2.920. Hàng ngàn tỉ đồng vốn tiếp tục bị ‘giam lỏng’

(TN) – Ban soạn thảo sửa đổi Nghị định 20 trong bản dự thảo cuối cùng dự kiến trình Chính phủ vẫn “treo” hàng ngàn tỉ đồng vốn của các doanh nghiệp.

EVN ước tính thuế nộp sẽ tăng cả ngàn tỉ đồng

Ảnh: Ngọc Thằng

Vốn bị giam bất hợp lý

Cụ thể, kể từ khi Nghị định 20/2017 về quản lý giao dịch liên kết (gọi tắt là NĐ 20) có hiệu lực tháng 5.2017 với quy định khống chế tỷ lệ lãi vay không quá 20%, có hàng ngàn doanh nghiệp (DN) trong nước, các chuyên gia kinh tế đã lên tiếng, gửi đơn kiến nghị yêu cầu điều chỉnh, sửa đổi. Bởi việc khống chế tỷ lệ lãi vay đối với các DN có phát sinh giao dịch liên kết là nhằm chống chuyển giá từ các tập đoàn đa quốc gia, DN có vốn đầu tư nước ngoài… Thế nhưng trong thực tế, quy định này lại khiến các DN trong nước gặp khó vì dù chi phí lãi vay hợp lệ nhưng vẫn bị tính thuế khi vượt mức 20% và bị cơ quan thuế truy thu thêm hàng trăm tỉ đồng khiến nguồn vốn cạn kiệt, có DN từ lãi bỗng chuyển sang lỗ. Chẳng hạn, Tập đoàn điện lực VN (EVN) được Chính phủ cho phép công ty mẹ EVN là chủ thể vay để cho vay lại tới các tổng công ty phát điện (GENCO). EVN cho vay lại không nhằm mục đích chuyển giá như mục đích NĐ 20 đặt ra nhưng vẫn phải nộp thuế cho khoản chi phí lãi vay vượt 20% lợi nhuận thuần, buộc phải nộp thuế tăng 500 tỉ đồng. Ước tính các công ty thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam chỉ trong năm 2018 cũng đã phải nộp thuế tăng gần cả ngàn tỉ đồng…

Với quy định chưa hợp lý trên và sau rất nhiều kiến nghị của DN, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo sửa đổi NĐ 20 bằng việc nâng trần lãi vay lên 30% thay cho mức 20%. Nhưng quy định mới nếu được thông qua cũng chỉ áp dụng từ năm 2019 trở đi. Điều này đồng nghĩa với việc hàng ngàn tỉ đồng của các DN trong nước đã bị truy thu thuế, tăng thuế trong 2 năm 2017 -2018 vẫn không được giải phóng.

Trong khi Chính phủ quyết liệt yêu cầu các bộ ngành đưa ra chính sách hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn do Covid-19 gây ra thì việc cho hồi tố tính lại NĐ 20 là điều cấp bách cần làm ngay

Ông Nguyễn Ngọc Tú, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Thuế

Chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long nói thẳng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến nhiều DN lao đao, Chính phủ cũng như các bộ ngành đang nghiên cứu đưa ra nhiều chính sách như miễn, giảm thuế, phí và lệ phí cho DN; các ngân hàng thương mại cũng giảm lãi vay, giãn nợ và khoanh nợ; ngay bản thân các DN cũng hỗ trợ nhau thông qua giảm tiền thuê mặt bằng… thì việc “găm” hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế của DN là đi ngược chủ trương trên.

