202. Doanh nghiệp chờ tháo vòng kim cô.

Doanh nghiệp chờ tháo vòng kim cô

Báo chí loan tin có 80 điều khoản của Bộ luật Hình sự 2015 sắp có hiệu lực có sai sót cần phải chỉnh sửa.
Doanh nghiệp chờ tháo vòng kim cô

Doanh nghiệp vừa mừng vừa lo khi Bộ luật Hình sự 2015 sắp có hiệu lực

Với bộ luật mới này, doanh nghiệp vừa mừng vừa lo. Chưa kịp hớn hở vì cổ được tháo tròng bởi 5 tội được đưa ra khỏi Bộ luật Hình sự mới, lại nơm nớp âu lo vì hàng tá tội danh khác được giăng ra và sắp có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây. Tức là bỏ được vòng trói nọ thì giăng thêm rọ chụp kia. Mà rọ mới xem chừng đều đánh trúng vào những hoạt động khá phổ biến của doanh nghiệp. Tỷ như hành vi đóng sai, đóng thiếu bảo hiểm xã hội. Hay như việc sa thải người lao động trái pháp luật.

Vốn dĩ quan hệ lao động là việc tự do giao kết dân sự. Người mua thỏa thuận cùng kẻ bán sức lao động về công việc có trả lương. Kỷ luật lao động hay sa thải sai trái gì cũng đều đã có các chế tài pháp lý hành chính, dân sự điều chỉnh.

Đúng hay sai, có hay không chịu phạt hay bồi thường cứ bám chặt vào hợp đồng lao động, nội quy lao động rồi thỏa ước lao động tập thể cũng như quy định rất cụ thể của Bộ luật Lao động và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Hà cớ gì phải đưa vào Luật Hình sự, mức phạt “nhẹ nhàng” thì tù 3 tháng, quá đáng thì tù 1 năm?

Một doanh nhân đọc Bộ luật Hình sự mới xong, toát mồ hôi hỏi luật sư: Sa thải lao động trái luật bị đi tù, thế công nhân tự ý bỏ việc trái luật, gây thiệt hại cho doanh nghiệp có bị đi tù không? Câu hỏi khó trả lời quá, chắc phải gửi đến những người soạn thảo Luật (!).Mà hậu quả để xem xét tội danh và mức hình phạt mang nặng định tính, như người bị sa thải, hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn. Bỏ tù ông chủ, cứ cho là đáng đời, nhưng hỡi ơi, không cẩn thận lại hóa khổ đời người lao động, vì không ai thuê mướn trả lương, khéo phải thất nghiệp ra đường.

Ấy là chuyện kinh doanh không khéo thì chỗ nào cũng có thể vướng vòng lao lý. Chẳng hạn, chuyện lo đủ điều kiện kinh doanh phải chạy chóng mặt vòng quanh nhưng nhiều khi đành bất lực. Mỗi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư năm 2014 tương ứng với một hoặc hàng chục điều kiện kinh doanhkhác nhau. Doanh nghiệp vẫn cứ phải răm rắp thực hiện hàng nghìn điều kiện kinh doanh đã trái, đang trái và sẽ tiếp tục đứng trước nguy cơ trái luật.

Có thể khẳng định rằng, tất cả các điều kiện kinh doanh chỉ được ban hành trong các thông tư đều là trái luật suốt 16 năm qua. Vì từ Luật Doanh nghiệp năm 1999, cho đến năm 2005 và hiện nay là Khoản 3, Điều 7 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện” của Luật Đầu tư năm 2014 đều khẳng định: Điều kiện kinh doanh chỉ được quy định trong các luật, pháp lệnh và nghị định, không được quy định trong các thông tư của bộ, các văn bản của chính quyền địa phương và các cơ quan khác.

Điều 7 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật Đầu tư năm 2014 quy định: Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4, gồm có 267 ngành, nghề. Tuy nhiên, tại thời điểm này, đã xuất hiện thêm ít nhất ngành, nghề kinh doanh thứ 268 là Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Chưa kể ngành, nghề kinh doanh được quy định trong nghị định, thậm chí ngay cả trong luật mà không có trong danh mục 268 ngành, nghề nêu trên cũng trở thành trái luật kể từ ngày 1/7 sắp tới. Thống kê sơ bộ cũng thấy có ít nhất 3.000 điều kiện kinh doanh trái Luật Đầu tư năm 2014, nhưng có lẽ nhiều hơn 4.000 điều kiện kinh doanh trái với 3 Luật Doanh nghiệp và nhiều điều kiện đã kéo dài trong suốt 16 năm nay.

Trong ma trận điều kiện kinh doanh hiện nay, cũng cần phải đặc biệt quan tâm xử lý để tránh tình trạng kiểu “ốc mượn hồn”, biến “Điều kiện kinh doanh” thành “Quy chuẩn kỹ thuật” để thêm ràng buộc doanh nghiệp một cách trái luật. Như việc bảo đảm “quy chuẩn kỹ thuật” đối với sản xuất MBH là đương nhiên, chứ mắc mớ gì phải quy định điều kiện “Kinh doanh MBH”.

Chỉ còn gần 2 tuần nữa là đến thời điểm cuối cùng khoảng 3.000 điều kiện đầu tư, kinh doanh trái luật đang được quy định trong các thông tư, quyết định mà không được quy định trong các nghị định sẽ hết hiệu lực thi hành theo Điều 7, Luật Đầu tư 2014.

Giảm bớt các điều kiện này đồng nghĩa với việc giảm dần sự can thiệp của các Bộ, ngành đối với nền kinh tế Việt Nam. Khối lượng công việc còn quá nhiều khi còn cả một rừng giấy phép con cần loại bỏ. Cộng đồng doanh nghiệp đang trông chờ vào quyết tâm của Chính phủ mới. Chỉ có cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch trong quản lý mới mang đến cơ hội và động lực mới để doanh nghiệp phát triển, đưa nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững.

 

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Giao thông (Thời sự – Xã hội) 18-6-2016:

http://www.baogiaothong.vn/doanh-nghiep-cho-thao-vong-kim-co-d154772.html

 

(1.014)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,965