205. Ngân hàng tăng vốn: Nhìn từ VietABank

(KD) – Cuộc chạy đua tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP đến 31/12/2011 đã bộc lộ sai lầm khi hành vi sai trái của cổ đông chiến lược Ngân hàng TMCP Việt Á(VietABank) bị phanh phui.

Theo ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, lối suy nghĩ nền kinh tế Việt Nam sẽ không được có ngân hàng nhỏ với vốn điều lệ dưới 3.000 tỷ đồng đã bộc lộ những tiêu cực.

Cụ thể là sự chạy vòng giữa dòng vốn giữa các ngân hàng với nhau và chính ngân hàng đó xác nhận để cổ đông vay vốn ngân hàng để tăng vốn cho chính ngân hàng mình. Hiện tượng này đã xảy ra tình trạng tăng vốn ảo và dẫn đến tình trạng năng lực tài chính của các ngân hàng không tăng lên một cách thực chất.

Tăng vốn “ảo”?

Nếu nhìn vào thời điểm cầm cố cổ phiếu VietABank bị phong tỏa tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và thời điểm Công ty Việt Phương phải thanh toán tiền mua cổ phần là tương đối trùng nhau. Cụ thể, theo hợp đồng nguyên tắc phát hành cổ phần đã ký ngày 7/7/2011 giữa VietABank với Công ty Việt Phương và ông Phương Hữu Việt thì Công ty Việt Phương ký hợp đồng mua 36 triệu cổ phần và ông Phương Hữu Việt mua 15 triệu cổ phần, tương đương với 17% vốn điều lệ của VietAbank. Giá phát hành theo thỏa thuận là 10.600 đồng/cổ phần và được thanh toán làm 3 đợt, cụ thể: trước ngày 31/7/2010 bên mua phải đặt cọc (đợt I) 5% đến 10%; đợt 2 trước ngày 30/9/2010 là 50% và đợt 3 trước ngày 30/11/2010 số tiền còn lại từ 40% đến 45%.

Ngay trong ngày 30/11/2010, hạn cuối cùng cổ đông nói trên phải nộp tiền cổ phần cho VietAbank thì OceanBank đã có văn bản đề nghị phong tỏa cổ phần thế chấp hơn 34,2 triệu cổ phần của Công ty Việt Phương và ông Phương Hữu Việt tại VietAbank. Văn bản đề nghị phong tỏa thế chấp này được Chánh văn phòng Hội đồng quản trị VietAbank Đặng Huy Huân xác nhận đồng ý phong tỏa với số cổ phần trên. Trong đó, Công ty Việt Phương là 3.750 triệu cổ phần theo chứng chỉ cổ phiếu 009666 ngày 1/11/2010 và 16,2 triệu cổ phần trong hợp đồng nguyên tắc số 167/HĐ-HĐQT/10 ngày 7/7/2010; Cổ đông Phương Hữu Việt có số lượng cổ phần phong tỏa là 7,5 triệu tại chứng chỉ số cổ phiếu số 009667 ngày 1/11/2010 và 6,750 triệu cổ phần trong hợp đồng nguyên tắc số 166/HĐ-HĐQT/10 ngày 7/7/2010.

Áp lực tăng vốn điều lệ ngân hàng lên 3.000 tỷ đồng đã xảy ra tình trạng “vốn ảo” chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác
————————

Điều đáng nói, trong văn bản đề nghị phong tỏa thế chấp này được ông Đặng Huy Huân xác nhận đồng ý phong tỏa với số cổ phần trên có nội dung: Số cổ phần trên không bị giới hạn chuyển nhượng, cấm chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp một phần hay toàn bộ tài sản thế chấp. Trong khi, theo Điều I, khoản 2 của hợp đồng có ghi rõ:

Hai bên thỏa thuận về thời hạn Bên B sau 24 tháng, kể từ ngày hoàn tất thủ tục phát hành cổ phiếu cho bên B và đã đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; bên B có thể chuyển nhượng số cổ phần trên cho đối tác khác có nhu cầu.

Hơn nữa, trước đó, ngày 8/11/2010, bà Phương Minh Huệ đã đại diện cho Công ty Việt Phương ký giấy chuyển nhượng 18 triệu cổ phần cho Công ty TNHH chứng khoán ACB (ACBR). Song mãi đến ngày 29/12/2010, Hội đồng quản trị Công ty Việt Phương mới tiến hành họp đại hội cổ đông dưới sự chủ trì của ông Phương Hữu Việt quyết định chuyển nhượng 14.250.000 cổ phần của VietAbank cho với giá chuyển nhượng là 10.000 đồng/cổ phần, giao cho bà Phương Minh Huệ, Tổng giám đốc Công ty Việt Phương, thực hiện ký kết hợp đồng và giấy tờ liên quan đến việc mua bán trên.

