2.882. Camera trên xe khách: Đừng để những chiếc hộp đen im lặng

(VOV GT) – Theo Nghị định 10, xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ ngồi phải lắp camera giám sát. Tuy nhiên, điều dư luận lo ngại là liệu có lặp lại tình trạng camera lại mất dữ liệu “đúng lúc” cần nhất như không ít trường hợp đã xảy ra với các nhà xe thuộc diện phải lắp “hộp đen” lâu nay?
Giải pháp nào ngăn chặn tình trạng camera bị mất dữ liệu "đúng lúc" cần nhất?
Giải pháp nào ngăn chặn tình trạng camera bị mất dữ liệu “đúng lúc” cần nhất?

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 13, Nghị định số 10 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trước ngày 1/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong quá trình tham gia giao thông.

Dữ liệu hình ảnh này được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép để bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.

Giải thích về quy định này, đại diện Vụ Vận tải, Bộ GTVT – đơn vị tham gia soạn thảo Nghị định số 10 cho rằng, với việc lắp đặt camera giám sát trên xe khách, nếu tài xế có những vi phạm trong suốt quá trình di chuyển như sử dụng điện thoại khi lái xe, chở quá số người quy định… sẽ kịp thời bị phát hiện và xử lý.

Đối chiếu với thực tế hiện hành, một số ý kiến cho rằng, quy định lắp camera giám sát trên xe là cần thiết để nâng cao an toàn cho hành khách:

“Cái đấy cũng rất tốt, bởi vì các ngành chức năng của Nhà nước người ta sẽ quản lý rất dễ các hoạt động của xe khách”.

“Tất cả các xe sẽ khoogn bao giờ dám bắt thừa 1 khách, chỉ cần 1 khách lên chúng ta ở nhà chúng ta cũng sẽ biết thì tất cả nhà xe sẽ không dám làm điều đó nữa. Điều đó cũng tạo an toàn cho khách và cho chính các nhà xe”.

“Nếu triển khai và làm cứng thì có thể triệt để luôn”.

Về phía các doanh nghiệp, một số ý kiến cũng khẳng định việc lắp đặt camera giám sát trên xe là cần thiết để phục vụ công tác quản lý của chính doanh nghiệp vận tải.

Anh Bùi Văn Viết, đại diện nhà xe Minh Quý, hoạt động trên tuyến Hà Nội – Thanh Hóa cho biết, trước khi quy định bắt buộc lắp camera được ban hành, đơn vị đã thực hiện lắp thí điểm trên 2 xe hợp đồng của doanh nghiệp. Kết quả cho thấy, việc lắp đặt camera trên xe giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý được khách và lái xe trên suốt các hành trình.

Trước lo ngại tín hiệu camera có thể bị can thiệp để “ngắt sóng”, giống như đã từng xảy ra với thiết bị giám sát hành trình, anh Bùi Văn Viết cho rằng, điều này sẽ được giải quyết khi doanh nghiệp thực sự chủ động, vì sự an toàn về tài sản và tính mạng của chính doanh nghiệp và hành khách:

“Chỉ có sự chủ động của doanh nghiệp thôi, đương nhiên lái xe thuộc về chủ quản về mặt nhân sự đối với công ty, khi công ty quán triệt thì điều đó sẽ hạn chế đi nhiều”.

Anh Nguyễn Toàn Thắng – đại diện một doanh nghiệp cung cấp thiết bị giám sát hành trình và camera giám sát cho rằng, trước đây, khi thực hiện quy định bắt buộc doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cũng xảy ra một số trường hợp tín hiệu thiết bị bị can thiệp, bị ngắt do cố ý. Nhưng với công nghệ hiện đại hiện nay, doanh nghiệp hoàn toàn có thể nắm bắt, kịp thời đưa ra cảnh báo đến tài xế nếu bị mất tín hiệu camera:

