2.988. Việt Nam – Ngôi nhà thứ 2 của khách quốc tế: Tháo nút thắt pháp lý, mở cơ hội đón dòng tiền

BĐS) – Tiềm năng, nhu cầu của thị trường bất động sản du lịch rõ ràng là đang rất nhiều, và chắc chắn rằng chúng ta nên tháo gỡ khó khăn để tận dụng cơ hội “vàng” trong việc thu hút đầu tư, phát triển.

LUẬT SƯ TRƯƠNG THANH ĐỨC

Việt Nam đang có thương hiệu rất tốt với thị trường du lịch quốc tế, và sau giai đoạn dịch bệnh này, chúng ta càng tự tin hơn nữa, trở thành điểm đến tin cậy cho khách quốc tế cũng như giới đầu tư.

Khoảng 4, 5 năm trở lại đây, câu chuyện về tiềm năng cũng như sức hút của du lịch và bất động sản du lịch Việt Nam được nhắc đến nhiều hơn bao giờ hết. Bởi những sức hút ấy là thật và đây chính là thời điểm vàng để khai thác những tiềm năng to lớn ấy. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khiến ngành du lịch thế giới, trong đó có Việt Nam sụt giảm nguồn thu vô cùng lớn thì nỗi băn khoăn làm thế nào để vực dậy sự phát triển và bơm “dopping” cho bất động sản du lịch là điều cấp bách.

Theo số liệu báo cáo từ Tổng cục Du lịch, năm 2019, du lịch Việt Nam đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế, vượt qua Indonesia (khoảng 16 triệu lượt), vươn lên vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam Á, sau Thái Lan, Malaysia và Singapore. Mức tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam (tăng 16,2%) cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực: Thái Lan (tăng 3,9%), Indonesia (tăng 7%), Singapore (tăng 1,9%), Malaysia (tăng 3,7%).

Kết quả trên là sự tổng hòa của nhiều điều kiện. Sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, phong phú với nhiều loại hình phù hợp với những đối tượng khách khác nhau như du lịch biển đảo nghỉ dưỡng, sinh thái cộng đồng, mạo hiểm, đô thị, MICE… Sự đa dạng hoá dịch vụ không những đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách du lịch, mà còn thu hút được nhiều đối tượng tham gia cung ứng các loại sản phẩm, giải quyết được nhiều việc làm, tăng lợi ích kinh tế cho các nhà đầu tư, địa phương và đất nước.

Có lẽ là một may mắn, khi trong thách thức của dịch bệnh, Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan, trở thành điểm đến an toàn trong con mắt du khách quốc tế. Song hành với đó là tiềm năng còn bỏ ngỏ của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Đặc biệt là mô hình second home – ngôi nhà thứ 2, đang được đánh giá là tiềm năng vô cùng to lớn của Việt Nam. Theo thống kê của trang báo Telegraph (Anh), Việt Nam lọt Top 20 thị trường “ngôi nhà thứ hai” mới nổi. Về mức giá, Việt Nam xếp thứ 3 trong danh sách các thị trường hấp dẫn có giá trung bình trên 500.000 bảng (khoảng 635.000 USD), sau Kenya và Slovenia.

Mô hình nghỉ dưỡng (Timeshare) lần đầu tiên phát triển tại Pháp vào những năm 1960. Trong 20 năm sau đó, loại hình này bắt đầu lan sang Mỹ và các quốc gia khác, được giới nhà giàu, quý tộc, thượng lưu sở hữu với mục đích nghỉ dưỡng.

Sau đó, loại hình này phát triển thêm ra nhiều nước trong đó có châu Á và hình thành khái niệm second home (ngôi nhà thứ 2) với đa dạng sản phẩm – hình thức hơn như: Căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa) hay nhà phố thương mại (shophouse)…

So với Phuket (Thái Lan), Bali (Indonesia) hay các vùng biển Nam Âu, thị trường second home Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn sơ khởi. Cụ thể, tổng số bất động sản nghỉ dưỡng cả nước là 66.000 đơn vị. Con số này chỉ bằng một nửa so với 120.000 đơn vị nghỉ dưỡng tại Phuket, Thái Lan.

