Cách tăng vốn bền vững và hợp lý tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước là thoái vốn nhà nước. Ảnh: Nhã Chi |
Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trong quý I/2020, Chính phủ sẽ tăng vốn điều lệ khoảng 10.000 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank). Với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), toàn bộ lợi nhuận nộp ngân sách trong năm 2020 sẽ được dùng để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng này.
Trước đó, Chủ tịch Ngân hàng Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết đã đề xuất giữ lại lợi nhuận và chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu 70% trong ba năm, qua đó, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng ít nhất 25.900 tỷ đồng.
Nội dung tăng vốn cho các “ông lớn” ngân hàng cũng được nêu rõ tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Theo đó, Chính phủ yêu cầu kịp thời tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn và Ngân hàng Agribank.
Để thực hiện chủ trương này, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan liên quan để trình Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 126/2018/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Trong đó bổ sung “ngân hàng thương mại Nhà nước giữ cổ phần chi phối” vào danh mục ngành, lĩnh vực doanh nghiệp được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước.
Như vậy, nếu nội dung tăng vốn như trên tại Dự thảo Nghị định sửa đổi được ban hành, các ngân hàng cổ phần này có thể tăng vốn điều lệ thông qua sử dụng một phần cổ tức của doanh nghiệp để bổ sung vốn điều lệ.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV, đây là chủ trương phù hợp với bối cảnh cần vốn của các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước hiện nay. “Những năm gần đây, các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất các phương án gỡ khó về vốn bằng cách giữ lại cổ tức, song vẫn vướng một số quy định về pháp lý và khó khăn trong thu ngân sách nhà nước. Giờ đây, việc sửa đổi các quy định pháp lý cho phù hợp để tăng vốn, đồng thời, giải quyết thu ngân sách nhà nước bằng các giải pháp khác là hợp lý”, ông Lực nói.
Tuy nhiên, ông Lực cũng cho rằng, việc thực hiện ngay chủ trương này trong quý I/2020 có thể chưa kịp, bởi cần chuẩn bị đủ thời gian cho quy trình pháp lý và thủ tục chia cổ tức và giữ lại cổ tức.
Như vậy, chủ trương tăng vốn này sẽ là bước ngoặt, tạo tiền lệ cho các đợt tăng vốn lần sau. “Thông thường, doanh nghiệp lớn ở các nước khác thường giữ lại 20 – 40% cổ tức hằng năm để đầu tư cho tương lai. Tại Việt Nam, việc các ngân hàng thương mại nhà nước chia cổ tức bằng tiền, sau đó cổ đông nhà nước chuyển tiền này về ngân sách nhà nước có thể hỗ trợ thu ngân sách nhà nước, song không nên kéo dài mà cần giải quyết bằng các giải pháp khác đề tăng thu ngân sách nhà nước”, ông Lực nói.
Trong khi đó, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cách tăng vốn bền vững và hợp lý tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước là thoái vốn nhà nước. “Việc đẩy mạnh cổ phần hóa hoặc tiếp tục thoái vốn nhà nước tại các ngân hàng này là cần thiết để đưa hoạt động của các ngân hàng theo thị trường và chịu sự điều tiết của các chính sách kinh tế chung. Đó mới là cách làm bài bản để các ngân hàng thương mại Việt Nam thực sự lớn mạnh trong giai đoạn hội nhập sắp tới”, ông Đức nhấn mạnh.
Xuân Yến
——————
Báo đấu thầu (Tài chính) 10-02-2020:
Tăng vốn cho “ông lớn” ngân hàng, đừng quên thoái vốn nhà nước (baodauthau.vn)
(113/885)