(CL) – LS. Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng Tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, trong kinh doanh bất động sản, pháp lý là số một quyết định mọi vấn đề, có nhiều vướng mắc nhất và cũng đem nhiều nguy cơ rủi ro nhiều nhất.
Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, 9 tháng năm 2021, cả nước có 201 dự án nhà ở thương mại với 84.544 căn được cấp phép. Trong khi đó, 9 tháng năm 2020, con số này hơn gấp ba, đạt 676 dự án với 216.302 nhà ở thương mại được cấp phép.
Luật đất đai hiện nay đang gây khó khăn, trở ngại cho các hoạt động kinh doanh bất động sản.Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Nhìn số liệu trên cho thấy, thị trường bất động sản đang có điểm nghẽn gây nên nguồn cung hạn chế. Một trong những “barie” lớn nhất ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung thị trường bất động sản chính là các rào cản về luật.
Tại Hội thảo “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường BĐS trong giai đoạn hiện nay”, LS. Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng Tài Quốc tế Việt Nam nhấn mạnh, trong kinh doanh bất động sản, pháp lý là số một quyết định mọi vấn đề, có nhiều vướng mắc nhất và cũng đem nhiều nguy cơ rủi ro nhiều nhất…
Vị chuyên gia cũng thẳng thắn khẳng định: “Luật của chúng ta chằng chéo, mẫu thuẫn như “mớ tơ vò”, được bàn rất nhiều và cũng được sửa đổi, nhưng điều quan trọng là vấn đề đồng bộ thuận lợi giữa các luật. Những luật được ban hành có những quy định chung chung, có chữ “và” “hoặc” nên nhiều khi vướng mắc cho doanh nghiệp vì các phạm trù đều khác nhau.
Ông Đức nhấn mạnh: “Có thể thấy, vấn đề nổi cộm nhất là “nhà” và “đất” chúng ta đang tách riêng theo các bộ luật khác nhau nên có rất nhiều mâu thuẫn rắc rối, có thể phù hợp với Luật này nhưng không phù hợp với luật khác. Dù thời gian qua luật đã có những sửa đổi quy định mới tuy nhiên sửa đổi vẫn chỉ dừng lại ở câu chữ chứ chưa đi vào thực thi. Tôi cho rằng, cần sửa đổi chi tiết, rõ ràng, từng dấu câu, dấu phẩy, dấu chấm và đồng bộ với các Bộ luật khác thì mới có thể thuận lợi cho thị trường. Luật gốc là Luật Đất đai, nếu không sửa đổi và chính xác thì rất khó để triển khai các luật khác”.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng thừa nhận: “Cơ chế và chính sách đối với thị trường bất động sản còn những hạn chế nhất định. Như pháp lý cho các loại hình bất động sản du lịch, văn phòng kết hợp nhà ở, trung tâm thương mại… Các quy trình, thủ tục pháp lý về tiếp cận đất đai, vận hành dự án, về cơ chế bảo đảm phòng ngừa rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường còn hạn chế nên tiềm ẩn nguy cơ của rủi ro, tranh chấp…”.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest nhìn nhận, ách tắc lớn nhất trên thị trường BĐS hiện nay là do khung pháp lý. Bởi lĩnh vực này phải chịu sự tác động điều tiết của 12 Luật khác nhau. Trong đó, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất Đai, Luật Đầu tư… là “xương sống” của thị trường nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, thiếu đồng bộ.
Theo ông Hiệp, đối với các doanh nghiệp bất động sản, “barie” lớn nhất hiện tại có lẽ là quy định phải có 100% đất ở hoặc “dính” đất ở mới được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà ở thương mại.
“Chính vì vậy, doanh nghiệp rất mong mỏi sửa đổi vướng mắc về thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư, dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp. Đây được xem là “nút thắt” lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung thị trường bất động sản, từ đó đẩy giá nhà tăng cao”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Khánh Ly
—————
Công luận (Kinh tế) 30-11-2021:
https://congluan.vn/phap-luat-bat-dong-san-roi-nhu-to-vo-post169633.html
(330/759)