“Về công nghệ là giải quyết được, có nhiều bài toán để giải quyết. Ví dụ công nghệ ngày xưa chỉ một chiều, thì bây giờ có thể dung thông tin 2 chiều để giải đáp. Thiết bị luôn thông online, có tín hiệu đưa về máy chủ và mình nhận được. Nhưng khi thiết bị không online, thì máy chủ trong vòng khoảng 5-10 giây không nhận được thì máy chủ phỉa đưa ra cảnh báo, cảnh báo ngược lại”.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiêp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, từ bài học xảy ra mất tín hiệu “đúng lúc” như đã xảy ra với thiết bị giám sát hành trình, cơ quan quản lý cần ban hành quy chuẩn cho thiết bị camera lắp đặt trên xe khách trong thời gian tới, trong đó đặt ra yêu cầu phát hiện sự cự cố ý can thiệp từ bên ngoài:

“Cơ quan có thẩm quyền phải ban hành quy chuẩn của cái camera này, thì mới giải quyết được vấn đề đó”.

Luất sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI (Hà Nội) cũng cho rằng, để ngăn chặn tình trạng cố tình ngắt tín hiệu camera, chế tài phải có tác dụng răn đe, phòng ngừa vi phạm, đồng thời phân định rõ trách nhiệm của tài xế, của doanh nghiệp khi tín hiệu camera truyền về cơ quan chức năng bị gián đoạn:

“Quan trọng nhất là nó phải có tác dụng phòng ngừa, răn đe để người ta không dám vi phạm, sợ vi phạm chứ không phải là để hàng trăm, hàng nghìn vụ vi phạm mới phát hiện ra 1 trường hợp thì vô nghĩa, họ sẵn sàng đánh đổi, sẵn sàng chấp nhận vi phạm ngay. Cho nên nó không phải tương đương, mà phải nặng gấp 5- 10 lần cái khoản lợi có thể mang đến thì người ta mới thực sự là sợ”.

Một số ý kiến cũng cho rằng, dù quy định đầy đủ, chế tài xử phạt hành vi cố ý ngắt tín hiệu cũng đã được ban hành, song doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc giám sát thực hiện của các tài xế.

Chỉ khi nhận thức được rằng, quy định này cũng bắt nguồn từ lợi ích lâu dài của doanh nghiệp, việc lắp đặt camera trên xe khách mới thực sự phát huy hết hiệu quả.

Lắp camera giám sát đã và đang trở thành một nhu cầu, không chỉ riêng của doanh nghiệp kinh doanh vận tải mà cả các lái xe cá nhân, vì yếu tố an ninh an toàn trên nhiều phương diện
Lắp camera giám sát đã và đang trở thành một nhu cầu, không chỉ riêng của doanh nghiệp kinh doanh vận tải mà cả các lái xe cá nhân, vì yếu tố an ninh an toàn trên nhiều phương diện (Ảnh: baogiaothong)

Giống như việc bắt buộc lắp hộp đen trên xe kinh doanh vận tải, việc bắt buộc lắp camera trên xe khách cũng nhằm hướng tới sự giám sát một cách công khai, minh bạch, vì sự an toàn của hành khách.

Dưới góc nhìn của VOVGT và từ thực tế một số doanh nghiệp đã thực hiện trước khi quy định này được ban hành cho thấy, chỉ khi doanh nghiệp thấy được lợi ích của việc lắp camera trên xe thì vi phạm mới có thể giảm thiểu:

Đừng để những chiếc hộp đen im lặng

Đằng sau các vụ TNGT do tài xế sử dụng ma túy, chất kích thích thời gian qua là gì? Nếu không phải là tình trạng tài xế (hoặc bị ép, hoặc vì ham), mà quay vòng liên tục, chạy cố trong nhiều giờ, bất chấp quy định về số giờ làm việc trong một ca lái?

Những vụ TNGT kiểu này rộ lên trong khoảng từ cuối năm 2018, đầu năm 2019, đáng báo động đến mức, đã phải có một chiến dịch rầm rộ trên phạm vi toàn quốc để ngăn chặn, loại trừ các “con nghiện” sau vô lăng.

Tất nhiên, nó chỉ là biểu hiện của một vấn nạn đã diễn ra suốt thời gian dài trước đó, ở cành tài xế lái xe kinh doanh vận tải. Và những phương tiện “gây án” trong các vụ TNGT này, đều đã thực hiện đầy đủ quy định về thiết bị giám sát hành trình (hay còn gọi là hộp đen).

