(ĐT) – Nhiều ý kiến cho rằng, việc bán đấu giá biển số xe cơ giới chỉ thực sự có ý nghĩa khi người trúng đấu giá được trao đầy đủ quyền sở hữu tài sản. Việc cấp quyền sử dụng biển số thông qua đấu giá cần có cách thức triển khai mới, đơn giản, khác biệt để khai thác có hiệu quả tài sản công, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Người sở hữu biển số qua đấu giá có quyền mua bán thứ cấp. Ảnh minh họa: Mai Quân |
Cơ quan chức năng đang hoàn thiện quy định thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số thông qua đấu giá. Trên thực tế, việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số thông qua đấu giá hiện vẫn còn một số vướng mắc về cơ sở pháp lý. Cụ thể, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công xác định biển số là tài sản công, được khai thác quyền sử dụng thông qua đấu giá. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ lại quy định, cấm mua, bán biển số xe cơ giới. Hiện chưa có quy định cụ thể về giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá, việc quản lý biển số trúng đấu giá; quyền, trách nhiệm của người trúng đấu giá và người nhận chuyển nhượng biển số trúng đấu giá.
Một trong nhiều nội dung thu hút sự quan tâm của cơ quan quản lý, chuyên gia và người dân là việc cấp quyền sử dụng đối với biển số trúng đấu giá; vấn đề chuyển nhượng biển số trúng đấu giá sẽ được quy định như thế nào?
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc điều hành Công ty Luật Anvi, người mua biển số thông qua đấu giá sẽ được quyền sử dụng biển số đó. Trường hợp người mua chưa sử dụng (cất giữ hoặc gắn vào xe không được phép lưu hành), thì cũng có thể coi tương tự như các thuê bao điện thoại hay người đăng ký tên miền mà không sử dụng.
Đối với việc được chuyển nhượng tài sản này hay không, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, một khi Nhà nước đã bán đấu giá tài sản là kho số thì cần phải xác định rõ người mua không chỉ được trao quyền sử dụng mà cần được trao cả quyền sở hữu, quyền định đoạt tài sản biển số, thể hiện bằng ít nhất 6 loại quyền. Đó là, được giữ biển số không có thời hạn, được chuyển lắp biển số cho xe khác, được chuyển nhượng biển số cho người khác, được tặng, cho biển số, được thế chấp biển số và được để lại thừa kế biển số. Việc pháp luật chấp nhận các quyền là cần thiết, khả thi và không mâu thuẫn với các nguyên lý của pháp luật hay yêu cầu quản lý biển số của Nhà nước.
“Đương nhiên, việc chuyển nhượng biển số cần phải làm những thủ tục pháp lý nhất định và có thể phải nộp thuế chuyển nhượng tài sản hoặc thuế thu nhập theo quy định của pháp luật”, ông Đức nhấn mạnh.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, khi tham gia đấu giá biển số xe, người dân có quyền mua bất cứ biển số nào mình thích, kể cả chưa ra biển, chưa có phương tiện vẫn có quyền đấu giá biển số. Ở thời điểm hiện tại, khi thực hiện thí điểm, người trúng đấu giá sẽ được quyền giữ biển số trong thời hạn nhất định, ví dụ nếu sau 6 tháng trúng đấu giá, người trúng đấu giá không đăng ký gắn biển số vào phương tiện thì biển số đó sẽ tự động quay lại kho số để đấu giá tiếp.
Về quyền của người trúng đấu giá, ông Hiếu đồng thuận với quan điểm, người sở hữu biển số qua đấu giá có quyền mua bán thứ cấp. Nghĩa là, sau khi trúng đấu giá, người sở hữu có quyền cho tặng, chuyển nhượng, tuy nhiên phải trả phí cho việc chuyển nhượng.
Thu Giang
—————
Đầu thầu (Đấu giá) 15-10-2021:
https://baodauthau.vn/dau-gia-bien-so-xe-can-duoc-trao-day-du-quyen-so-huu-tai-san-post114653.html
(258/730)