Đó là những điều kiện cần và đủ để Việt Nam đẩy mạnh phát triển thị trường second home. Đặc biệt, với độ an toàn cao trong việc phòng chống đại dịch Covid-19, chúng ta đang đứng trước cơ hội “vàng” để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào du lịch, nhất là sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng second home. Nhưng, có một sự thật mà các chuyên gia cũng như giới quản lý phải thừa nhận, các thủ tục đầu tư của Việt Nam vẫn còn nhiều vướng mắc, sự chồng chéo của các bộ luật, cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng đều, cũng như “khe cửa hẹp” của Luật Đầu tư đang khiến những dòng vốn tiềm năng bị “nghẽn” trước “ngưỡng cửa” pháp lý.

 

Mức độ tăng trưởng khách du lịch của Việt Nam so với một số quốc gia trong khu vực – năm 2019

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, một người có nhiều năm nghiên cứu và tâm huyết với bất động sản, đặc biệt là bất động sản du lịch, đã chia sẻ câu chuyện cá nhân, về việc chính gia đình ông cũng vướng phải những phiền hà, rắc rối không đáng có khi mua một căn chung cư ở Thụy Khuê cách đây nhiều năm. Sau 2 năm vào ở, các hộ dân vẫn chưa được cầm trên tay cuốn sổ đỏ, thứ mà đáng lẽ chỉ sau vài tháng họ có quyền được cấp. Mặc dù đáp ứng đầy đủ các điều kiện về PCCC, các loại chi phí đã nộp đủ và tòa nhà cũng không bị thế chấp ngân hàng, nhưng cư dân vẫn không được cấp sổ đỏ. Để rồi, các hộ dân lại phải tự xoay sở, chạy chọt làm riêng hoặc chi thêm tiền để có được sổ.

Chỉ một sở hữu bất động sản cá nhân đã gặp phải những vướng mắc, trì trệ, phiền hà đến vậy, thì câu chuyện về thủ tục đầu tư các dự án lớn sẽ còn rắc rối, tốn kém và kéo dài đến thế nào. Và, đó chính là nút thắt, điểm nghẽn lớn nhất cản trở các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi dòng vốn nước ngoài đang đóng vai trò quan trọng thúc đẩy, hồi sinh nền kinh tế.

VIỆT NAM VÀ VỊ THẾ NIỀM TIN TRÊN TRƯỜNG DU LỊCH QUỐC TẾ

PV: Trong bối cảnh ngành du lịch đã phải “ngủ đông” dài ngày do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều chuyên gia cho rằng nên cởi mở hơn trong huy động dòng vốn đầu tư nước ngoài. Nhất là khi du lịch Việt Nam đang được đánh giá cao, sở hữu nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển bất động sản du lịch, đặc biệt là với mô hình second home – ngôi nhà thứ 2. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào, thưa luật sư?

Luật sư Trương Thanh Đức

Trương Thanh Đức: Việt Nam đã tạo được niềm tin rất lớn với thị trường du lịch quốc tế. Và sau giai đoạn dịch bệnh này, chúng ta càng có sự tự tin hơn nữa để trở thành điểm đến tin cậy cho khách quốc tế cũng như giới đầu tư.

Câu chuyện phát triển thương hiệu rất quan trọng. Ví dụ như Vingroup, Sun Group hay CEO Group…, hầu hết các sản phẩm của những tập đoàn này khi mở bán đều nhanh chóng hết hàng, không chỉ ở các khu vực trung tâm mà tại các tỉnh vùng ven, dự án của những tập đoàn này đều có thanh khoản tốt, sức hấp thụ lớn. Hay như với dòng sản phẩm condotel, officetel… của những thương hiệu lớn, dù ở vị trí nào thì đều hấp dẫn nhà đầu tư và khách du lịch.

Bên cạnh yếu tố thương hiệu thì cũng có nguyên nhân nữa là nhu cầu du lịch trong nước hiện nay đã thay đổi. Ngày xưa, mỗi năm được đi du lịch Đồ Sơn một lần đã là “sang” lắm rồi, thì nay, khách du lịch không chỉ tăng về tần suất “xê dịch” mà còn thay đổi về chất, tới khu nghỉ dưỡng 5 sao, đi resort cao cấp. Vậy để thấy, trước sự chuyển dịch về thói quen tiêu dùng thì dịch vụ du lịch cũng cần thay đổi, cần tăng trưởng về chất để phục vụ khách du lịch trong nước, rồi mới tới câu chuyện đáp ứng nhu cầu của du khách nước ngoài.

