(KTĐT) – Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tăng nợ xấu, làm chậm tiến độ xử lý. Bên cạnh đó, văn bản quy định pháp luật chưa hoàn thiện, nhiều văn bản chưa hỗ trợ việc xử lý, thu hồi nợ. Trong khi đó, thị trường hoạt động mua, bán nợ vận hành chưa hiệu quả.
Nợ xấu phình to, các vướng mắc lớn chờ giải quyết
Tính đến cuối tháng 8/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 1.300 nghìn tỷ đồng nợ xấu; trong đó, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 (về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng) đến 31/8/2021 là 424,1 nghìn tỷ, đã xử lý được 364,1 nghìn tỷ đồng kể từ 15/08/2017 – 31/08/2021.
Dù vậy, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9% (tăng 0,21 điểm % so với cuối năm 2020), nếu tính thêm nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) con số này là 3,9%. Tỷ lệ nợ xấu gộp tăng mạnh từ mức 5,1% cuối năm 2020 lên mức 7,31% cuối năm 2021 và gần tương đương với con số cuối năm 2017 (7,4%) – cũng là năm mà Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực.
Ảnh minh hoạ
2 năm gần đây, dịch Covid 19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, khó khăn của DN sẽ kéo theo khó khăn của các ngân hàng, và dự kiến nợ xấu tăng lên trong thời gian tới. “Thời gian qua, NHNN đã ban hành 3 Thông tư 01, 03, 14 quy định về cơ cấu nợ, giãn nợ. Trên 600.000 tỷ đồng đã được cơ cấu nợ, nhưng đây mới chỉ là số liệu bước đầu. Sang năm 2022, con số này sẽ còn lên cao nữa, bởi dư nợ bị ảnh hưởng do dịch bệnh lên tới hơn 3 triệu tỷ đồng. Và bản chất nợ được cơ cấu là nợ xấu” – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Phó Trưởng phòng Công nợ Vietcombank Vũ Minh Phương cũng thừa nhận, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nợ xấu của ngân hàng tăng lên nhanh chóng, trong khi tiến độ xử lý chậm và hiệu quả thu hồi nợ lại giảm. Đơn cử như biện pháp thu giữ tài sản đảm bảo (TSĐB), ngân hàng mới chỉ áp dụng biện pháp thu giữ là khu đất trống hoặc động sản để xử lý nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết 42. Với bất động sản là nhà ở mà chủ tài sản đang sinh sống, ngân hàng chưa thể áp biện pháp này do khách hàng, chủ tài sản bất hợp tác trong việc xử lý tài sản bảo đảm.
Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, việc thu giữ được tài sản thế chấp chỉ có thể thực hiện khi người đang giữ tài sản đồng ý giao do Điều 301 về “Giao TSĐB để xử lý” của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định, trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Tuy vậy, Điều 8 của Nghị quyết chưa quy định cơ chế bắt buộc/đương nhiên áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSĐB tại toà án khi đủ điều kiện.
Về hoạt động mua bán nợ, tại Nghị quyết 42 có quy định về bán nợ theo giá thị trường có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc. Nhưng việc bán nợ dưới giá trị sổ sách gặp phải những đánh giá không mấy tích cực từ phía các cơ quan thanh tra, kiểm toán trong thời gian qua. “Riêng với trường hợp khoản nợ có vốn nhà nước, nếu bán nợ mà không định giá chính xác rất dễ dẫn đến nguy cơ mất vốn Nhà nước. Điều này ảnh hưởng rất lớn khả năng bán nợ của các tổ chức tín dụng và hoạt động của sàn giao dịch nợ” – ông Vũ Minh Phương phân tích.
Bên cạnh đó, đối tượng mà VAMC được giao dịch mua bán nợ là chỉ là nợ xấu nội bảng theo quy định tại Điều 6 Nghị quyết 42, trong khi nợ xấu ngoại bảng có nhu cầu mua bán nợ rất lớn. “Quy định này vô hình trung đã hạn chế sự tham gia của VAMC với nợ xấu ngoại bảng” – ông Vũ Minh Phương chia sẻ.
Hay như sàn giao dịch nợ xấu đã được thành lập nhưng đến nay cơ quan thẩm quyền (Bộ Tài chính) vẫn chưa có hướng dẫn về thẩm định giá trị khoản nợ. Khó khăn trong kế thừa nợ xấu, quy định về quyền chủ nợ… nên việc bán nợ trên sàn rất khó khăn. Ngoài ra lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho hay, việc bán nợ còn khó khăn ở chỗ chưa có quy định cụ thể về “sang tên” nợ xấu.
Luật hoá công cụ xử lý nợ xấu, tăng năng lực cho các ngân hàng
Các chuyên gia đánh giá, vấn đề nợ xấu và xử lý nợ xấu cực kỳ quan trọng, nếu không có biện pháp có thể dẫn đến sự nguy hiểm của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng và nền kinh tế nói chung. Đến ngày 15/8/2022, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực thi hành. NHNN đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Dự thảo đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 đến ngày 15/8/2025.
Tuy vậy các chuyên gia đều nhấn mạnh cần sớm luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan để ban hành Luật Xử lý nợ xấu, giúp khơi thông nguồn vốn phục vụ cho việc phục hồi và phát triển kinh tế.
“Trước tiên là giải quyết xung đột pháp luật; bổ sung cơ chế, chính sách pháp luật cần thiết. Đồng thời, cần đồng bộ hệ thống luật và các văn bản dưới luật về xử lý nợ xấu, nhằm giải quyết những vướng mắc phát sinh. Cần hoàn thiện chính sách xử lý nợ xấu theo hướng quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn, khả thi hơn và hợp lý nhất là nâng Nghị quyết 42 lên thành luật, để bảo đảm việc xử lý kịp thời, có hiệu quả nợ xấu”- luật sư Trương Thanh Đức bày tỏ.
Bên cạnh hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu, bản thân các ngân hàng thương mại cũng phải đưa ra chương trình tái cơ cấu. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, NHNN cần xác định mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại về tài chính hoạt động quản trị của tổ chức tín dụng theo hình thức, biện pháp và lộ trình phù hợp với đặc điểm cụ thể của mỗi tổ chức, phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững ổn định an toàn hệ thống. Tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu.
THẢO NGUYÊN
————————-
Kinh tế & Đô thị (Kinh 15-3-2022:
https://kinhtedothi.vn/xu-ly-no-xau-van-gian-nan.html
(212/1.327)