(VNE) – Hoa Kỳ được đánh giá là thị trường dung dưỡng nhiều cơ hội với doanh nghiệp Việt Nam, nhưng để tiếp cận sâu và rộng thị trường này cả về nguồn vốn, khoa học công nghệ, kỹ năng quản lý, đòi hỏi mối quan hệ song phương cần được nâng cấp từ đối tác toàn diện sang chiến lược…
Giá vận chuyển biển từ Việt Nam sang Mỹ tăng khiến doanh nghiệp gặp khó.
Hoa Kỳ hiện là thị trường có sức tăng trưởng số 1 của Việt Nam. Theo số liệu thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tăng hàng trăm lần, từ 451 triệu USD năm 1995 lên 90,8 tỷ USD năm 2020.
Tốc độ tăng trưởng hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam giai đoạn 2010-2020 cũng tăng trưởng bình quân hơn 16%/năm. Trong 8 tháng năm 2021, tổng kim ngạch trao đổi hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 73 tỷ USD. Dự báo cả năm con số kim ngạch hai chiều có thể đạt 100 tỷ USD.
Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam với các dự án đăng ký đầu tư tại 43/63 tỉnh thành. Nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ mong muốn mở rộng quy mô đầu tư, giúp Việt Nam từng bước tạo dựng chỗ đứng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
CƠ HỘI LỚN NHƯNG KHÔNG ÍT TRỞ NGẠI
Bộ Công Thương nhận định: khi dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát tại Hoa Kỳ, chỉ số kinh tế và tiêu dùng của Hoa Kỳ có sự phục hồi mạnh, và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam. Song khi mở rộng quan hệ ngày càng sâu rộng thì thách thức cũng sẽ càng lớn.
Theo ông Nguyễn Thắng Vượng, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương), thách thức đầu tiên là khi chính quyền Tổng thống Joe Biden có chính sách kế thừa chọn lọc của Tổng thống Trump trong việc tạo áp lực lớn tới các đối tác trong quá trình đàm phán thì Việt Nam sẽ có những lưu ý cần phải theo dõi thận trọng.
Bên cạnh đó, trong quan hệ song phương Việt Nam và Hoa Kỳ có khoảng cách giữa yêu cầu và khả năng đáp ứng. Đặc biệt, trong quá trình đàm phán các hiệp định, Hoa Kỳ luôn coi Việt Nam là đối tác thương mại đang hưởng lợi từ các bất ổn toàn cầu. Vì vậy, cần tính toán kỹ lưỡng và cân đối khi giao thương hai nước.
Lấy ví dụ trong ngành gỗ, ông Ngô Sĩ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Lâm sản Việt Nam cho biết, doanh nghiệp ngành này đang gặp một số trở ngại khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, chẳng hạn như về nguyên liệu gỗ, phía Hoa Kỳ rất quan tâm đến tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu gỗ xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Ngoài ra, giá cước vận tải gỗ Việt Nam – Hoa Kỳ tăng mạnh, nguồn nguyên liệu đầu vào nhập từ Hoa Kỳ cũng tăng, dù khó khăn này là tạm thời.
Ông Đào Trọng Khoa, Tổng giám đốc Công ty T&M Forwarding, cũng đồng tình rằng thị trường Hoa Kỳ trong thời gian qua có nhiều trở ngại, khó khăn trong vận tải biển và đứt gãy chuỗi cung ứng đang cần được giải quyết. Giá vận chuyển biển từ Việt Nam sang Mỹ tăng gấp 5-6 lần, tàu đến dỡ hàng phải đợi 1 tháng tới cảng, và đợi 1-2 tuần mới có xe tải.
Lưu ý thêm về những thách thức khi doanh nghiệp tiến sâu vào thị trường Hoa Kỳ, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giầy – Túi xách Việt Nam cho biết: Hoa Kỳ là một thị trường rộng lớn nên các đơn hàng từ thị trường Hoa Kỳ rất lớn, do vậy các doanh nghiệp có năng lực, quy mô đủ lớn mới đáp ứng được. Đây cũng là hạn chế khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam không đáp ứng được những đơn hàng này.
Mặt khác, khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, mọi đơn hàng phải đáp ứng các chứng chỉ trong khi năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam rất hạn chế. Một quan ngại nữa, người tiêu dùng Hoa Kỳ chỉ thích dùng các sản phẩm có thương hiệu, điều này buộc Việt Nam thông qua các nhãn hàng nổi tiếng để xuất sang thị trường này.
