Ở góc độ khác, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc cơ quan quản lý nhà nước đưa ra chủ trương kêu gọi ngân hàng hỗ trợ DN là cần thiết. Tuy nhiên, ngân hàng còn phải cân đối hỗ trợ theo thực trạng kinh doanh. “Thực tế, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội là hai ngân hàng có chức năng thực hiện những nhiệm vụ hỗ trợ như vậy. Còn các ngân hàng thương mại, mọi động thái chính sách đều phải tính toán cả lợi ích cho chính họ. Do đó, các ngân hàng thương mại đi đầu trong việc thực hiện chủ trương này cũng cần xem xét hiệu quả thực tế, tránh tình trạng chỉ nêu khẩu hiệu mà không làm”, ông Đức nhấn mạnh.
——————
Báo đấu thầu (Tài chính) 07-02-2020:
Hỗ trợ DN vượt “Corona”, nhà băng cần đi vào thực chất (baodauthau.vn)
(141/975)