2.918. Lường trước rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp

(KT) – Nhà đầu tư cần lưu ý tìm hiểu thông tin trước khi tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, đến khi doanh nghiệp bị xử phạt mới tá hoả đòi tiền.

Xử phạt doanh nghiệp phát hành trái phiếu “chui”

Trước sự tăng quá nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có văn bản yêu cầu Ủy Ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN), Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành TPDN để đảm bảo thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.

VsetGroup bị phạt tiền 600 triệu đồng do có hành vi vi phạm hành chính là: Chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Trên cơ sở kết quả kiểm tra tại 09 công ty chứng khoán và 2 doanh nghiệp phát hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp phát hành là VsetGroup và Apec Group cùng 1 công ty chứng khoán.

Theo đó, VsetGroup bị phạt tiền 600 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 10 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Nguyên nhân công ty này bị phạt do có hành vi vi phạm hành chính là: Chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2020 đến 27/10/2021, Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup đã thực hiện chào bán trái phiếu của công ty ra công chúng thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Chứng khoán năm 2006, khoản 1 Điều 16 Luật Chứng khoán năm 2019.

Đồng thời, công ty này phải khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư đối với hành vi vi phạm. Thời hạn nhà đầu tư gửi yêu cầu là tối đa 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.

Trước đây, Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin về việc VsetGroup tổ chức huy động vốn khủng bằng trái phiếu với lãi suất cao ngất ngưởng, không có tài sản đảm bảo… Ghi nhận cho thấy các trái phiếu của VsetGroup có kỳ hạn từ 1-5 năm, thường có mức lãi suất cao hơn thị trường, niêm yết từ 15-19,5%/năm. Đáng chú ý, trái phiếu của VsetGroup được phát hành không có tài sản đảm bảo. Và để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư mua trái phiếu, VsetGroup còn có chính sách tặng vàng cho nhà đầu tư tham gia đầu tư trái phiếu của doanh nghiệp này. Trong khi đó, các thông tin công bố của VsetGroup không cho biết trong thời gian qua doanh nghiệp này đã phát hành tổng cộng bao nhiêu trái phiếu, phải trả lãi bao nhiêu, hay tại năm tài chính gần nhất mà Công ty này có phát hành trái phiếu thì thông tin công bố chào bán cũng không dự tính tổng nợ từ trái phiếu năm 2020 nếu phát hành thành công và ước tính lãi vay phải trả trong năm, tác động từ việc trả lãi suất trái phiếu cao tới kết quả kinh doanh không được báo cáo chi tiết…

Tương tự như VsetGroup, UBCKNN đang tiếp tục thực hiện thủ tục để xử phạt Công ty Cổ phần Tập đoàn Apec Group đối với hành vi phát hành trái phiếu chui. Theo đó, Apec Group là doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản và có mối liên hệ mật thiết với nhiều doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán như Công ty Cổ phần Đầu tư IDJ, CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS), Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (API).

Các đợt phát hành trái phiếu của Apec Group cho thấy, để huy động vốn, doanh nghiệp này sẵn sàng chấp nhận các mức lãi suất cao hơn nhiều mức chung của thị trường. Đầu năm 2021, công ty này gây chú ý với kế hoạch trái phiếu HappyBond với lãi suất tối đa lên đến 18%/năm, kỳ vọng huy động 3.000 tỷ đồng. Một phần của kế hoạch phát hành trái phiếu này đã được thực hiện theo công bố trên website của Apec Group.

Nhà đầu tư tránh “mất bò mới lo làm chuồng”

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam nhận định, những trường hợp phát hành trái phiếu như trên là cực kỳ rủi ro với các nguyên nhân sau: Thứ nhất, doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Thứ hai, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảoThứ ba, các hình thức kinh doanh và tín chấp của ngân hàng không phải là tài sản đảm bảo.

Nhà đầu tư, khi được giới thiệu mua TPDN riêng lẻ cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác

Chính vì vậy, các nhà đầu tư khi tham gia mua trái phiếu tại những doanh nghiệp không có những thông tin minh bạch, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro mất tiền, trở thành nợ xấu khó đòi vì nhà đầu tư hoàn toàn không có quyền gián tiếp sở hữu tài sản nào tại doanh nghiệp phát hành trái phiếu”, ông Minh phân tích.

Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật ANVI, chỉ có bảo lãnh thanh toán mới chắc ăn vìcái khó của nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư không chuyên nghiệp khi mua trái phiếu là, dù đã được kiểm soát kỹ hơn, chặt hơn điều kiện đảm bảo nhưng vẫn còn bất cân xứng thông tin. Doanh nghiệp phát hành góc độ nào cũng là chuyên nghiệp rồi, nhưng sẽ chỉ cung cấp thông tin chừng mực nào đó thôi, không sai, không gian nhưng lại không phản ánh hết mức độ rủi ro”.

Bên cạnh công tác thanh kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, Bộ Tài chính cũng lưu ý nhà đầu tư, khi được giới thiệu mua TPDN riêng lẻ, cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, trong đó, quan tâm 4 nội dung chính sau:

Một là, tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu.

Hai là, mục đích phát hành trái phiếu.

Bà là, tài sản đảm bảo của trái phiếu. “Trường hợp tài sản đảm bảo của trái phiếu chưa được đăng ký giao dịch tài sản đảm bảo thì nhà đầu tư phải rất thận trong nếu doanh nghiệp phát hành sử dụng cùng một tài sản để đảm bảo cho nhiều nghĩa vụ nợ trái pháp luật. Theo đó quá trình xử lý tài sản đảm bảo có thể kéo dài và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu có thể không được thanh toán”, Bộ Tài chính lưu ý.

Bốn là, đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu.

Ngoài ra, sau khi mua trái phiếu, nhà đầu tư cần thường xuyên cập nhật về tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành và việc sử dụng vốn huy động từ trái phiếu có phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu hay không.

—————

Kinh tế 24/7 (Tài chính) 06-12-2021:

https://kinhte247.com.vn/tai-chinh/luong-truoc-rui-ro-khi-mua-trai-phieu-doanh-nghiep.html

(101/1.513)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,003