“Việc hỗ trợ DN trong giai đoạn khó khăn hiện nay cần phải được thực hiện nhanh. Trong khi chờ Chính phủ có chương trình cụ thể mà cũng chỉ xoay quanh việc giảm thuế, phí thì việc sửa đổi ngay những quy định bất hợp lý đối với DN là điều cần làm trước. Ví dụ DN không còn hoạt động, hàng bán không được thì không có nhu cầu vay vốn nên nếu ngân hàng giảm lãi suất cho vay cũng không hỗ trợ được họ. Cho cái gì mà người nhận không cần thì cũng vô nghĩa. Cái DN cần mới quan trọng và thiết thực với hoạt động kinh doanh hằng ngày để họ tiếp tục tồn tại và phát triển. Vì vậy thay cho đề xuất giảm thuế, phí mới, NĐ 20 nếu nâng trần lên mức 30% phải áp dụng từ khi bắt đầu là năm 2017 như dự thảo trước đó mà Bộ Tài chính đưa ra. Việc này sẽ giúp DN vẫn có đủ vốn cho hoạt động của mình”, TS Ngô Trí Long phân tích.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Tú – nguyên Tổng biên tập Tạp chí Thuế, nhấn mạnh Ban soạn thảo NĐ 20 cần sửa lại cái không hợp lý, trả lại công bằng, minh bạch cho DN. Không lý do gì không hồi tố 2 năm 2017 và 2018 cho DN. “Trong khi Chính phủ quyết liệt yêu cầu các bộ ngành đưa ra chính sách hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn do Covid-19 gây ra thì việc cho hồi tố tính lại NĐ 20 là điều cấp bách cần làm ngay”, ông Tú nói.

Càng chậm doanh nghiệp càng khổ

Hơn 2 năm qua, quy định khống chế lãi vay trở thành rào cản gây khó khăn cho cộng đồng DN nhưng vẫn chưa được sửa đổi. Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhắc nhở 3 lần sau khi các DN kiến nghị về quy định này với tinh thần vướng đến đâu gỡ đến đấy mà không phải chờ sửa luật. Thế nhưng tới thời điểm hiện tại, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, phân tích: việc ban hành NĐ 20 với nội dung chính là áp trần lãi vay với các DN ở mức 20% đã cho thấy cơ quan quản lý bị “nhầm” từ gốc. Thực tế, việc khống chế vốn vay hay quản lý thuế đều có các quy định riêng như Thông tư 242/2009 yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không được vay vốn nhiều quá 3 lần vốn điều lệ; DN có thể được khấu trừ các loại chi phí nếu là hợp lý, hợp lệ…

Đặc biệt, trong khi DN nước ngoài thường chỉ sử dụng nguồn vốn vay với tỷ lệ nhỏ bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu thì ngược lại, hầu hết DN trong nước đều có chung đặc điểm là sử dụng nguồn vốn vay rất lớn, đến 70 – 80%. Vì vậy, NĐ 20 đã khiến DN mất tính chủ động và cơ hội trong phát triển kinh doanh, mở rộng đầu tư sản xuất.

“NĐ 20 nhằm chống chuyển giá nhưng chưa bắt được ai thì hầu hết các DN trong nước đã bị vạ lây. Đặc biệt trong tình trạng dịch bệnh Covid-19 đang gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động của các DN thì việc gỡ bỏ những quy định chưa hợp lý cần được làm càng nhanh càng tốt”, luật sư Trương Thanh Đức nói.

Ông Nguyễn Ngọc Tú phân tích, trong giai đoạn DN cần hỗ trợ nhanh như hiện nay đều phải tính đến cả việc miễn, giảm thuế. Trong khi chỉ riêng đối với quy định chưa hợp lý của NĐ 20, DN đã nộp trước hàng ngàn tỉ đồng vào ngân sách nhà nước. Vì vậy, nên được khấu trừ dần cho các năm sau. Tương tự giống như việc chuyển lỗ được phép phân bổ cho nhiều năm mà không làm ảnh hưởng đến số thu ngân sách hiện tại.

Ông Nguyễn Ngọc Tú phân tích: “Số tiền thuế thu thêm từ NĐ 20 không lớn nếu so với tổng thu ngân sách lên hơn 1 triệu tỉ đồng hằng năm hiện nay. Nhưng số tiền đó của mỗi DN là rất lớn nên nhà nước cần dũng cảm trả lại cho họ. Việc chỉnh sửa các bất cập trong các quy định hiện hành không nên khất nữa vì đã quá chậm, mất đến mấy năm rồi. Cần làm ngay để hỗ trợ DN, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay…”.

