204. Góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng: Nhiều quy định chưa rõ

(ĐBND) – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa gửi bản góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) soạn thảo. Từ ý kiến của doanh nghiệp, VCCI đã đề nghị làm rõ khá nhiều điểm được cho là chưa rõ và khó thực hiện.


Nguồn: vneconomy..vn

Nhiều khái niệm chưa rõ

Theo điều 2 Dự thảo, đối tượng áp dụng Thông tư là các tổ chức tín dụng; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, Giám đốc Công ty Luật ANVI Trương Thanh Đức lập luận: theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân. Theo đó, đối với mỗi loại hình tổ chức tín dụng thì việc góp vốn, mua cổ phần sẽ có những quy định khác nhau. Cụ thể, Luật Các tổ chức tín dụng cho phép ngân hàng thương mại (Điều 103) và công ty tài chính (Điều 110) được góp vốn, mua cổ phần. Trong khi đó, công ty cho thuê tài chính lại không được góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty con, công ty liên kết dưới mọi hình thức (Điều 115), đối với quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô thì không có quy định. Như vậy, không phải tổ chức tín dụng nào cũng được phép góp vốn, mua cổ phần. Ông Đức đề nghị Dự thảo Thông tư quy định rõ ràng hơn về đối tượng áp dụng.

Phó tổng giám đốc Thường trực Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam Trần Tấn Lộc cũng kiến nghị NHNN làm rõ khái niệm góp vốn, mua cổ phầnmua bán cổ phiếu trong Thông tư này. Việc mua bán cổ phiếu có phải là đầu tư danh mục vốn hay không? Trường hợp tổ chức tín dụng mua cổ phần của doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán thì được gọi là mua bán cổ phiếu hay là mua cổ phần hay là đầu tư danh mục vốn? Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành hoặc bút toán ghi sổ xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó. Như vậy tại sao NHNN lại tách việc mua bán cổ phiếu khác với mua cổ phần trong khi bản chất giống nhau?

Một điểm đáng lưu ý nữa là về điều kiện để tổ chức tín dụng được NHNN chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần dưới hình thức công ty con tại Việt Nam. Khoản 11 Điều 8 Dự thảo Thông tư quy định: Tổ chức tín dụng phải đảm bảo duy trì mức vốn pháp định, sau khi đã trừ khỏi vốn điều lệ phần vốn góp/vốn cổ phần tại công ty con, công ty liên kết (bao gồm cả phần góp vốn, mua cổ phần đang đề nghị được chấp thuận), cụ thể: vốn pháp định nhỏ hơn hoặc bằng vốn điều lệ trừ tổng vốn góp/vốn cổ phần tại công ty con và công ty liên kết. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 103 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, ngân hàng thương mại được dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần. Vì vậy, VCCI đề nghị Dự thảo Thông tư bổ sung vào công thức trên cả phần quỹ dự trữ. Ngoài ra, trong trường hợp các tổ chức tín dụng đã thực hiện việc góp vốn mua cổ phần trước ngày Thông tư này có hiệu lực mà chưa bảo đảm các điều kiện theo quy định tại Thông tư này (đặc biệt là điều kiện về vốn pháp định) thì giải quyết như thế nào, đề nghị Dự thảo Thông tư quy định rõ.

Điều kiện nào được lập công ty con?

Về hồ sơ đề nghị chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần dưới hình thức công ty con tại Việt Nam được quy định tại khoản 3, Điều 10, VCCI kiến nghị bổ sung trường hợp tổ chức tín dụng góp vốn, mua cổ phần của các công ty con đang hoạt động. Theo đó, Đề án mua bán cổ phần cần bổ sung thông tin liên quan đến tình hình hoạt động và tài chính của công ty con mà tổ chức tín dụng dự định mua cổ phần. Mặt khác, trường hợp tổ chức tín dụng góp vốn thành lập công ty con, thì Đề án nên quy định rõ vai trò trong quản trị điều hành của tổ chức tín dụng trong công ty con như thế nào. Một điểm nữa khiến ông Đức băn khoăn là trong Đề án góp vốn, mua cổ phần dưới hình thức công ty con phải có phương án kinh doanh dự kiến trong 03 năm kế tiếp kể từ thời điểm bắt đầu góp vốn. Bởi, theo ông Đức thực tế triển khai có thể không đúng với phương án dự kiến.

Ngoài ra, một trong những điều kiện để tổ chức tín dụng được NHNN chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần dưới hình thức công ty liên kết tại Việt Nam là trong thời hạn một năm trở về trước, tính từ thời điểm có đề nghị, không bị thanh tra NHNN xử phạt vi phạm hành chính dưới hình thức phạt tiền và phạt bổ sung”. VCCI cho rằng, quy định này có thể hiểu việc tổ chức tín dụng bị xử phạt vi phạm hành chính về bất kỳ hành vi nào cũng đều ảnh hưởng đến việc được cấp phép trong khi những vi phạm này có thể không liên quan hoặc tác động đến việc cấp phép, góp vốn mua cổ phẩn. Do đó, VCCI đề nghị Dự thảo Thông tư quy định có giới hạn về lĩnh vực bị xử phạt vi phạm hành chính.

Hải Dương

———————————————-

Đại biểu Nhân dân 06-08-2011

http://daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=219612

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.973. Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với...

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng. (CT) –...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,112