(TBNH) – Cơ chế bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn còn hổng. Trong khi các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ, các quỹ đầu tư và các công ty chứng khoán thường dễ dàng nắm bắt thông tin liên quan đến doanh nghiệp thì các cổ đông thiểu số bên ngoài lại không có cơ hội và tầm ảnh hưởng như vậy.
Sự kiện đáng chú ý nhất trên thị trường chứng khoán gần đây là Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bất ngờ bán 74,8 triệu cổ phiếu công ty đang nắm giữ mà không thông báo trước cho Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), khiến cổ phiếu FLC đang từ mức giá trần 24.100 đồng chuyển sang giảm hết biên độ còn 21.000 đồng chỉ trong 5 phút, thanh khoản lập kỷ lục 135 triệu đơn vị (ngày 10/1). Nhưng nhiều nhà đầu tư bủn rủn tay chân khi vừa đua mua giá trần cổ phiếu FLC, ngay sau đó lại bị âm tài khoản.
Trước thực tế đó, HoSE liền ra thông báo sẽ huỷ giao dịch bán của ông Trịnh Văn Quyết theo chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Các tài khoản đứng tên ông Trịnh Văn Quyết bị phong tỏa để hoàn tiền lại cho nhà đầu tư. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng khẳng định, sẽ xử lý thật nghiêm, quyết liệt và triệt để theo đúng quy định của pháp luật để ngăn chặn tận gốc hành vi sai phạm tương tự.
Ảnh minh họa |
Nhưng tác động không chỉ dừng lại ở các nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu FLC, mà gián tiếp còn ảnh hưởng đến giá trị các cổ phiếu bất động sản và xây dựng khác trong tuần qua. Các phiên sau “sự cố FLC” chứng kiến trạng thái giằng co với sắc đỏ dần chiếm ưu thế. Trong đó, nhóm bất động sản với hàng loạt các cổ phiếu như CII, NBB, QCG, SCR, DIG, NLG, CEO, HQC… rơi vào cảnh bị bán tháo khi tâm lý nghi ngại lan rộng. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VPS, giá nhiều cổ phiếu bất động sản sẽ còn giảm, thậm chí cổ phiếu họ FLC sẽ giảm mạnh và luôn trong trạng thái dư bán, trong khi trắng bên mua.
Từ sự việc trên cho thấy cơ chế bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn còn hổng. Trong khi các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ, các quỹ đầu tư và các công ty chứng khoán thường dễ dàng nắm bắt thông tin liên quan đến doanh nghiệp thì các cổ đông thiểu số bên ngoài lại không có cơ hội và tầm ảnh hưởng như vậy.
Theo TS. Hồ Quốc Tuấn – chuyên gia tài chính, trường hợp của ông Quyết rõ ràng đã vi phạm công bố thông tin đăng ký giao dịch của cổ đông nội bộ (insiders), vì vậy phải bị phạt. Ở các thị trường như Mỹ, giao dịch của các cổ đông nội bộ được quy định chặt chẽ. Ví dụ tỷ phú Elon Musk từng bán một lượng cổ phiếu lớn hồi tháng 11/2021, nhưng trước đó vị tỷ phú này sẽ phải gửi văn bản cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ trước để đăng ký “trading plan” và thời gian dự kiến giao dịch.
Cũng theo ông Tuấn, mặc dù, Luật Chứng khoán Việt Nam về công bố thông tin đã tiệm cận nước ngoài, nhưng còn khác biệt về tiền phạt. Vốn hóa của các công ty niêm yết đã cao hơn, do đó mức phạt hành chính tối đa 3 tỷ đồng với tổ chức và 1,5 tỷ đồng với cá nhân là khá nhỏ so với những thiệt hại mà nhà đầu tư phải chịu.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI cũng cho rằng, việc ông Trịnh Văn Quyết “bán chui” cổ phiếu đã vi phạm điều 33 Nghị định 156/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, khi không công bố thông tin dự kiến giao dịch. Theo đó, vi phạm này có thể bị xử phạt theo cả 3 hình thức gồm: xử phạt hành chính, phạt bổ sung và khắc phục hậu quả. Theo đó, việc “bán chui” gần 75 triệu cổ phiếu FLC sẽ nằm trong khung phạt tiền cao nhất 3%-5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên. Dù vậy, mức phạt tiền tối đa với cá nhân có vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán chỉ là 1,5 tỷ đồng.
Đặc biệt theo Luật sư Trương Thanh Đức, vi phạm lần này của ông Trịnh Văn Quyết có thể bị buộc khắc phục hậu quả và đây là điểm mới của Nghị định 156. Cụ thể, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có thể bị buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền đã mua, cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu hoặc lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán…
Chưa hết theo một số chuyên gia, nếu các cổ đông FLC cảm thấy bị thiệt hại và chứng minh được thiệt hại vì hành động giao dịch gian lận, có thể khởi kiện. Thực tế nếu tính đầy đủ, con số thiệt hại trong đợt bán tháo lần này là khá lớn. Kinh nghiệm ở Mỹ, bên cạnh án phạt của Ủy ban Chứng khoán, nếu cổ đông chưa hài lòng thì có thể kiện ra tòa án, thậm chí họ có thể thể hợp nhau lại để kiện.
“Việt Nam nên cho phép quy định tương đồng, theo đó các lãnh đạo công ty có cổ phiếu niêm yết cũng có thể bị kiện. Mấy trăm nghìn nhà đầu tư, mỗi người đòi bồi thường 100 triệu đồng. Nếu tất cả nhà đầu tư đều thắng theo một phán quyết, thì các anh mới sợ. Nhưng từng nhà đầu tư nhỏ lẻ khó kiện các anh, nhưng nếu kiện tập thể sẽ khác”, TS. Hồ Quốc Tuấn đề xuất.
Nam Minh
—————
Thời báo Ngân hàng 18-01-2022 (256/1.090):
https://thoibaonganhang.vn/co-che-nao-bao-ve-nha-dau-tu-nho-le-123575.html
(256/1.090)