(PL) – Được giao 2,9ha đất vàng để làm bệnh viện nhưng chủ đầu tư đã cầm cố ngân hàng lấy tiền “sài” còn khu đất thì bị bỏ hoang hơn 16 năm nay.
Ba lần mang đất dự án bệnh viện đi thế chấp ngân hàng
Theo hồ sơ phóng viên có được, từ năm 2005, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Đặng Trần (gọi tắt là Công ty Đặng Trần) đã nộp hồ sơ xin tham gia xã hội hoá đầu tư xây dựng bệnh viện trong khu dân cư 174ha tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 (nay là TP Thủ Đức), TP HCM.
Đến năm 2006, UBND TP HCM chấp thuận chủ trương và giao 3,2ha “đất sạch” cho Công ty Đặng Trần xây dựng bệnh viện. Chủ đầu tư sau đó đã nộp 24,7 tỷ đồng tiền sử dụng đất vào ngân sách.
Do trừ lộ giới đường, diện tích thực tế của dự án thể hiện trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là GCNQSDĐ) là 2,9ha. Sở Tài chính sau đó đã hoàn trả 2,5 tỷ đồng cho Công ty Đặng Trần.
Đến tháng 7/2008, Công ty Đặng Trần đổi tên thành Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Tín (gọi tắt là Công ty Việt Tín).
Đến tháng 2/2009, UBND TP HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Việt Tín để đầu tư xây dựng dự án Bệnh viện Đa khoa Ngọc Tâm.
Khu đất thực hiện dự Bệnh viện Ngọc Tâm vẫn đang bỏ hoang sau 16 năm được chủ đầu tư được giao đất.
Theo Giấy chứng nhận đầu tư có nội dung nêu rõ: “Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư có quyền quyết định chấm dứt hoạt động của dự án trong trường hợp dự án triển khai chậm tiến độ quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án quy định tại giấy chứng nhận đầu tư này …”
Thủ tướng chỉ đạo rà soát dự án treo, ôm đất bỏ hoang gây lãng phí đất đai
Cụ thể, ngày 8/2/2022, tại Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) khẩn trương lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan về đề xuất phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, tổng hợp, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trước ngày 15/2, đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội, nghiêm cấm lợi ích nhóm, các hành vi tiêu cực, tham nhũng về đất đai.
Theo báo cáo của Sở TNMT thì sau khi hoàn chỉnh thủ tục pháp lý, chủ đầu tư dự án Bệnh viện Đa khoa Ngọc Tâm chỉ thi công phần ép cọc rồi tạm dừng, hiện vẫn thực hiện thêm bất kỳ hạng mục nào khác.
Chính vì lý do trên, sau đó, Công ty Việt Tín đã dùng quyền sử dụng 2,9ha đất dự án bệnh viện trên để góp vốn với Công ty Cổ phần Bệnh viện Ngọc Tâm (gọi tắt là Công ty BV Ngọc Tâm) với giá trị góp vốn là 105 tỷ đồng.
Đến năm 2012, Công ty Việt Tín đã chuyển nhượng toàn bộ dự án bệnh viện trên (gọi tắt là Dự án Bệnh viện Ngọc Tâm) cho Công ty Ngọc Tâm với giá chuyển nhượng là 0 đồng.
Do Dự án Bệnh viện Ngọc Tâm được chuyển nhượng cho đơn vị mới nên tháng 12/2012, dự án này đã được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần 1 chứng nhận dự án thay đổi nhà đầu tư do chuyển nhượng và tiến độ dự án được gia hạn làm 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 đến tháng 6/2014 và giấy chứng nhận đầu tư mới cũng quy định trường hợp dự án triển khai chậm tiến độ quá 12 tháng thì cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định chấm dứt dự án.
Đáng chú ý, theo nội dung báo cáo của Sở TN&MT thì trong giấy quyền sử dụng đất số AI 334094 của khu đất thực hiện dự án Bệnh viện Ngọc Tâm chỉ ghi nội dung về nguồn gốc đất là “Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất”. Trong khi đó phải ghi đầy đủ về nguồn gốc sử dụng đất là “Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn”.
Vì sự “mập mờ” trên, sau khi được nhận chuyển nhượng Dự án Bệnh viện Ngọc Tâm, Công ty BV Ngọc Tâm đã 3 lần thế chấp cho ngân hàng Sacombank – Chi nhánh Bình Thạnh với tổng số tiền của 3 lần là 273 tỷ đồng.
