(ĐT) – Việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước là chủ trương đúng đắn của Nhà nước để loại bỏ tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” ở các bộ, ngành có doanh nghiệp (DN) nhà nước trực thuộc.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất quay về bộ chủ quản cũ liên quan đến vướng mắc trong cơ chế đặt hàng công tác bảo trì kết cấu hạ tầng. Ảnh: Nhã Chi
Tuy nhiên, mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) có đề xuất xin quay về Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thay vì ở lại Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. Nhiều chuyên gia kinh tế, luật sư bày tỏ quan điểm không đồng tình về đề xuất này.
Lý do VNR đề xuất xin về lại Bộ GTVT là vì kể từ khi chuyển sang “siêu” Ủy ban, Tổng công ty gặp vướng mắc dẫn đến tình trạng nhiều tháng lao động chưa được trả lương, nguy cơ dừng tàu.
Mặc dù VNR đã về Ủy ban từ tháng 10/2018, nhưng kế hoạch năm 2019 vẫn do Bộ GTVT giao vốn. Tuy nhiên, liên quan đến bảo trì kết cấu hạ tầng, yêu cầu đặt ra là theo cơ chế đặt hàng.
Liên quan những vướng mắc trên, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR cho hay, theo quy định, Tổng công ty chỉ có chức năng tổ chức quản lý tài sản và quản lý công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, nghĩa là chức năng của chủ đầu tư. “Việc Cục Đường sắt Việt Nam ký hợp đồng đặt hàng với VNR như phương án Cục Đường sắt đưa ra dẫn đến Tổng công ty sẽ trở thành nhà thầu. Khi đó, VNR cũng không thể ký tiếp hợp đồng đặt hàng với các công ty bảo trì đường sắt. Lý do, theo quy định về hợp đồng xây dựng, tổng thầu, nhà thầu chính không được giao lại toàn bộ công việc theo hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện,” ông Minh nói.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu rõ: “Tôi không đồng ý với đề xuất này bởi nếu đồng ý cho VNR chuyển về Bộ GTVT nghĩa là chúng ta quay về cơ chế cũ, phi thị trường. Hơn nữa, nếu để VNR chuyển về bộ chủ quản cũ có thực sự có tốt hơn hiện nay không?”
Cùng chung ý kiến, ông Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN là một trong những mục tiêu mà Nghị quyết 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN nhà nước đặt ra và được hoàn thành đúng thời hạn. “Bây giờ đồng ý với đề xuất của VNR nghĩa là quay lại cơ chế xin – cho mà chúng ta muốn từ bỏ”, ông Cung nói.
Trước những khó khăn, vướng mắc mà VNR gặp phải, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải trả lời được những câu hỏi: Họ đang vướng cái gì, phương án giải quyết cụ thể là gì… thay vì đặt vấn đề chuyển về cơ quan này hay cơ quan kia làm tốt hay không làm tốt.
Nêu hướng giải quyết cho vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung đề xuất, cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho Ủy ban, đồng thời cần một cơ chế tài chính riêng để Ủy ban hoạt động hiệu quả hơn.
Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, trước mắt, chúng ta cần có chính sách tháo gỡ khó khăn để DN hoạt động hiệu quả hơn. Tiếp đó, chúng ta tiến tới phải sửa đổi các luật có liên quan để tăng thẩm quyền cho Ủy ban, đó là thêm quyền được cấp ngân sách và giao chỉ tiêu cụ thể về tài chính cho các DN mà Ủy ban quản lý.
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI nhấn mạnh yêu cầu, cần có giải pháp quyết liệt để thay đổi thực sự và bước tiếp chứ không thể quay về con đường cũ.
Việt Anh
—————————–
Đấu thầu (Doanh nghiệp) 05-3-2020:
https://baodauthau.vn/doanh-nghiep/tim-chinh-sach-can-co-de-giai-quyet-kho-khan-cua-vnr-122992.html
(34/754)