Nhìn rộng ra, chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn khi có được những nhận định tốt trên trường quốc tế. Ví dụ như năm 2019, du lịch Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019” do World Travel Awards bình chọn và là “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019″… Vì vậy, không có lý do gì mà chúng ta không mở rộng cửa đón dòng vốn đầu tư nước ngoài đang chờ ngoài kia, để gia tăng về chất lượng dịch vụ, đáp ứng lượng khách quốc tế tăng trưởng mạnh mẽ hằng năm.

PV: Vậy đâu là điểm tựa cho niềm tin đẩy mạnh phát triển du lịch trong bối cảnh quốc tế và trong nước đều đang rất “cẩn trọng”, thưa ông?

Trương Thanh Đức: Ở thời điểm hiện tại, chúng ta không có nhiều khách nước ngoài. Vậy thì cần dựa vào nguồn khách nội địa với nhu cầu du lịch cũng khá lớn.

Có quan điểm cho rằng, khách quốc tế sẽ “chịu chi” hơn. Theo tỷ lệ tương đối thì chi tiêu của khách nước ngoài cao hơn khách nội địa, tính bình quân trên đầu khách, vì khách quốc tế có tiềm lực kinh tế tốt, ở khách sạn cao cấp, trong khoảng thời gian dài. Nhưng nếu tính cụ thể, khách nước ngoài tới Việt Nam trong năm 2019 đạt trên 18 triệu lượt, còn khách trong nước gấp gần 5 lần, thì số tuyệt đối chi tiêu của khách trong nước lại lớn hơn.

Ngay như đến bản thân tôi ngày trước, vài năm mới đi du lịch một lần, thì nay, mỗi năm trong nước cũng phải đi vài lần. Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà các bạn trẻ ngày nay cũng thế, nhu cầu xê dịch rất lớn, nhất là trong điều kiện thuận lợi về giá vé, về các dịch vụ lưu trú… như hiện nay.

Tâm lý người tiêu dùng đã thay đổi, sẵn sàng “rút hầu bao” để đi chơi, đó chính là động lực để phát triển xã hội và cũng là điểm tựa để tin rằng, du lịch Việt Nam còn nhiều dư địa, cơ hội để phát triển, bứt phá. Đặc biệt là sau cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, Việt Nam càng có vị thế tốt hơn với thế giới trong việc đảm bảo an toàn, là điểm đến đáng tin cậy.

PV: Đánh giá về vai trò của dòng vốn đầu tư nước ngoài, có ý kiến cho rằng sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài sẽ tạo nhiều tác động tích cực cho thị trường, hơn hết là đến thói quen đầu tư của nhà đầu tư trong nước. Luật sư có đồng tình với quan điểm này?

Trương Thanh Đức: Có một điều đáng ngại là nhiều nhà đầu tư Việt Nam vẫn chọn cách đầu tư lướt sóng, “tay không bắt giặc”, nên khi dự án bị chậm tiến độ thì dẫn đến việc xảy ra nợ xấu, nhà đầu tư có thể phải cắt lỗ, phát sinh kiện cáo… vì không thu được lợi nhuận như kỳ vọng.

Mặt khác, trong cơn sốt đầu tư condotel của một vài năm trước, nhiều chủ đầu tư lại cam kết lấy được “bảo đảm lợi nhuận” để thu hút vốn. Nhưng ở góc độ người bỏ tiền đầu tư, người mua cần phải lường trước cả tình huống không thuận lợi thì sẽ ra sao. Nhà đầu tư nào cũng mong thu lời, lợi nhuận cao, nhưng đôi khi vẫn xảy ra tình trạng thua lỗ do các yếu tố khách quan. Ví dụ như dịch bệnh vừa qua, đã có không ít các doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản, đó là điều khó mà tránh khỏi.

Nhà đầu tư trong nước cơ bản đang có tư duy đầu tư “ăn xổi”, lướt sóng, mua bán sang tay để ăn chênh lệch. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài không thiên về ăn chênh hay muốn sở hữu lâu dài, mà họ muốn kinh doanh sinh lời, tìm cách phát triển bất động sản khi đã sở hữu để mang lại lợi nhuận. Đây là một sự khác biệt lớn. Tâm lý đầu tư kinh doanh như vậy sẽ tốt hơn cho thị trường, kích thích sự sôi động và hiệu quả của thị trường.