Cụ thể, tháng 4/2014, công ty đã thế chấp quyền sử dụng đất dự án với số tiền 150 tỷ đồng. Tháng 11/2014, Công ty BV Ngọc Tâm tiếp tục thế chấp với số tiền 55 tỷ đồng. Tháng 5/2016, công ty này tiếp tục thế chấp quyền sử dụng đất dự án với số tiền 68 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thông tin về việc 3 lần đem thế chấp quyền sử dụng đất dự án tại Ngân hàng Sacombank không được chủ đầu tư cung cấp trong quá trình làm việc kiểm tra dự án mà đoàn kiểm tra chỉ biết khi trích lục thông tin từ Văn phòng đăng ký đất đai TP HCM.
Kiến nghị thu hồi dự án
Theo kết quả kiểm tra hiện trạng dự án của tổ công tác Sở Kế hoạch và Đầu tư ( gọi tắt là Sở KH&ĐT) cùng UBND quận 2 nhận thấy, dự án Bệnh viện Ngọc Tâm hiện là bãi đất trống, chỉ có một số cọc bê tông đã ép, ngoài ta chưa triển khai bất kỳ hạng mục công trình nào khác.
Công ty BV Ngọc Tâm sau đó kiến nghị xin rút ngắn thời gian thực hiện dự án từ 4,5 năm xuống còn 18 tháng. Tuy vậy, Sở KH&ĐT cho rằng, chủ đầu tư xin rút ngắn tiến độ dự án nhưng không làm rõ tính khả thi và không cung cấp các tài liệu chứng minh. Do đó, không có cơ sở để xem xét.
Theo đó, Sở KH&ĐT đã có ý kiến nêu rõ: Đối chiếu với quy định pháp luật hiện hành thì đã có đủ điều kiện để thực hiện chấm dứt hoạt đồng dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Đề nghị UBND TP xe xét có ý kiến chỉ đạo việc chấm dứt hoạt động của dự án Bệnh viện Ngọc Tâm.
Cùng với đó, qua thanh tra dự án, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (gọi tắt là Sở TN&MT) TP HCM cũng cho rằng, Công ty Đặng Trần được giao đất để đầu tư xây dựng bệnh viện nhưng không thực hiện mà góp vốn bằng quyền sử dụng đất và sau đó chuyển nhượng dự án. Điều này thể hiện Công ty Đặng Trần không có năng lực thực hiện dự án.
Dự án chậm tiến độ 5 năm, sau khi được gia hạn sử dụng đất 24 tháng nhưng vẫn chậm tiến độ so với thời gian gia hạn. Đồng thời, Công ty BV Ngọc Tâm đã 3 lần thế chấp quyền sử dụng đất dự án cho ngân hàng nhưng vẫn không triển khai, thể hiện không thực sự có ý định thực hiện dự án.
Sở TN&MT TP HCM kiến nghị thu hồi đất và cấm giao dịch liên quan đến khu đất dự án Bệnh viên Ngọc Tâm.
Tại kết luật của Sở TN&MT nêu rõ: “Căn cứ theo quy định của Luật đầu tư 2014, Dự án Bệnh viện Ngọc Tâm thuộc trường hợp phải chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.”
Theo đó, ngoài kiến nghị UBND TP HCM thu hồi dự án, Sở TN&MT còn kiến nghị rõ: Công ty BV Ngọc Tâm không thực hiện các giao dịch liên quan đến khu đất 2,9ha của dự án.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, quỹ đất để phát triển hạ tầng phúc lợi thì ngày càng eo hẹp, trong khi diện tích đất để hoang hóa lại lên đến hàng triệu mét vuông. Điều này đang cho thấy những bật cập rất lớn trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị, trực tiếp bóp nghẹt nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Hàng nghìn người dân sống trong khu vực bị thu hồi đất để thực hiện dự án đời sống của họ vô cùng thiếu thốn. Các bãi đất hoang ngay tại các trung tâm thành phố lớn đang tạo nên một bức tranh đô thị xấu xí, thiếu đồng bộ.
“Luật Đất đai, Luật Đầu tư đều có quy định thời hạn thực hiện dự án, quá thời hạn, chậm tiến độ sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên, cần thống nhất và đồng bộ các quy định pháp luật về thời hạn thu hồi đất đối với các dự án chậm triển khai, không triển khai hay triển khai sai quy hoạch. Khi luật được thống nhất, cơ quan quản lý mới dễ dàng thực hiện các bước tiếp theo trong công tác thu hồi. Bên cạnh đó là việc giải quyết các dự án “treo” thì bài toán hậu thu hồi dự án và tính nghiêm minh trong thực thi của các cơ quan quản lý”.
– Luật sư Trương Thanh Đức trao đổi trên VOV
Hiếu Nguyễn – Bảo Hà
——————————
Pháp luật Plus (Điều tra bạn đọc) 09-3-2022:
(261/1.676)