2.979. Cấp thiết luật hoá Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu

(NĐT) – Đây là quan điểm chung của nhóm chuyên gia khi nói về yêu cầu cấp bách trong luật hoá hoặc kéo dài Nghị quyết 42/2017 về xử lý nợ xấu trước thời điểm văn bản này hết hiệu lực. 

Ảnh: Laodong.vn

Sau 5 năm triển khai, Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/8/2022, đặt ra những vấn đề lớn đối với xử lý, thu hồi nợ xấu trong thời gian tới.

Nhằm lắng nghe các ý kiến góp ý với đề xuất luật hoá xử lý nợ xấu hoặc kéo dài Nghị quyết 42, ngày 19/2, báo Lao động đã tổ chức hội thảo Cần Luật hoá Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng.

Chia sẻ tham luận tại hội thảo, Luật sư Trương Thanh Đức – người có nhiều năm gắn bó với ngành ngân hàng, đi cùng những vụ án tranh chấp, thu giữ tài sản bảo đảm cho rằng: “Cần nhận thức rằng việc luật hoá Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu không phải chỉ xử lý riêng vấn đề của ngành ngân hàng mà đó là câu chuyện lợi ích chung, nhằm bảo vệ và vì sự phát triển của nền kinh tế chung”.

Theo ông Đức, từ 2017 đến nay, Nghị quyết 42 đã thể hiện rõ hiệu quả trong xử lý nợ xấu của các TCTD. Không chỉ vậy, từ đó Nghị quyết 42 gián tiếp giúp tăng cường năng lực tài chính, vốn cho các TCTD, giúp giảm lãi suất trên thị trường, hỗ trợ sản xuất cho doanh nghiệp, người dân, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế.

Điều quan trọng nhất mà Nghị quyết 42 làm được là giúp thay đổi nhận thức của xã hội, các cơ quan chức năng, đặc biệt là ý thức về nghĩa vụ trả nợ của người vay. Việc chây ỳ, trì hoãn nghĩa vụ trả nợ và xử lý tài sản bảo đảm của khách hàng vay và người có tài sản thế chấp không còn có lợi như trước đây, mà thậm chí trở thành bất lợi hơn.

Chưa thể luật hoá hoặc kéo dài Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu sẽ dẫn tới hệ luỵ với không chỉ ngành ngân hàng mà là sự phát triển của cả nền kinh tế.

Trương Thanh Đức

Theo ông Đức, Nghị quyết 42 chỉ còn hiệu lực thực thi trong vòng 6 tháng (đến 15/8/2022), nếu sau thời gian này, các khoản nợ xấu không được tiếp tục xử lý theo Nghị quyết hoặc Nghị quyết không được nâng lên thành luật thì sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh nợ xấu bùng phát do hậu quả của đại dịch COVID-19. Hệ luỵ sẽ không chỉ đến với ngành ngân hàng mà là sự phát triển chung của cả nền kinh tế.

Theo đó, ông Đức đề xuất, nên luật hoá Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể và khả thi hơn. Trường hợp không kịp ban hành hoặc không ban hành Luật, thì cần tiếp tục duy trì hiệu lực của Nghị quyết 42 trong khoảng tối thiểu 5-10 năm tới, cho tới khi nào Tòa án thực sự bảo đảm được trên thực tế yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm nói riêng, các vụ án đòi nợ nói chung một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, trong đó có việc rút gọn thủ tục theo đúng quy định.

Ông Đức bổ sung, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong xử lý nợ xấu là quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Có quan điểm lo ngại rằng, việc thu giữ tài sản thế chấp là vi phạm quyền sở hữu (bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt) của chủ sở hữu tài sản. Tuy nhiên, xét về bản chất, thì việc chủ sở hữu tài sản thực hiện giao dịch thế chấp là đã tự nguyện thỏa thuận và chấp nhận hậu quả pháp lý ảnh hưởng hạn chế, bất lợi đến quyền sở hữu tài sản và chỗ ở của mình, mà mức độ cao nhất là chấp nhận không còn quyền sở hữu tài sản và không còn chỗ ở.

Vì vậy, năm 2019, Toà án nhân dân tối cao cũng đã nhận định “phải xem thế chấp tài sản là một giao dịch chuyển giao tài sản có điều kiện”. Như vậy, việc thu giữ tài sản thế chấp theo thỏa thuận của các bên cũng hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và chỉ là một hành động để tạo điều kiện cho việc xử lý tài sản bảo đảm trên thực tế. 

