(TBNH) – Theo các chuyên gia, một mình giải pháp tiền tệ – tín dụng không giải quyết được nhiều khó khăn, thách thức hiện nay, mà cần sự hỗ trợ của nhiều chính sách, đặc biệt là chính sách tài khóa.
Theo số liệu thống kê của NHNN Việt Nam, tính đến ngày 31/8/2021, các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng; tổng số tiền lãi TCTD miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 ngân hàng lũy kế từ ngày 15/7/2021 đến 31/8/2021 là 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết. Chưa hết, các ngân hàng cũng chấp nhận giảm thu hàng nghìn tỷ đồng giảm phí dịch vụ để chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp.
Với kết quả trên, TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định, các ngân hàng đã “làm thật” và rất tích cực triển khai cam kết giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần phục hồi kinh tế.
Các ngân hàng có thể giảm lãi suất, chứ không thể hạ chuẩn tín dụng |
Điều đáng quý hơn, theo các chuyên gia, những hỗ trợ này đều xuất phát từ nguồn lực của bản thân các ngân hàng, trong khi ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, cũng đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Theo đó, hoạt động kinh doanh cũng bị sụt giảm khá nhiều mà các ngân hàng còn phải đối mặt với rủi ro nợ xấu đang có xu hướng tăng cao, khiến các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận vì thế cũng bị bào mòn đi đáng kể.
“Đây là áp lực rất lớn đối với TCTD. Chưa kể, các khoản lãi dự thu, nếu không thu được thì vẫn phải thoái thu làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Vì vậy, lợi nhuận ngân hàng hiện nay chỉ là trước mắt chưa phản ánh hết được thực tế. Như vậy, có thể nhìn thấy rõ khó khăn trong tương lai của các TCTD”, TS. Nguyễn Quốc Hùng lo ngại.
Song, hiện vẫn có ý kiến cho rằng, ngân hàng lãi cao cần phải chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Về vấn đề này, LS. Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật Anvi cho biết, con số lãi lớn là số tuyệt đối do quy mô của ngân hàng rất lớn, còn tỷ suất lợi nhuận bình quân của ngành không phải cao. Bên cạnh một số ngân hàng top đầu, thì còn khá nhiều ngân hàng lãi thấp, thậm chí không có lãi. Đặc biệt là trong thu lãi có phần đáng kể chỉ mới là dự thu, tức là thực chất chưa thu được.
Trong khi hầu như không được hỗ trợ, nhưng các ngân hàng đều nỗ lực hết sức mình để tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp như miễn, giảm lãi suất; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất thấp hơn… Việc giảm lãi suất cho vay cũ và việc cho vay mới chủ yếu là do các TCTD, với tư cách là những doanh nghiệp, xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp khác, chứ không phải dựa vào nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
“Thời gian tới, khó khăn của doanh nghiệp chắc chắn sẽ dẫn đến việc ngân hàng phải gánh hậu quả tương tự, chỉ khác là luôn có độ trễ, khoảng 6 tháng đến một năm trở đi. Dù vậy, ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ, làm chỗ dựa cho doanh nghiệp trong cả một chặng đường dài rất khó khăn ở ngay phía trước, bằng chính nguồn lực tài chính của họ”, LS. Đức nhìn nhận.
Điều đó cũng có nghĩa, dư địa hỗ trợ của các ngân hàng cũng đang dần cạn kiệt, bởi ngân hàng có khỏe mới có thể hỗ trợ tốt được cho nền kinh tế.
Dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều
Cũng có ý kiến cho rằng, NHNN nên nới lỏng thêm chính sách tiền tệ hoặc cân nhắc giảm thêm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm tiếp lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều hành chính sách tiền tệ phải căn cứ trên nhiều biến số kinh tế với mục tiêu cao nhất là kiểm soát lạm phát, qua đó duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện áp lực lạm phát đang tăng cao trên toàn cầu do giá của nhiều loại hàng hóa thiết yếu như năng lượng, lương thực… tăng. “Trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ cần phải được điều hành một cách hết sức linh hoạt và thận trọng, theo sát diễn biến trong nước và quốc tế”, một chuyên gia khuyến nghị.