Bởi vậy, tôi đồng tình với quan điểm đẩy mạnh thu hút dòng vốn ngoại. Sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp thay đổi thói quen đầu tư trong nước. Nhất là trong thời điểm chúng ta vừa hứng chịu một “cơn bão lớn” như Covid-19, thì làn sóng đầu tư mới với những thói quen khác biệt, sự chuyên nghiệp trong câu chuyện quản lý cũng như khai thác, sẽ mang tới động lực phát triển rất tốt.

SỚM THÁO NÚT THẮT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH ĐỂ HÚT KHÁCH

PV: Song song với những tiềm năng, lợi nhuận có thể thấy rõ thì nhiều nhà đầu tư vẫn còn bày tỏ sự e ngại, đặc biệt là về vấn đề pháp lý, điều kiện sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Vậy theo luật sư, chúng ta nên tháo gỡ nút thắt ấy như thế nào?

Trương Thanh Đức: Có hai nút thắt chính. Đầu tiên là thủ tục liên quan đến đầu tư, tại sao lại khó, chậm? Nhìn vào một minh chứng rõ ràng nhất là thị trường bất động sản TP.HCM thời gian qua, nơi đây vốn là địa phương có nhu cầu rất lớn về bất động sản, nhưng trong năm 2019 chỉ khởi công được 1, 2 dự án mới. Điều này đã dẫn tới sự khan hiếm nguồn cung, kéo theo sự tăng giá không ngừng của bất động sản nơi này.

Để hoàn thành một dự án bất động sản tối thiểu phải mất từ 4 – 5 năm, ngoại trừ một số chủ đầu tư, tập đoàn lớn có uy tín với tốc độ xây dựng nhanh, đúng tiến độ. Như vậy, vấn đề thủ tục hành chính cần phải thông thoáng hơn, linh động hơn thì mới có hy vọng thị trường sẽ diễn biến tích cực. Còn nếu cứ “ém” hồ sơ đến vài tháng hay cả năm trời thì ách tắc sẽ ngày càng lớn.

PV: Đó mới chỉ là các vướng mắc về thủ tục hành chính. Vậy nút thắt thứ hai trong câu chuyện thu hút đầu tư nước ngoài vào second home là gì thưa ông?

Trương Thanh Đức: Sau câu chuyện về vướng mắc thủ tục hành chính thì quan trọng hơn là chuyện cam kết. Khi nhà đầu tư đã bỏ tiền đầu tư rồi thì liệu cam kết trong chuyện bảo vệ nhà đầu tư có được thực hiện, từ chuyện cấp sổ đỏ đến đảm bảo quyền lợi khi dự án trong thời gian hoạt động hay quyền lợi khi không may xảy ra sự cố.

Thực tế, luật quy định rõ sau 50 – 60 ngày phải làm thủ tục cấp sổ đỏ, nhưng cho đến giờ phút này, vẫn còn rất nhiều dự án đã vài năm mà chưa cấp xong. Và nếu cứ tiếp tục tình trạng như vậy, e rằng chúng ta sẽ “mất khách”. Chỉ khi có những thay đổi, chuyển biến thực sự, có bảo đảm về cam kết quyền lợi thì mới có thể thay đổi quan điểm của nhà đầu tư.

PV: Liệu có thể tháo gỡ nút thắt ấy không, thưa luật sư?

Trương Thanh Đức: Tiềm năng, nhu cầu thị trường rất lớn là điều rõ ràng. Và chắc chắn chúng ta cần tháo gỡ vướng mắc để tận dụng cơ hội “vàng” trong việc thu hút đầu tư, phát triển.

Chúng ta cần có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thủ tục hành chính, về hành lang pháp lý. Đối với những lo ngại khi cấp quyền sở hữu bất động sản cho nhà đầu tư nước ngoài, tôi cho rằng, vấn đề mấu chốt là chúng ta phải quản lý bằng quy hoạch, bằng sự kiểm soát. Ví dụ, trong khuôn viên sở hữu bất động sản cá nhân có thể làm bất kỳ điều gì mà pháp luật không cấm. Nhưng tất nhiên phải kiểm soát. Nhà quản lý phải nắm được cư dân trong khu vực họ quản lý đang làm gì. Còn đối với cả một khu vực, thì phải có phân chia, kiểm soát, đâu là an ninh hàng không, đâu là an ninh quốc phòng, an ninh biển đảo… Như vậy mới là kiểm soát thực sự.

