2.890. Bị phạt nặng vì không hợp tác với CSGT

(GT) – Việc người vi phạm giao thông chây ì, không chịu ký biên bản mà bỏ đi, bỏ xe, ngoài phạt kịch khung, cần có hình phạt bổ sung.

Khi vi phạm giao thông bị lập biên bản, nhiều tài xế nghĩ không ký vào biên bản thì sẽ không có căn cứ để CSGT xử phạt. Tuy nhiên, các tài xế không chấp hành yêu cầu của CSGT sẽ phải chịu mức vi phạm kịch khung.

Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, cần xử phạt nặng hơn đối với hành vi bất hợp tác với CSGT để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Đội CSGT số 3, Công an TP Hà Nội tạm giữ xe của một tài xế bỏ đi sau khi không chấp hành đo nồng độ cồn, không ký biên bản

Bỏ đi vẫn bị lập biên bản xử lý

Chiều 29/9, Tổ công tác đặc biệt Y10/141 Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ trên đường Khuất Duy Tiến đã phát hiện Nguyễn Bảo X. (SN 1974, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển xe máy vi phạm không đội MBH nên tiến hành dừng xe kiểm tra.

Tuy nhiên, anh X. không xuất trình được bất kỳ giấy tờ gì, không chấp hành yêu cầu đo nồng độ cồn của Tổ công tác và không ký biên bản vi phạm.

Tổ công tác đã mời người làm chứng và tiến hành lập biên bản đối với anh X. các lỗi: Không đội MBH, không gương chiếu hậu, không GPLX, không đăng ký xe và không chấp hành kiểm tra đo nồng độ cồn…

Tổng mức phạt với anh X. là hơn 10 triệu đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Trung tá Nguyễn Văn Tiến, Tổ trưởng Tổ Y10/141 thông tin, thực tế có rất nhiều người vi phạm giao thông có hành vi như trên, thậm chí bỏ đi.

Tổ công tác ban đầu tuyên truyền, thuyết phục, yêu cầu và sau đó nếu vẫn không được thì sẽ cương quyết lập biên bản xử lý vi phạm với mức phạt kịch khung.

Trước đó, cũng trên tuyến đường này, Tổ công tác dừng xe ô tô BKS 30F – 130.9x, yêu cầu tài xế xuống xe, xuất trình giấy tờ và đo nồng độ cồn nhưng tài xế xuống xe rồi bỏ đi.

Tổ công tác đã gọi lực lượng công an phường hỗ trợ, gọi xe cẩu, người làm chứng rồi tiến hành niêm phong phương tiện đưa về bãi tạm giữ. Trường hợp này cũng sẽ bị phạt kịch khung với các lỗi: Không giấy tờ, không GPLX, vi phạm nồng độ cồn…

Đại úy Đặng Phương Nam, Tổ công tác đặc biệt Y10/141 Công an TP Hà Nội cho biết, với các trường hợp người vi phạm bỏ đi, không ký biên bản, CSGT sẽ mời công an địa bàn, người làm chứng rồi lập biên bản với mức phạt kịch khung.

Khi tài xế đến làm thủ tục nộp phạt, còn phải trả phí cẩu xe về bãi tạm giữ, phí tạm giữ phương tiện…

Phạt kịch khung đã đủ răn đe?

Thiếu tá Đỗ Xuân Khoa, Tổ tưởng Tổ Xử lý vi phạm giao thông, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phân tích, thường các lỗi vi phạm có mức phạt thấp nhất và cao nhất, như vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở thì người đi xe máy bị phạt 2 – 3 triệu đồng, nhưng vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt 6 – 8 triệu đồng.

“Một tài xế xe máy nếu thổi nồng độ cồn có thể chỉ vi phạm mức 0,25miligam/lít khí thở, phạt 2 triệu đồng. Nhưng khi tài xế đó bất hợp tác bỏ đi, sẽ bị lập biên bản phạt mức 8 triệu đồng”, Thiếu tá Khoa nói.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, chưa đến mức độ chống đối nhưng nhiều tài xế chây ì, bất hợp tác, chậm hợp tác… khiến công tác xử lý vi phạm của CSGT gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu tính toán, trung bình để xử lý một trường hợp vi phạm nồng độ cồn, CSGT phải mất 2 tiếng với 5 cán bộ thực hiện.

Lực lượng chức năng sẽ phối hợp, kiên trì và quyết liệt xử lý vi phạm dù người vi phạm có né tránh. Như người vi phạm bỏ đi, CSGT vẫn sẽ mời người làm chứng để lập biên bản, tạm giữ phương tiện, sau đó xác minh hồ sơ, mời chủ phương tiện lên giải quyết vi phạm.

Tất cả các hành vi không chấp hành yêu cầu của người thực thi công vụ đều bị xử lý, xử phạt mức cao nhất tương ứng đối với các loại phương tiện mà người đó điều khiển.

Tuy nhiên, theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội), quy định hiện hành đã hướng dẫn CSGT xử phạt kịch khung đối với lái xe chây ì, bất hợp tác, tuy nhiên như vậy là chưa đủ.

“Trên thế giới, nhiều nước xử lý hành vi chây ì, không chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng rất nặng, có thể trấn áp, thậm chí bị xử lý hình sự. Như trường hợp tài xế bỏ đi, không ký biên bản, ngoài phạt kịch khung, có thể xử phạt hành vi không chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng”, luật sư Cường đề xuất.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Hội Luật gia TP.HCM: Việc người vi phạm giao thông chây ì, không chịu ký biên bản mà bỏ đi, bỏ xe, ngoài phạt kịch khung, cần có hình phạt bổ sung.

Bởi vi phạm giao thông nếu người vi phạm chấp hành, thì là vi phạm hành chính. Nhưng khi có sự chây ì, chống đối, gây khó khăn cho lực lượng thực thi công vụ ở mức độ nào đó, thì có thể đưa ra mức xử phạt cao hơn, thậm chí xử lý như hành vi chống đối người thi hành công vụ.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Hà Nội cho biết, pháp luật cho phép trường hợp xử phạt giao thông không cần lập biên bản hoặc nếu người vi phạm không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của đại diện chính quyền hoặc người làm chứng. Do đó không hề có chuyện không ký vào biên bản vi phạm giao thông thì sẽ không bị phạt.

 

Văn Huế

—————

Giao thông (An ninh hình sự) 19-10-2021:
https://www.baogiaothong.vn/bi-phat-nang-vi-khong-hop-tac-voi-csgt-d528358.html

(74/1.148)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.421. Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của...

Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của nút thắt" để đất nước vươn...

Trích dẫn 

3.970. Đấu giá đất và những kẽ hở trong tổ...

Đấu giá đất và những kẽ hở trong tổ chức đấu giá. (VOV.vn) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,428