GỠ RÀO CẢN CHO DOANH NGHIỆP HAI NƯỚC
Bà Virginia B.Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), cho rằng có rất nhiều vấn đề hai bên cần làm việc với nhau để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế và đầu tư. Đặc biệt là Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA), đây chính là điểm hai nước cần nỗ lực hơn do vẫn còn nhiều điều chưa thỏa mãn yêu cầu của hai bên.
Hơn nữa, theo đại diện Amcham, hiện tại chính sách thuế còn chưa có sự đồng bộ giữa các tỉnh thành, ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp Hoa Kỳ. Cùng với đó là các thủ tục hành chính cần giảm thiểu, nhất là các thủ tục gây tốn kém nhiều chi phí. “Hai bên cần nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện những vấn đề này nhằm đưa ra một cơ chế làm việc với nhau hiệu quả hơn”, đại diện Amcham đề xuất.
Lĩnh vực đang được các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu hiện nay là phát triển kinh tế số. Bà Virginia đánh giá Hoa Kỳ sở hữu những doanh nghiệp mạnh về công nghệ thông tin và Việt Nam cũng đang có nhiều doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, bên cạnh phát triển dịch vụ số hai nước cũng phải xây dựng khung hoạt động của ngành này để các doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, các ngân hàng tham gia mạnh mẽ hơn vào cấu trúc nền kinh tế số.
Theo Chủ tịch Amcham, một trong những vấn đề Amcham đang tích cực làm việc với Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ là tìm ra chuẩn mực toàn cầu để các doanh nghiệp biết trông đợi, kỳ vọng những gì từ hai bên.
“Đây là một việc làm không đơn giản do có những yếu tố thay đổi liên tục, do vậy chúng ta cần tìm ra sự đồng thuận chung mà không xảy ra những chồng chéo, xung đột”, bà Virginia khẳng định.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh Covid-19 cần làm sâu sắc hơn chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng. Đây là điều thực sự rất khó khăn với cả hai bên khi doanh nghiệp gặp khó trong tiếp vận hậu cần.
Ở góc độ pháp lý thương mại, để nắm bắt cơ hội tại thị trường Hoa Kỳ, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần giữ tâm thế thượng tôn pháp luật khi giao thương với Hoa Kỳ, cụ thể là rào cản từ các biện pháp phòng vệ thương mại.
Do đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu pháp luật và các hiệp định thương mại về phòng vệ thương mại… Đồng thời cân nhắc khi nhận trợ cấp trực tiếp hoặc gián tiếp của Nhà nước trong các lĩnh vực cạnh tranh xuất khẩu giá thấp, nhất là sự mong muốn nhận được nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước trong giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Doanh nghiệp cần tỉnh táo không tiếp tay xuất nhập khẩu cho hàng hoá có nguồn gốc, xuất xứ mờ ám, đội lốt, không rõ ràng. Mặt khác, thực hiện quyền phòng vệ, thu thập chứng cứ, tham vấn và đề nghị cơ quan chức năng xử lý các vụ việc liên quan đến doanh nghiệp trong và ngoài nước trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm dẫn đến việc mình bị thiệt hại hoặc đe doạ bị thiệt hại nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, khi đầu tư, thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh với nước ngoài đặc biệt là với Hoa Kỳ, theo ông Đức, còn một vấn đề cần hết sức quan tâm đó là tuân thủ các quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhất là nhãn hiệu hàng hoá; bản quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; bản quyền phần mềm; chỉ dẫn địa lý.
Luật sư Đức cũng cho biết điều mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn chưa quan tâm và ít kinh nghiệm, đó là bên cạnh việc một số ít cố tình vi phạm, còn nhiều trường hợp đáng tiếc “hồn nhiên” vi phạm sở hữu trí tuệ của nước ngoài mà không biết.
“Ngược lại là bị nước ngoài vi phạm như đăng ký bản quyền nhãn hiệu của mình. Rõ ràng bản quyền thuộc sở hữu của mình mà để người khác nhanh tay đăng ký thì nó không còn của mình nữa. Nếu tiếp tục sử dụng thì sẽ là vi phạm”, ông Đức nói.
Bên cạnh đó, cần hết sức quan tâm đến sự bảo vệ pháp lý chủ yếu dựa trên cơ sở đăng ký bản quyền và có sự khác biệt giữa đăng ký để được bảo vệ trong nước và nước ngoài. Hoa Kỳ ứng xử đối với quyền sở hữu trí tuệ theo lý chứ không theo tình. Đây là luật chơi quốc tế rất văn minh và đúng đắn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lưu ý tuân thủ nhiều quy định khác của pháp luật.
Vũ Khuê
—————
VnEconomy (Thị trường) 23-11-2021:
https://vneconomy.vn/giao-thuong-voi-thi-truong-hoa-ky-trong-boi-canh-moi.htm
(486/1.689)