Điều này cho thấy, các “hộp đen” đã rất ít phát huy tác dụng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn những vi phạm nguy hiểm dẫn đến TNGT. Không những thế, ngay cả đến khâu hậu kiểm, khâu điều tra giải quyết TNGT, việc truy xuất dữ liệu cũng rất khó khăn, vì không ít trường hợp, dữ liệu đột nhiên bị mất một cách khó hiểu, ngay ở những thời điểm cần nhất.

Song tất cả những hiện tượng lạ thường này đều chưa có động thái đủ mạnh để ngăn chặn. Chưa có những cảnh cáo bằng chế tài đủ để chấm dứt ý định của các doanh nghiệp hoặc cá nhân định làm thế.

Và mức phạt tới 4 triệu đồng cho cá nhân, tới 8 triệu đồng cho doanh nghiệp gắn thiết bị giám sát hành trình nhưng thiết bị không hoạt động, không đúng quy chuẩn, dù không nhẹ, nhưng dù sao cũng “dễ chịu hơn” so với mức phạt trực tiếp cho hành vi được ghi lại trong đoạn dữ liệu đã bị xóa của “hộp đen”.

Chính bởi thế, ngay cả khi thiết bị đã được chứng nhận hợp quy, được kiểm nghiệm chất lượng, ngay cả khi hạ tầng mạng đã tốt lên rất nhiều, thì  những chiếc  “hộp đen” ô tô vẫn chưa thể vận hành trơn tru như yêu cầu, và chưa thể phát huy công năng như các nhà quản lý mong đợi.

Đó là những khả năng hoàn toàn có thể lặp lại, nếu 170 nghìn ô tô kinh doanh vận tải được lắp camera giám sát, mà cách thức chưa có gì thay đổi.

Lắp camera giám sát đã và đang trở thành một nhu cầu, không chỉ riêng của doanh nghiệp kinh doanh vận tải mà cả các lái xe cá nhân, vì yếu tố an ninh an toàn trên nhiều phương diện.

Bản thân các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng ý thức rất rõ việc này, khoản đầu tư cho camera dù tốn kém, nhưng rất đáng đối với việc giữ gìn sự an toàn và phát triển của thương hiệu mà họ dày công xây dựng.

Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào, tài xế nào cũng nhận thấy điều đó. Những toan tính ngắn hạn cộng với sự thúc đẩy của nỗi sợ phải chịu trách nhiệm pháp lý, đã khiến cho những chiếc hộp đen bị biến thành chiếc hộp im lặng mỗi khi nó cần “lên tiếng”.

Và một khi tài xế và doanh nghiệp đã cố tình tìm cách đối phó, thì khó có công cụ giám sát nào có thể triệt tiêu vi phạm.

Cho nên, một mặt, cùng với việc hoàn thiện các công cụ quản lý, giám sát để doanh nghiệp không thể đối phó, thì cũng rất cần thúc đẩy nhu cầu chấp hành quy định của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cùng đội ngũ lái xe, để họ không muốn đối phó, và thấy rằng không nên đối phó.

Đó là khi, việc chấp hành quy định pháp luật, giữ gìn TTATGT của doanh nghiệp, của lái xe được theo dõi, “chấm điểm” liên tục trong suốt cả quá trình hành nghề, được xem là “điểm cộng” trong các cơ hội kinh doanh, chứ không chỉ nhìn vào năng lực vận tải, năng lực tài chính.

Sự thôi thúc của tấm “thẻ xanh” cùng sức mạnh của những tấm “thẻ đỏ” sẽ là hai điều kiện không thể thiếu để thúc đẩy sự trật tự và an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô, thay vì để những chiếc “hộp đen” im lặng./.

——————

VOV Giao thông (Góc nhìn) 11-02-2020:

Mời quý vị nghe chi tiết toàn bộ nội dung bài viết tại:

Camera trên xe khách: Đừng để những chiếc hộp đen im lặng – VOV Giao thông (vovgiaothong.vn)

(152/2.057)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,780