(NĐT) – Chiểu theo cách tính thuế thu nhập cá nhân hiện nay của Việt Nam và Singapore có thể thấy công dân Việt Nam đang phải chịu mức thuế suất cao hơn so với công dân Singapore.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân với mức tăng từ 9 triệu đồng mỗi tháng hiện nay lên 11 triệu đồng (tương đương 132 triệu đồng một năm) và người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng tăng lên 4,4 triệu đồng mỗi tháng.
Theo giải trình từ Bộ Tài chính, quy định của luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi có hiệu lực vào tháng 7/2013 nêu rõ khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC).
Trong thực tế đến giai đoạn này, CPI đã tăng 23,2% nên việc điều chỉnh cần thực hiện cho phù hợp với luật định và cần thiết trong bối cảnh kinh tế – xã hội. Việc điều chỉnh nâng mức GTGC sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013.
Số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng, trong đó mức độ giảm số thuế phải nộp của nhóm người nộp thuế ở bậc thấp sẽ cao hơn. Cơ quan này đưa ví dụ cụ thể, theo quy định hiện hành người có thu nhập đến 15 triệu đồng/tháng (có 1 người phụ thuộc) phải nộp thuế ở mức 120.000 đồng/tháng thì theo quy định mới sẽ không phải nộp thuế. Thu nhập đến 20 triệu đồng/tháng (có 1 người phụ thuộc) hiện nộp thuế 490.000 đồng/tháng (tương đương 2,5% thu nhập) thì theo mức GTGC mới sẽ nộp 230.000 đồng/tháng, tương đương giảm 260.000 đồng tiền thuế mỗi tháng (giảm hơn 48% số thuế phải nộp so với hiện hành)…
Xung quanh dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân đang còn nhiều ý kiến trái chiều
Xung quanh dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân này của Bộ Tài chính hiện còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, đa số các ý kiến cho rằng mức tăng này còn quá thấp, chưa phù hợp với thực tế thu nhập của người dân hiện tại. Nếu làm một phép so sánh nhỏ có thể thấy, thực tế công dân Việt Nam đang phải đóng mức thuế cao hơn so với cả công dân của Singapore – một trong những nền kinh tế phát triển cao nhất Đông Nam Á.
Cụ thể, thuế thu nhập cá nhận tại Singapore áp dụng với công dân đảo quốc này chia thành 10 bậc thuế, trải từ 2% đến 22% tổng thu nhập cá nhân. Người có thu nhập dưới 20.000 SGD/năm (khoảng 340 triệu đồng, tương đương 28,3 triệu đồng/tháng) sẽ được miễn hoàn toàn thuế thu nhập cá nhân; Mức thuế 2% bắt đầu được tính từ 20.001 SGD tới 30.000 SGD (340-510 triệu đồng/năm – khoảng trên 28,3 triệu đến 42,5 triệu đồng/tháng); Mức thuế 7% áp dụng cho mức thu nhập từ 30.001 SGD – 40.000 SGD (510-680 triệu đồng/năm – khoảng 42,4 triệu đồng/tháng đến 56,5 triệu đồng/tháng); Còn với mức thu nhập từ 40.001 SGD – 80.000 SGD (khoảng từ 680-1.360 triệu đồng/năm) sẽ chịu mức thuế 11,5%…
Còn ở Việt Nam, thuế thu nhập cá nhân được tính trên tổng thu nhập thực tế với các bậc cụ thể như sau:
Tổng thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng có mức thuế suất bằng 0%; Thu nhập từ 9 triệu đồng – 14 triệu đồng/tháng áp dụng mức thuế suất 5%; từ 14 triệu đồng – 19 triệu đồng/tháng áp dụng đóng thuế 250 nghìn đồng cộng 10% cho thu nhập trên 14 triệu đồng; từ 19-27 triệu đồng/tháng, áp dụng đóng thuế 750 nghìn đồng cộng với 15% cho thu nhập trên 19 triệu đồng… luỹ tiến đến mức thu nhập trên 89 triệu đồng/tháng, đóng 18,15 triệu đồng + thu nhập trên 89 triệu đồng/tháng.
Như vậy, nếu cùng mức thu nhập 27 triệu đồng/tháng, công dân Singapore ở Singapore sẽ không phải đóng thuế, còn công dân Việt Nam ở Việt Nam sẽ phải đóng 1,97 triệu đồng/tháng thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng, mọi sự so sánh đều là khấp khiễng. Thuế thu nhập cá nhân là thuế trực thu đánh vào thu nhập của mỗi cá nhân. Mức thuế suất bao nhiêu là do mỗi quốc gia tự đề ra để phù hợp với tình hình kinh tế xã hội riêng của từng nước.
Cùng với đó, tương đương với thu nhập không phải đóng thuế ở mức cao thì GDP bình quân đầu người của Singapore cũng rất cao. Năm 2019 thu nhập bình quân đầu người của quốc đảo này là 63.987 USD (tương đương khoảng 1.470 triệu đồng/người/năm), trong khi đó GDP bình quân đầu người năm 2019 của Việt Nam mới chỉ đạt 2.600 USD/người (tương đương gần 60 triệu đồng/người/năm), bằng 1/24 của Singapore.
Nói về dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân này của Bộ Tài chính, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng cần có tính toán lại cho phù hợp hơn với thực tiễn.
Cụ thể, ông Đức cho biết, không có thông tin nào cho thấy vì sao Bộ Tài chính lựa chọn mức 11 triệu đồng/tháng để GTGC cho người nộp thuế mà không phải là 12 hay 14, 15 triệu đồng/tháng, và vì sao mức GTGC lại không dựa trên mức lương cơ sở?
Ông Đức cũng cho rằng, việc quy định mức tăng lạm phát trên 20% mới thay đổi mức GTGC cũng là chưa hợp lý. Bởi tinh thuần của luật là chỉ thu thuế sau khi đảm bảo đời sống cho người dân thì mỗi năm khi chỉ số CPI tăng dù chỉ 2 – 3% thì thuế phải thay đổi theo mà không cần đợi đến mức lên 20%.
Theo ông Đức, thuế suất thuế TNCN chia làm 7 bậc, từ 5% đến 35% là rất dày và cao so với nhiều nước trong khu vực như Singapore, Malaysia… “Do đó, cần sửa lại các mức này, giảm thuế suất, gia tăng mức GTGC để nuôi dưỡng nguồn thu, tránh vắt kiệt sức của người nộp thuế”, ông Đức kiến nghị.
Đinh Vũ
—————————–
Nhà đầu tư (Tài chính) 03-3-2020:
(238/1.159)