2.926. Khi Covid-19 thành đại dịch, có đủ điều kiện phá vỡ hợp đồng với đối tác?

(GT) – Khi WHO tuyên bố Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, có nghĩa điều kiện phá vỡ hợp đồng trong trường hợp “bất khả kháng” được kích hoạt?

Khi WHO tuyên bố Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, có nghĩa điều kiện phá vỡ hợp đồng trong trường hợp “bất khả kháng” được kích hoạt?

Trước thông tin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, nhiều ý kiến cho rằng, điều kiện phá vỡ hợp đồng trong trường hợp “bất khả kháng”, “trừ phi thiên tai địch họa”, đã được kích hoạt về mặt pháp lý. Do đó, doanh nghiệp có thể tận dụng “cơ hội” này để đàm phán thêm với các bên để giảm thiệt hại và cùng vượt qua khủng hoảng.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Công ty Luật hợp danh Đông Nam Á (Sealaw) cho biết cách hiểu trên chưa chính xác.

“Phạm vi điều chỉnh của luật còn tùy thuộc vào vùng, lãnh thổ. WHO công bố đại dịch Covid-19 nhưng không có nghĩa tất cả các quốc gia, lãnh thổ đều có dịch. Như vậy phải xét từng hợp đồng kinh tế cụ thể được ký trong phạm vi lãnh thổ nào, nơi đó đã được cơ quan có thẩm quyền công bố dịch hay chưa, sau đó mới xem xét tới việc áp dụng vào tình huống bất khả kháng, có thể được điều chỉnh thỏa thuận trong hợp đồng hoặc xem xét tạm dừng hay không…”, ông Thuật nói.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI), về lý thuyết thì có thể áp dụng điều bất khả kháng trong tình hình thiên tai, dịch họa. 

Tuy nhiên thực tế lại nảy sinh rất nhiều yếu tố pháp lý phức tạp cần làm rõ. “Công bố dịch hay không công bố chỉ để phân biệt rõ đỡ gây tranh cãi hơn về pháp lý. Song ngay cả khi công bố rồi cũng không có nghĩa là chủ hợp đồng được giải thoát, chấm dứt hay hủy bỏ hợp đồng ngay. Vấn đề anh phải chứng minh được mức độ thiệt hại có quan hệ nhân quả với dịch dã hay không? 

Đặc biệt trong mẫu hợp đồng giao dịch đều có quy định các bên phải nỗ lực hết mình để khắc phục chứ không phải buông xuôi không làm gì. 

Nguyên tắc các bên phải thiện chí tìm mọi cách khắc phục, giảm thiểu thiệt hại chứ không phải cứ vin vào cớ điều kiện bất khả kháng để đổ hết cho đối tác”, ông Đức phân tích.

Qua đây, ông Đức cũng khuyến cáo các DN cần chú ý khi quyết định tạm hoãn, dừng hợp đồng do gặp khó khăn trong mùa dịch. “Cần phải có sự thỏa thuận và nhất trí hai bên. Nếu đơn phương tự ý chấm dứt hợp đồng sẽ dẫn tới hệ quả tranh chấp pháp lý rất phức tạp về sau”, vị luật sư nhấn mạnh

Tính tới nay, thế giới đã có 192 quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19. Tại Việt Nam, vào tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công bố dịch, tuy nhiên ở cấp địa phương, chưa có tỉnh thành nào công bố dịch.

Theo WHO, một đại dịch được tuyên bố là khi một bệnh mới mà con người không có khả năng miễn dịch lan truyền đi khắp thế giới. Một khi đại dịch được tuyên bố, nhiều khả năng việc lây nhiễm trong cộng đồng sẽ diễn ra liên tục, các chính phủ và hệ thống y tế phải đảm bảo chuẩn bị cho tình huống đó.

Hoàng Ngân

—————————–

Giao thông (Thị trường) 14-3-2020:

https://www.baogiaothong.vn/covid-19-thanh-dai-dich-dieu-bat-kha-khang-trong-hop-dong-duoc-ap-dung-d456448.html

(251/656)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.421. Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của...

Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của nút thắt" để đất nước vươn...

Trích dẫn 

3.970. Đấu giá đất và những kẽ hở trong tổ...

Đấu giá đất và những kẽ hở trong tổ chức đấu giá. (VOV.vn) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,401