Còn suy cho cùng, dù thuộc sở hữu của ai thì bất động sản sẽ vẫn ở nguyên vị trí đó. Nếu chúng ta có phương pháp để vẫn khai thác tốt, mang lại nguồn lợi kinh tế, đồng thời vẫn quản lý được thì nên cởi mở trong việc đầu tư, sở hữu.

CẦN ĐỊNH NGHĨA LẠI KHÁI NIỆM SỞ HỮU BẤT ĐỘNG SẢN

PV: Như ông vừa nhắc đến, chúng ta cần quan tâm hơn tới câu chuyện quy hoạch, kiểm soát thay vì băn khoăn cho sở hữu hay cấm sở hữu bất động sản đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trên thực tế có thể thấy, nhiều quốc gia trong khu vực khá cởi mở đối với nhà đầu tư nước ngoài trong việc sở hữu bất động sản, ví dụ như Malaysia hay Singapore… Liệu đây có thể là kinh nghiệm mà Việt Nam nên tham khảo, thưa ông?

Trương Thanh Đức: Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng những giải pháp đi trước của các quốc gia đó để cho phép người nước ngoài mua biệt thự, sở hữu bất động sản thay vì chỉ lo sợ rằng sẽ không quản lý được. Nhưng trước hết, để làm như vậy, chúng ta phải định nghĩa lại về khái niệm cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu bất động sản. Đó là đầu tư kinh doanh, gọi người ta vào để phát triển những lĩnh vực ngành nghề liên quan, tạo công ăn việc làm, mang tới lợi nhuận, phát triển hạ tầng du lịch…

Hãy lấy Singapore làm ví dụ. Một quốc gia có diện tích vỏn vẹn 721km2 nhưng họ cho phép người nước ngoài được mua hầu hết các sản phẩm bất động sản là nhà ở, bất động sản không phải là nhà ở (du lịch, văn phòng…). Chính phủ Singapore chỉ không cho người nước ngoài mua nhà xã hội và một số sản phẩm đặc thù hữu hạn khác. Vậy, Việt Nam với hơn 3.200km đường bờ biển, đất đai ở nhiều khu vực vùng sâu vùng xa vẫn còn thưa thớt dân cư thì chúng ta hoàn toàn có thể cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu bất động sản để khai thác, mang lại lợi nhuận.

Về tổng thể, cần đẩy mạnh hơn, khuyến khích hơn dòng vốn đầu tư cá nhân nước ngoài, cho phép người nước ngoài sở hữu sản phẩm bất động sản du lịch trong bối cảnh nguồn cung của chúng ta đang tốt. Tuy nhiên, vẫn cần cân đối, phải để lại một tỷ lệ nhất định bãi biển công cộng cho người dân hay tối thiểu là 0,5km lối ra vào cho ngư dân, cho bà con đi dạo, chứ đừng phân đất chia lô rồi bán hết như một số địa phương trong thời gian qua. Đến giờ, sau khi sửa sai thì đã đỡ đi một chút. Nhưng đó là bài học kinh nghiệm của xây dựng không có tầm nhìn, không có quy hoạch, làm theo cảm tính.

Rồi thêm vào đó là chuyện phải đảm bảo được an ninh môi trường, an toàn… Xây bao nhiêu cũng được, cao thấp ra sao là do thị trường quyết định, nhưng phải đạt được tiêu chuẩn nhất định, đảm bảo quy hoạch và quy định PCCC.

Ví dụ như ở Nhật Bản, họ cho người nước ngoài mua bất động sản thoải mái, không phân biệt… Tôi nghĩ rằng, họ không mất thêm nhiều công sức để quản lý mà bản chất trước quản thế nào thì nay vẫn thế mà thôi. Thực chất, quản lý người nước ngoài dễ hơn trong nước vì họ là những đối tượng có trình độ văn hóa và kiến thức cao. Hơn nữa, người nước ngoài khi đã mang tiền đi đầu tư thì sẽ hướng vào phân khúc trung, cao cấp trở lên. Vì thế, nếu có cho phép người nước ngoài mua bất động sản thì cũng không sợ không còn nhà để bán cho người nghèo, mà ngược lại sẽ có nhiều nhà hơn bởi thu được tiền, có ngân sách để xây dựng NƠXH hay làm những việc khác giúp kinh tế phát triển. Chỉ có sự phát triển mới giải quyết được vấn đề cho người nghèo.

