(TN) – Nếu chính sách không điều tiết lại, giảm gánh nặng, đặc biệt trong đại dịch Covid-19, người nộp thuế thu nhập cá nhân sẽ kiệt quệ.
Thống kê từ Bộ Tài chính cho thấy, nếu như trong năm 2009 – 2010, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ước chỉ đạt khoảng 14.300 tỉ đồng thì bắt đầu từ 2011 tăng rất mạnh mẽ.
Cụ thể, năm 2011 thu đạt 38.520 tỉ đồng. Đáng chú ý là dấu mốc năm 2012 (kể từ khi sửa luật nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 1,6 triệu đồng lên 3,2 triệu đồng/người phụ thuộc và 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng cho bản thân người nộp thuế), mức thu càng tăng lên.
Năm 2014 – 2015 gần 50.000 tỉ đồng, đến năm 2016 gần 70.000 tỉ đồng, 2019 đạt gần 100.000 tỉ đồng.
4 tháng đầu năm nay, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19 tới hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã ban hành các giải pháp hỗ trợ cho những đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Do vậy, thu ngân sách nhà nước trong 15 ngày đầu tháng 4 giảm mạnh so với cùng kỳ tháng trước.
Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15.4 ước tính đạt 427.200 tỉ đồng, bằng 28,2% dự toán năm. Trong thu nội địa, thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước đóng góp 70.500 tỉ đồng, bằng 26%; thu thuế bảo vệ môi trường 14.100 tỉ đồng, bằng 20,9%… Nhưng riêng thuế TNCN đóng góp nhiều nhất với 41.400 tỉ đồng, bằng 32,2% dự toán.
Thuế thu nhập cá nhân tăng 10 lần sau 10 năm ẢNH NGỌC THẮNG |
Dự toán năm 2020, nguồn thu ngân sách từ thuế TNCN gần 130.000 tỉ đồng. Nếu so với mức khoảng 14.300 tỉ đồng của năm 2009 – 2010, số thu này đã tăng gấp 9 – 10 lần. Như vậy, từ một sắc thuế đóng góp khá ít vào ngân sách, sau 10 năm, thuế TNCN đã trở thành nguồn thu chính, quan trọng của ngân sách.
Đáng chú ý, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc lại càng khiến nguồn thu này được nuôi dưỡng, số thu năm sau cao hơn năm trước.
Tăng mức giảm trừ, nuôi dưỡng nguồn thu
Đây cũng là lý do mà rất nhiều chuyên gia, ý kiến của người dân cho rằng, Bộ Tài chính cần phải chia sẻ với người nộp thuế TNCN, nuôi dưỡng nguồn thu bằng cách tăng mức giảm trừ gia cảnh.
Trước đó, để hỗ trợ, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất tăng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên mức 4,4 triệu đồng/tháng.
Việc điều chỉnh sẽ có khoảng 6,8 triệu người được hưởng lợi, trong đó có khoảng 1 triệu đối tượng sẽ không phát sinh thuế TNCN phải nộp năm 2020. Tổng số thu nhập người lao động được giữ lại để chi tiêu thêm nhờ việc điều chỉnh này trong năm nay khoảng 10.300 tỉ đồng.
Dự thảo điều chỉnh trên không nhận được sự ủng hộ của dư luận. Bởi lý do chính của đợt điều chỉnh này là do các mức giảm trừ cũ được xác định từ năm 2012. Trong khi đó, sau 8 năm lạm phát đã tăng vượt 20%, kéo một loạt chi phí tăng theo, chi phí cho cuộc sống của người dân rất đắt đỏ.
Bên cạnh đó, mức điều chỉnh chỉ tăng 2 triệu đồng cho người nộp thuế và 1,2 triệu đồng/người phụ thuộc, nếu chỉ căn cứ vào tốc độ tăng thu, chỉ số giá tiêu dùng sau 8 năm là quá thấp. Chưa kể, đại dịch Covid-19 đang gây ra khó khăn chồng chất.
Chính vì vậy, nhiều ý kiến chuyên gia đều cho rằng Bộ Tài chính cần phải xem xéttăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 9 triệu lên ít nhất 15 triệu đồng/người và mỗi một người phụ thuộc cần tăng từ 3,6 triệu đồng lên 7,2 triệu đồng.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, đề xuất : “Không có thông tin nào cho thấy vì sao Bộ Tài chính lựa chọn mức 11 triệu đồng/tháng để giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế mà không phải là 12, 14 hay 15 triệu đồng/tháng.
Thuế TNCN chỉ thu khi đời sống người dân đã được đảm bảo, lạm phát tăng 20% mới điều chỉnh là không hợp lý. Theo tôi chỉ cần tăng vài phần trăm cũng đã phải điều chỉnh rồi và mức sửa lần này tối thiểu 15 triệu đồng/tháng cho người nộp và 7,2 triệu đồng/người phụ thuộc”, luật sư Đức kiến nghị.
Anh Vũ
—————————–
Thanh niên 01-5-2020:
(117/862)