Với lãi suất, vị chuyên gia này cho biết, hiện mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp, không còn nhiều dư địa để giảm nữa. Bởi nếu giảm thêm lãi suất có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro gây áp lực lạm phát, thậm chí có thể khiến dòng vốn tiết kiệm đảo chiều chảy vào các kênh đầu cơ thì còn nguy hại hơn cho nền kinh tế.
Hơn nữa, hiện lãi suất không phải là nút thắt của tín dụng mà lý do khiến các doanh nghiệp còn ngần ngại vay vốn là do sản xuất kinh doanh bị đình trệ vì dịch bệnh. Bởi vậy, chừng nào dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế mở cửa trở lại, chừng đó hoạt động sản xuất kinh doanh mới phục hồi và nhu cầu vốn của doanh nghiệp cũng sẽ tăng nhanh trở lại.
Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều lý do khiến cho điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa. Đó là nợ xấu, lãi suất huy động đã ở mức thấp trong lịch sử và so với tỷ lệ lạm phát không còn nhiều khoảng cách…
Trong khi TS. Võ Trí Thành – Thành viên Tổ tư vấn chính sách, tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, việc điều hành chính sách tiền tệ phải cân đối các mục tiêu ngắn hạn, trung và dài hạn của nền kinh tế cũng như vấn đề nợ xấu, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính và ổn định cân đối lớn vĩ mô. Bên cạnh đó, phải đảm bảo hài hoà lợi ích 3 bên ngân hàng, người gửi tiền và doanh nghiệp.
Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, nếu quá lạm dụng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, trong trung hạn là áp lực nợ xấu rủi ro hệ thống. Các chuyên gia IMF, WB cũng đã nhiều lần cảnh báo nếu quá lạm dụng chính sách tiền tệ thì quốc gia sẽ trả giá đắt. Nếu không đảm bảo được điều hành vĩ mô, ổn định tiền tệ, giữ được giá trị đồng tiền mà để cho lạm phát vượt 4% thậm chí là cao hơn thì coi như tất cả thành quả bao nhiêu năm đổ ra sông ra biển. Nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt NHNN là kiểm soát lạm phát, ổn định đến giá trị đồng tiền.
Đặc biệt theo các chuyên gia, một mình giải pháp tiền tệ – tín dụng không giải quyết được nhiều khó khăn, thách thức hiện nay, mà cần sự hỗ trợ của nhiều chính sách, đặc biệt là chính sách tài khóa.
Nguyễn Quốc Hùng đề nghị NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần vào cuộc, đối thoại với doanh nghiệp từ đó đưa ra chính sách hỗ trợ phù hợp. Chính sách tài khóa phải vào cuộc, đẩy mạnh bảo lãnh để doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn vay. “Để có nguồn lực giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn, Chính phủ có thể xem xét phát hành trái phiếu, vay của NHTW như các nước đang làm chứ không nên chỉ dùng chính sách tiền tệ hỗ trợ”, TS. Hùng đề nghị.
Nguyễn Đức Kiên cũng khuyến nghị, Chính phủ cần vận dụng đồng bộ cả chính sách tài khóa, tiền tệ và đặc biệt sử dụng DNNN như công cụ linh hoạt để phục hồi, dẫn dắt nền kinh tế.
Ở góc độ cơ quan điều hành, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN tiếp tục kiên định mục tiêu trong điều hành. Dù thực hiện những biện pháp hỗ trợ như thế nào nhưng không thể chủ quan với diễn biến lạm phát, NHNN sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ trên thế giới và trong nước để điều hành linh hoạt giải pháp công cụ phù hợp, làm sao điều tiết tiền tệ hợp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Hà Thành
—————
Thời báo Ngân hàng (Tài chính – Tiền tệ) 12-10-2021:
https://thoibaonganhang.vn/dieu-hanh-chinh-sach-tien-te-ap-luc-ngan-han-rui-ro-trung-han-120257.html
(287/1.623)