2.897. Thu thuế L/C: Phải hài hòa lợi ích các bên

(TBNH) – NHNN vừa có công văn phúc đáp Công văn số 9575/BTC-TCT ngày 20/8/2021 của Bộ Tài chính về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với thư tín dụng (L/C). Theo đó, NHNN từ chối đề nghị phân loại các khoản phí thu từ dịch vụ L/C.

Lý do mà NHNN đưa ra là thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam trong giai đoạn 2011 đến nay không có quy định về việc xác định cụ thể loại phí nào thu từ dịch vụ L/C là phí cấp tín dụng, loại phí nào là phí thanh toán qua tài khoản.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cũng nhấn mạnh, pháp luật chuyên ngành ngân hàng từ năm 2011 đến nay đều quy định L/C là nghiệp vụ lưỡng tính, vừa là hình thức cấp tín dụng, vừa là hoạt động thanh toán khi ngân hàng chỉ đóng vai trò là người cung cấp các dịch vụ thanh toán như thông báo L/C, chuyển nhượng L/C và một số hoạt động dịch vụ khác. Cụ thể, theo Khoản 14 Điều 4 và Khoản 3 Điều 98 Luật Các TCTD năm 2010 cấp tín dụng gồm cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ khác sau khi được NHNN chấp thuận…

Ngoài ra, Khoản 15 Điều 4 Luật Các TCTD quy định: “Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản là việc cung ứng phương tiện thanh toán; thực hiện dịch vụ thanh toán séc; thẻ ngân hàng…; Thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của ngân hàng”. Điều này được hiểu là trong cung ứng dịch vụ thanh toán có loại hình L/C chứ không phải L/C là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thuộc Bộ Tài chính cho rằng, cơ quan này làm đúng quy định. Cụ thể, khoản 15, Điều 4 của Luật Các TCTD quy định, L/C là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Vì vậy, để ngành thuế thu thuế chính xác, NHNN cần đưa ra những quy định cụ thể phần phí L/C nào thuộc về tín dụng, phần nào là dịch vụ thanh toán. Khi văn bản pháp luật rõ ràng sẽ thuận lợi cho cả tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và cơ quan kiểm tra, giám sát. Nếu không, ngành thuế sẽ chiểu theo luật mà làm.

Động thái này khiến các ngân hàng lo lắng. Lãnh đạo một NHTMCP lớn trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, các khoản đã thu của khách hàng liên quan đến nghiệp vụ L/C trong giai đoạn trước ngân hàng không thể lấy lý do bị truy thu thuế để đòi khách hàng nộp thêm. Nếu lượng hoá số tiền phải nộp bổ sung, nộp phạt do nộp chậm bị truy thu 10 năm qua là rất lớn mà ngân hàng không biết lấy từ nguồn nào để bù đắp. Chưa kể, với những ngân hàng đã từng mua bán, sáp nhập, việc thống kê số liệu từ thời trước sáp nhập là rất khó khăn.

Ông Hùng cũng khá thông cảm lo ngại trên của các ngân hàng khi cho rằng, việc rà soát, thống kê các hoạt động L/C trong khoản thời gian dài tới 10 năm như vậy là bất cập. Thuế GTGT là thuế gián thu, ngân hàng thu hộ khách hàng. Trong 10 năm qua, có những khách hàng vẫn còn hoạt động nhưng nhiều khách hàng giải thể, phá sản. Về số liệu có ngân hàng còn lưu nhưng cũng nhiều ngân hàng, chi nhánh đã chia tách, sáp nhập nên để nắm bắt là vô cùng khó khăn.

Không chỉ ngân hàng mà doanh nghiệp cũng tỏ ra lo lắng nếu phải bị truy thu. Liên quan đến vấn đề này, tại diễn đàn gần đây, bà Phạm Bích Hồng – Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 bày tỏ, công ty sử dụng dịch vụ L/C từ ngân hàng rất lớn. Khi ngân hàng nộp thuế GTGT đầu ra hộ cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp lại được kê khai và khấu trừ thuế VAT đầu vào. Nếu ngân hàng bị truy thu GTGT với dịch vụ L/C 10 năm và truy thu từ doanh nghiệp, thì doanh nghiệp lại phải tiến hành thủ tục hoàn thuế với cơ quan thuế. Có nghĩa là, việc truy thu này ngân sách nhà nước không được thêm một đồng vì ngân hàng nộp nhưng doanh nghiệp lại được hoàn thuế nhưng “núi” thủ tục mà ngân hàng và doanh nghiệp phải thực hiện để nộp và hoàn thuế 10 năm lại vốn cùng lớn và tốn kém.

Có thể nói, những vướng mắc xoay quanh đến truy thu thuế GTGT đối với nghiệp vụ L/C đã kéo dài hơn 1 năm nay, nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Dưới góc độ pháp lý, LS. Trương Thanh Đức – Luật sư Điều hành Công ty Luật TNHH ANVI cho rằng, do hệ thống pháp luật nước ta khá rối. Ở trường hợp này không bên nào sai, mà bên nào cũng có lý. Nếu muốn thu thuế chính xác với nghiệp vụ L/C của ngân hàng, cần bóc tách ra đâu là phần dịch vụ thanh toán, đâu là phần tín dụng. Muốn vậy, ngành thuế và ngân hàng phải hợp tác với nhau để tìm tiếng nói chung.

Đồng quan điểm, để sớm giải quyết khúc mắc, ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị, hai cơ quan cần phải ngồi lại với nhau để sớm tìm ra giải pháp đảm bảo hài hòa lợi ích các bên đảm bảo thực hiện đúng pháp luật, giảm thủ tục và áp lực các chi phí không cần thiết cho ngân hàng, doanh nghiệp, bởi ngân hàng và doanh nghiệp sẽ là đối tượng bị chịu ảnh hưởng mạnh. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, khó khăn chồng chất đang bào mòn tài chính của các đối tượng này. “Đối với nghiệp vụ lưỡng tính này, NHNN cần khẩn trương có hướng dẫn cụ thể các TCTD thực hiện thuế GTGT đối với nghiệp vụ L/C theo hướng làm rõ các hoạt động L/C có liên quan cấp tín dụng không phải thu thuế GTGT, các hoạt động L/C chỉ có dịch vụ thanh toán sẽ chịu thuế GTGT để cơ quan thuế có căn cứ áp dụng. VNBA sẽ có văn bản kiến nghị gửi Thống đốc liên quan đến nội dung này”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm.

 

Nguyễn Vũ

—————

Thời báo Ngân hàng (Tài chính tiền tệ) 05-11-2021

https://thoibaonganhang.vn/thu-thue-lc-phai-hai-hoa-loi-ich-cac-ben-121212.html

(122/1.165)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,679