Với bất động sản nghỉ dưỡng, cần có quy hoạch cụ thể, chi tiết, tỷ lệ như thế nào, vị trí ra sao để tránh gặp phải tình trạng ngột ngạt, chen chúc, không có khu vui chơi giải trí, không có không gian công cộng… Lúc ấy lại tắc hơn, thậm chí có nguy cơ phải phá bớt công trình đi, trả giá cho việc phá vỡ quy hoạch. Đó chính là bức tranh cho thấy, nếu không sớm quy hoạch thì chúng ta rất dễ rơi vào “vũng lầy”. Mà để sửa sai đối với các sản phẩm condotel hay bất động sản du lịch là một câu chuyện rất khó, vì đó là hàng chục tầng cao.

PV: Một câu chuyện được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chia sẻ là họ gặp phải những khó khăn về thủ tục cấp mới, gia hạn visa. Quan điểm của luật sư về vấn đề này thế nào?

Trương Thanh Đức: Quy định về visa của chúng ta đang… quá lạc hậu. Có hai lý do, thứ nhất là bám lấy suy nghĩ ảo tưởng rằng, phải quản chặt, không dễ dàng cho ra vào. Thực chất, ra vào không quan trọng bằng kiểm soát. Người ta vào rồi làm gì, phải kiểm soát được điều này. Thực tế nhiều quốc gia còn miễn visa cơ mà.

Thứ hai là nguồn thu. Chúng ta trông chờ vào các khoản thu từ gia hạn, cấp lại visa. Nhưng thực tế thì chẳng được bao nhiêu. Tại sao không tư duy rằng, thay vì mất thời gian để làm thủ tục, kê khai các loại giấy tờ thì hãy để khách du lịch đi chơi, chi tiêu mua sắm… có lẽ còn thu được nhiều hơn.

PV: Vậy chúng ta nên sửa đổi quy định quản lý visa theo hướng nào? Đã có đề xuất rằng nên cấp thời hạn visa theo thời hạn sở hữu bất động sản. Luật sư có đồng tình với phương án này?

Trương Thanh Đức: Về đề xuất cấp visa theo thời hạn sở hữu bất động sản, theo tôi như thế vẫn là quá chặt. Có thể nới lỏng nữa vẫn được. Vấn đề mấu chốt là kiểm soát được an ninh, kiểm soát được các hoạt động việc làm, đầu tư, còn lại đều nên cho phép. Chúng ta vẫn có những cơ chế từ phạt tiền cho tới bỏ tù những đối tượng vi phạm. Vậy thì câu chuyện thắt chặt là nên thắt chặt ở chỗ đó. Ví dụ như trước đây vứt rác không sao, nay có thể tăng mức phạt về tài chính để không chỉ “đánh” vào ý thức mà còn “đánh” vào kinh tế.

Với hệ thống an ninh quốc phòng như hiện nay cùng sự hỗ trợ của công nghệ thì theo tôi, quản lý thêm một hay nhiều nhóm nhà đầu tư nước ngoài như trên không phải là vấn đề quá lớn.

Chúng ta phải thay đổi quan điểm về câu chuyện thu hút thực sự, tạo điều kiện thuận lợi, tạo tâm lý thoải mái cho nhà đầu tư, còn quản thì sẽ quản bằng cách khác. Tất cả đều có thể kiểm soát bằng kỹ thuật công nghệ, nên thay vì lo quản, chúng ta hãy tư duy làm sao để thu hút tối đa nguồn vốn đầu tư.

Ngoài ra, một trong những tương lai phải tính đến là du lịch trong nước làm sao phải rẻ hơn nước ngoài, chứ hiện giờ vẫn đang đắt hơn vì không kết hợp được sản phẩm, không cộng tác, liên kết được với nhau để giảm giá mà chỉ vì lợi ích cục bộ, “đèn nhà ai nhà nấy rạng”… Lẽ ra, nên cùng hợp tác tạo chuỗi lợi ích để cùng hưởng lợi, phát triển nhanh, thu được nhiều hơn.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

 Lương Kim (thực hiện) – Thiết kế: Thế Côn

—————————–

Bất động sản (Tiêu điểm) 15-5-2020:

http://reatimes.vn/second-home-thao-nut-that-phap-ly-mo-co-hoi-don-dong-tien-20200508153602562.html

(2.977/4.356)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,755