(LĐ) – Vừa qua, Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát đi thông cáo đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 3-12 tại khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TPHCM). Giới chuyên gia nhận định việc làm này không trái luật nhưng “bất thường và cần có chế tài xử lý mạnh hơn” để không trở thành tiền lệ xấu.
Không trái luật nhưng không thể chỉ “đấu giá cho oai”
Theo giới chuyên gia bất động sản, sự việc của Tân Hoàng Minh đã tạo ra một đỉnh giá mới, khiến thị trường bất động sản dậy sóng và cần có một khoảng thời gian nhất định để đưa giá cả thị trường về đúng với thực tế. Ảnh: TL
Theo Luật Sư Trương Thanh Đức, về mặt pháp lý Tân Hoàng Minh hay các công ty con của họ đều đủ tư cách để tiếp tục tham gia đấu giá ở các lần đấu giá tiếp theo. Ở vụ việc bỏ cọc này, Tân Hoàng Minh là đơn vị vi phạm hợp đồng và bị phạt số tiền gần 600 tỉ đồng theo chế tài đề ra.
“Về đấu giá theo quy định có 2 giai đoạn. Khi các doanh nghiệp bắt đầu tham gia đấu giá sẽ phải đặt trước một khoản tiền, nếu không tham gia hoặc vi phạm khi tham gia sẽ mất khoản tiền này. Khi đấu giá thành thì số tiền này được chuyển thành tiền đặt cọc.
Đã đặt cọc và trúng giá nhưng không ký hợp đồng, hoặc ký rồi nhưng không thanh toán đúng tiến độ, vi phạm hợp đồng thì sẽ áp dụng chế tài là mất số tiền đó.
Trong cuộc đấu giá nếu bên trả giá cao nhất bỏ cuộc thì người trả giá thứ 2 sẽ trúng đấu giá. Tuy nhiên trong trường hợp này đã kết thúc phiên đấu giá, khi thực hiện hợp đồng mới vi phạm thì cần tổ chức lại cuộc đấu giá khác”, Luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ với PV Lao Động.
Tuy Tân Hoàng Minh không vi phạm pháp luật song khó lòng tham gia đấu giá trong thời gian tới do mất uy tín cũng như đối mặt với sự nghi ngờ từ xã hội về năng lực tính toán bài toán kinh doanh.
Trao đổi với PV Lao Động, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho biết hiện tại chưa có quy định nào về việc doanh nghiệp không được bỏ cọc. Tuy nhiên, việc Tân Hoàng Minh bỏ trúng giá như vậy là một điều rất bất bình thường.
“Chúng ta cần có quy định cụ thể, rạch ròi về mặt pháp lý đối với người trúng đấu giá để doanh nghiệp không đấu giá cho “oai” rồi bỏ cọc.
Tôi nắm bắt thông tin thì Tân Hoàng Minh cho rằng họ đưa ra mức giá cao như vậy để doanh nghiệp nước ngoài không mua được những lô “đất vàng” của Việt Nam. Tôi cho rằng khi nghĩ nói như vậy là họ biện minh cho cái việc làm không đúng. Đây không phải lần đầu Tân Hoàng Minh bỏ cọc”, ông Hòa nói.
Cần có chế tài mạnh để không trở thành tiền lệ xấu
Thời gian qua Bộ Công an có văn bản yêu cầu UBND TP Hà Nội và một số sở liên quan cung cấp hồ sơ liên quan đến nhiều dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ảnh: Phan Anh
Từ vụ việc trên, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng Luật Đấu giá tài sản, Luật Đấu thầu cần phải có điều chỉnh. Trong đó cần có quy định chặt chẽ, rạch ròi để những đơn vị trúng thầu ngoài bỏ cọc ra thì cần chịu thêm một phần chế tài khác:
“Ví dụ như khi doanh nghiệp trúng thầu xây lắp thì họ phải tiến hành xây lắp đúng tiến độ, đúng quy định. Còn khi doanh nghiệp trúng giá mua sắm tài sản nào đó, tài sản bất động sản hoặc tài sản gắn liền với đất thì anh cũng phải mua.
Nếu doanh nghiệp không mua, bỏ cọc như Tân Hoàng Minh thì phải phạt. Tiền đặt cọc tôi nghĩ 20% thì cũng tương đối. Nhưng tôi nghĩ vẫn cần phải phạt nếu doanh nghiệp bỏ giá.
Cần rút giấy phép hành nghề không cho doanh nghiệp bỏ cọc hoạt động. Chế tài mạnh sẽ không còn xảy ra trường hợp như Tân Hoàng Minh. Tôi cho rằng nếu làm được như vậy thì luật pháp sẽ nghiêm minh và chế tài mới đủ sức răn đe. Như vậy sau này những người trúng đấu giá, trúng thầu người ta mới không dám bỏ, bởi bỏ là sẽ bị phạt đó.
Việc họ bỏ cọc như vậy gây hoang mang cho dư luận, tạo ra biến động lớn đối với thị trường bất động sản. Đây là hành vi không thể chấp nhận được đối với một tập đoàn lớn”, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nói.
THÙY DƯƠNG
—————-
Lao động (Bất động sản) 16-01-2022:
(266/896)