Tuy nhiên, để cân bằng lợi ích giữa các bên, ông Đức đề xuất trong thời gian tới nên xem xét quy định thêm điều kiện về thời hạn thông báo và xử lý tài sản bảo đảm theo hướng khuyến khích chủ sở hữu tự bán tài sản. Chẳng hạn như đối với tài sản bảo đảm là động sản thì thời hạn tối thiểu là 1 tháng (từ đối với các trường hợp đặc biệt cần phải xử lý ngay), đối với bất động sản thì thời hạn tối thiểu là 6 tháng. Trong thời hạn đó, cần quy định về việc “khoanh nợ” của các TCTD.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, từ 2017 đến nay đã có hơn 800 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý, trong đó quá nửa là nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết 42. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng Nghị quyết 42 vẫn bộc lộ những điểm yếu.

Thứ nhất là vẫn còn vướng mắc về thu giữ tài sản bảo đảm, còn rất khó khăn. Đặc biệt với những bất động sản là nhà ở, có khi tới 3 thế hệ cùng ở trong 1 nhà thì rất khó để thu giữ tài sản bảo đảm.

Thứ hai là việc là áp dụng thủ tục rút gọn. Cho đến thời điểm hiện tại dù Hội đồng thẩm phán đã ra Nghị quyết 03 để hỗ trợ áp dụng thủ tục rút gọn trong các vụ án xử lý nợ xấu nhưng vẫn chưa TCTD nào có thể áp dụng được. Điều này đến từ nhiều nguyên nhân như Nghị quyết thì vẫn bị điều chỉnh bởi nhiều luật khác; nhiều khách hàng lợi dụng kẽ hở luật, cố tình tạo tranh chấp để không bàn giao tài sản.

Ngoài ra, về thứ tự ưu tiên thanh toán, hiện vẫn mỗi nơi một cách áp dụng. Nơi thì đồng ý hoàn trả toàn bộ tiền sau khi xử lý cho TCTD nhưng có nơi yêu cầu nộp thuế trước khi hoàn trả cho TCTD. Vì vậy, cần có những quy định cụ thể để có cách áp dụng thống nhất, phù hợp. Nếu không có dịch bệnh COVID-19, ngành ngân hàng sẽ đạt mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3%, thậm chí thấp hơn. Tuy nhiên, do tác động kéo dài của dịch bệnh nên tới thời điểm hiện tại, ước tính nợ xấu và nợ tiềm ẩn toàn ngành khoảng 7,3% và khả năng sẽ không chỉ dừng lại ở con số đó.

Ông Hùng nêu, việc hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế là một chuyện và việc xử lý nợ xấu, trách nhiệm của người vay tiền với ngân hàng lại là chuyện khác để đảm bảo vòng quay vốn cho nền kinh tế. Theo đó, việc kéo dài hoặc luật hoá Nghị quyết 42 là rất cần thiết để có dòng vốn xoay vòng hỗ trợ doanh nghiệp vay và nền kinh tế tiếp tục phát triển.

Cuối cùng, với kinh nghiệm nhiều năm trong quản lý hoạt động ngân hàng, xử lý nợ xấu, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhấn mạnh, trước tác động cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2009 đã khiến ngành Ngân hàng phải thành lập VAMC nhằm giải quyết khối nợ xấu khổng lồ. Tuy nhiên, thời điểm đó chỉ có mình ngành ngân hàng phải đứng mũi chịu sào, chịu toàn bộ trách nhiệm. Nhưng lần này hy vọng sẽ khác, với sự hợp lực của cả nền kinh tế, sự hợp sức của các bộ ngành, cơ quan địa phương, ngành ngân hàng sẽ hoàn thành tốt mục tiêu về xử lý nợ xấu, để hoạt động ngành ngân hàng và nền kinh tế nhanh chóng phục hồi, phát triển trở lại.

  1. N. Thoan

——————-

Nhà đầu tư (Tài chính) 20-02-2022:

https://nhadautu.vn/cap-thiet-luat-hoa-nghi-quyet-42-ve-xu-ly-no-xau-d63696.html

(793/1.494)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,984