(KTĐT) – Ngày 25/11, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường BĐS trong giai đoạn hiện nay”. Tại hội thảo, các nhà quản lý và chuyên gia đầu ngành đã thảo thuận sôi nổi và đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BĐS.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, chưa bao giờ doanh nghiệp BĐS Việt Nam đối diện nhiều khó khăn như giai đoạn hiện nay, nhất là về cơ chế, chính sách đầu tư, nguồn vốn tín dụng, thị trường. Dù thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng thị trường BĐS nói chung, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nói riêng chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, nhiều mảng thị trường chưa được khai thác, đầu tư hiệu quả.
Giải pháp cho thị trường BĐS vượt qua khó khăn đó là cần thống nhất giữa các văn bản luật. |
“Không thể phủ nhận rằng, cơ chế, chính sách đối với thị trường BĐS còn những hạn chế nhất định. Hiện nay, cả nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng đến tầm nhìn 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Phát triển thị trường BĐS hoàn toàn phù hợp chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia – đô thị hóa nhanh, bền vững. Vì vậy, cần xây dựng chiến lược tầm nhìn dài hạn và có chính sách cụ thể được thể chế hóa, nhằm thúc đẩy thị trường phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định dài hạn” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh. Theo TS Vũ Đình Ánh – Chuyên gia kinh tế, thị trường BĐS đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế khi năm 2020 tỷ trọng hoạt động kinh doanh BĐS chiếm 4,42% GDP, xây dựng chiếm 6,19% GDP. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 tác động rất lớn tới sự phát triển của thị trường trên cả khía cạnh cung lẫn cầu. Trong khi khó khăn cố hữu để tiếp cận các nguồn vốn phù hợp vẫn còn đó, không giảm bớt mà biểu hiện tăng lên cùng với khó khăn chung do dịch bệnh. “Mặc dù tăng liên tục qua các năm song đến năm 2020, vốn đầu tư toàn xã hội vào kinh doanh BĐS cũng chỉ đạt gần 148.000 tỷ đồng, xây dựng đạt hơn 131.000 tỷ đồng, lần lượt chiếm 6,8% và 6,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào nền kinh tế. Ngoài ra, quan điểm khác biệt về vai trò của thị trường BĐS trong nền kinh tế Việt Nam và mối quan hệ giữa thị trường tài chính với thị trường BĐS cũng mang đến ảnh hưởng không nhỏ” – TS Vũ Đình Ánh nhìn nhận. Còn theo PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến – Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế (trường Đại học Luật Hà Nội), trong thị trường BĐS nguyên lý đầu tiên Nhà nước giữ vai trò tạo ra luật chơi, người chơi là các doanh nghiệp, nhưng “luật chơi” đang tồn tại nhiều bất cập. 3 đạo luật liên quan trực tiếp gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS chồng chéo, chưa thống nhất gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. “Luật Đất đai 2013 đang khiến việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS trở nên khó khăn hơn đặc biệt là vấn đề giải phóng mặt bằng, cách tính giá đất để đến bù. Hay việc không minh định ở trong luật về quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với sản phẩm BĐS du lịch khiến chủ đầu tư, nhà đầu tư bất an, thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro” – PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho hay. Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, trong kinh doanh BĐS, pháp lý BĐS là số một, vướng mắc và cũng đem đến rủi ro nhiều nhất. Trong khi đó, Luật Đất đai gốc của mọi vấn đề, trong luật có những quy định chung chung, đặc biệt tồn tại chữ “và” “hoặc” nên nhiều khi vướng mắc cho doanh nghiệp vì phạm trù khác nhau. “Luật của chúng ta bàn rất nhiều để sửa đổi, nhưng tôi cho rằng điều quan trọng phải đồng bộ thuận lợi giữa các luật. Tóm lại, luật gốc là Luật Đất đai, nếu không sửa đổi, chính xác thì rất khó để triển khai những luật khác. Một số luật đã sửa đổi, nhưng sửa đổi vẫn chỉ là ở câu chữ chứ chưa đi vào thực thi. Cần sửa đổi chi tiết, rõ ràng, từng dấu câu, dấu phẩy, dấu chấm và đồng bộ với các bộ luật khác thì mới có thể thuận lợi cho thị trường” – Luật sư Trương Thanh Đức nói. Theo đánh giá, thị trường BĐS còn nhiều dư địa phát triển, kỳ vọng sẽ sớm phục hồi bởi nhu cầu ở nhiều phân khúc vẫn tích cực. Khi những chính sách hỗ trợ của Chính phủ được triển khai mạnh mẽ, có sự điều chỉnh về cơ chế, chính sách, đặc biệt là hành động của các địa phương, thị trường BĐS chắc chắn sẽ tăng tốc và bứt phá. |
Doãn Thành
—————
Kinh tế & Đô thị (Doanh nghiệp) 25-11-2021:
(176/945)