Thanh Xuân –  Mai Phương

—————————–

Thanh niên (Tài chính Kinh doanh) 09-3-2020:

https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/hang-ngan-ti-dong-von-tiep-tuc-bi-giam-long-1192904.html

(244/1.370)

—————

Mới chỉ sửa nới rộng chứ không giải quyết bản chất vấn đề

  1. Về căn cứ pháp lý: Vấn đề này mới được quy định trong Luật Quản lý thuế năm 2019, nhưng chưa có hiệu lực (đến 01-7-2020 mới có hiệu lực), mà chưa được quy định trong Luật Quản lý thuế năm 2006, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012 và 2016 cũng như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013 và 2014.
  2. Đây không phải là quy định nhằm khống chế giới hạn chi phí lãi phục vụ sản xuất, kinh doanh một cách bình thường, mà là quy định nhằm tới việc chống chuyển giá. Vì vậy, nếu không vì mục đích này thì giới hạn trở thành vô lý, trái ngược với bản chất vấn đề, thậm chí vi phạm quyền tự do huy động vốn và tự do lựa chọn phương án, cách thức kinh doanh của doanh nghiệp không thuộc trường hợp bị cấm theo luật. Sở dĩ phải đặt ra giới hạn này là để đối phó với tình trạng doanh nghiệp chuyển giá, nhất là liên quan đến các giao dịch công ty mẹ con, công ty liên kết ở nước ngoài. Do gần như không kiểm soát được chính xác các chí phí hợp lý, hợp lệ liên quan đến phía nước ngoài, nên pháp luật các nước nói chung, Việt Nam nói riêng buộc phải đặt ra giới hạn để kiểm soát, tránh gian lận, dẫn đến thất thu thuế của nước sở tại. Tuy nhiên, ngay cả việc đã đặt ra giới hạn này, cũng vẫn còn phải thực hiện nhiều giải pháp khác thì quy định này mới có ý nghĩa trên thực tế.

Việc nâng từ 20% lên 30% không khác gì mấy năm trước nâng trần chi phí quảng cáo, khuyến mại,… từ 10% lên 15% đối với doanh nghiệp trong 3 năm đầu. Sau đó đã bỏ hẳn giới hạn này, vì nhiều lý do, trong đó: Thứ nhất, chẳng có lý do gì mà không thừa nhận các khoản chi phí thực tế hợp pháp, hợp lệ, hợp lý; thứ hai quy định bất hợp lý dẫn dến tình trạng doanh nghiệp phải gian dối, đối phó, chế biến thay vì làm đúng, chi thật; thứ ba bản chất khoản chi của doanh nghiệp này cũng chính là khoản thu của doanh nghiệp khác, chứ không thất thoát đi đâu.

  1. Việc loại trừ đối với một số tổ chức như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán,… là hoàn toàn hợp lý, vì là các tổ chức tài chính có đặc thù liên quan đến nguồn vốn, tỷ lệ huy động,… Điều này chỉ càng chứng minh rằng, khoản chi thực tế, hợp lý, chính đáng của doanh nghiệp thì cần phải được chấp nhận, thay vì phủ nhận.
  2. Việc cho hồi tố tính lại chi phí của năm 2017 – 2018 và kể cả 2019 hay không không bắt buộc. Việc này chỉ là sự thể hiện thái độ của Nhà nước đối với quy định này và xử lý khó khăn đối với doanh nghiệp. Nếu nó nếu nó là quy định đúng, là hợp lý thì không cho hồi tố, trừ trường hợp Nhà nước muốn tạo thêm điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp khó khăn. Ngược lại nếu nó là quy định sai, là bất hợp lý thì cần phải cho hồi tố để thể hiện trách nhiệm sửa sai, gây khó khăn không đáng có cho doanh nghiệp.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,424