Việc chuyển nhượng này chắc chắn VietABank phải biết, bởi việc thực hiện chuyển nhượng cổ phần phải đến đơn vị phát hành để hoàn tất. Thế nhưng, VietABank vẫn xác nhận cổ phần để cho công ty này đi cầm cố cổ phiếu tại Ngân hàng TMCP Dầu Khí (GP.Bank) và Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank).

Ông Phạm Quyết Thắng, Tổng giám đốc GP.Bank, khẳng định các ngân hàng sẽ không bao giờ nhận cầm cố cổ phần nếu không có xác nhận của bên phát hành. Vậy nên, theo luật thì VietABank phải bồi thường những thiệt hại cho các ngân hàng đã nhận cầm cố này.

Ông Thắng cũng cho biết ngay sau khi biết có hồ sơ này, GP.Bank nhận định đây là trường hợp có vấn đề nên đã nhanh chóng giải quyết và thu tiền về. Vào đầu tháng 3, GP.Bank đã có 2 văn bản đề nghị Hội đồng quản trị VietAbank xác nhận và phong tỏa chứng khoán với tổng số hơn 14,250 triệu cổ phần của Công ty Việt Phương tại mã số cổ đông 2808.

Phải chăng, áp lực tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng đã đến hạn nên nhiều ngân hàng nhắm mắt làm ngơ trước việc làm sai trái của những cổ đông chiến lược? Nếu trước đây, mọi lời cảnh báo của các chuyên gia về những hệ lụy trong việc áp buộc mọi ngân hàng thương mại phải có vốn tối thiểu là 3.000 tỷ đồng vào 31/12/2010 (sau đó lùi thời hạn sang 31/12/2011) được nhà quản lý xem như một lời khuyên, thì giờ đây, sự kiện của VietABank được coi như một hồi chuông cảnh tỉnh.

Những hệ lụy tất yếu

Nếu nói về những quy định trong việc mua cổ phần thì không có gì đáng bàn, bởi nếu chặt thêm nữa thì sẽ rất khó có doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài nào dám mua cổ phần của các ngân hàng. Vấn đề chính nằm ở chỗ bên bán và bên mua.

Theo ông Đức, vấn đề mấu chốt trong quy định về việc góp vốn mua cổ phần là cổ đông vẫn được vay vốn ngân hàng để mua cổ phần và bên mua, bên bán phải công khai nguồn vốn góp (chỉ có vốn góp của các cổ đông sáng lập để thành lập mới không được đi vay).

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa có ngân hàng nào công khai cổ đông mua cổ phần của mình là vốn vay và cũng không có hợp đồng mua cổ phần nào của cổ đông có đính kèm hợp đồng vay vốn từ ngân hàng cả. Nếu công khai điều này thì sẽ thấy rất rõ ràng một sự thật nguồn vốn tăng của các ngân hàng có bao nhiêu phần trăm “vốn ảo”.

“Rõ ràng, áp lực tăng vốn đồng loạt lên 3.000 tỷ đồng đã xảy ra tình trạng vốn ảo, vốn chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Không chỉ thế, còn có hiện tượng cổ đông lấy chứng nhận của ngân hàng phát hành và đi vay chính ngân hàng đó. Điều này dẫn đến hệ lụy là rủi ro hệ thống rất lớn”, ông Đức lo ngại.

Ông Đức phân tích, nhiều người có suy nghĩ một đất nước đang phát triển như Việt Nam thì không được có những ngân hàng nhỏ. Quan điểm này không phù hợp với quy luật thị trường. Trong một nền kinh tế, cần phải có đủ loại ngân hàng, lớn, vừa, nhỏ… mới gọi là thị trường. Và các ngân hàng nhỏ phải tự cạnh tranh để vươn lên về quy mô hoạt động, vốn điều lệ. Tuy nhiên, với từng ngân hàng quy mô khác nhau thì phải khống chế những chỉ số an toàn như vốn tự có, thanh khoản, phạm vi hoạt động…

Với những tiêu cực đang dần hé lộ, một động thái cứng rắn từ cơ quan quản lý là cần thiết. Tất nhiên, việc tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng là không thể hủy bỏ nhưng cần phải ép những ngân hàng nhỏ, yếu phải có lộ trình sáp nhập với một ngân hàng lớn khác một cách rõ ràng, cụ thể để tránh những rủi ro cho hệ thống.

Nguyễn Minh

——————————————–

KINH DOANH số 100, ra ngày 08/08/2011

http://vnbusiness.vn/articles/ng%C3%A2n-h%C3%A0ng-t%C4%83ng-v%E1%BB%91n-nh%C3%ACn-t%E1%BB%AB-vietabank

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

429. Bình luận về việc sửa đổi Luật Thuế...

Bình luận về việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. (Dự thảo Luật...

Phỏng vấn 

4.377. Thương mại điện tử bước vào cuộc chiến...

Thương mại điện tử bước vào cuộc chiến mới (*): Ứng phó cơn...

Trích dẫn 

3.894. Thu thuế qua sàn thương mại điện tử còn...

Thu thuế qua sàn thương mại điện tử còn nhiều băn khoăn. (VOV.VN) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 228,472