206. Luật Bảo hiểm tiền gửi: Xác định mục tiêu và chính sách

(KD) – Với mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi, dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi đang được Ngân hàng Nhà nước soạn thảo. Xung quanh dự luật này, có nhiều ý kiến khác nhau về mục tiêu và chính sách nhằm giải quyết các vấn đề thực tế về bảo hiểm tiền gửi.

Bảo vệ người gửi tiền

Ông Bùi Khắc Sơn, Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
—————————-

Chính sách bảo hiểm tiền gửi liên quan trực tiếp tới những người gửi tiền, luật này ban hành ra để đảm bảo môi trường lành mạnh và bảo vệ, bảo hộ quyền lợi hợp pháp của người dân, của doanh nghiệp tham gia vào thị trường tài chính, đồng thời đảm bảo bình đẳng và phát triển lành mạnh của các tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực tài chính tiền tệ.
Việc hình thành và phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi là cơ chế tự chịu trách nhiệm của nền kinh tế thị trường, trong đó trực tiếp nhất là hệ thống ngân hàng thương mại. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi, quỹ bảo hiểm tiền gửi, hoạt động bảo hiểm tiền gửi liên quan đến bảo vệ quyền lợi trực tiếp là người gửi tiền bằng tài chính, nhưng cũng liên quan đến các thành viên là các ngân hàng thương mại. Qua tổ chức bảo hiểm tiền gửi người gửi tiền có quyền có đủ những thông tin cần thiết để phục vụ cho hoạt động kinh doanh và cũng thấy được những rủi ro của chính mình hay là những rủi ro mang tính chất hệ thống để phòng tránh, để quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của mình.

Như vậy, có thể nói rằng tổ chức bảo hiểm tiền gửi là một định chế tài chính đặc biệt của Chính phủ thực hiện chính sách công phi lợi nhuận và là tổ chức duy nhất ở mỗi quốc gia và đại diện cho quyền lợi chủ yếu là người gửi tiền, tiếp đến là các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và Nhà nước, hài hòa 3 lợi ích này, chính vì vậy, nó ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, an sinh xã hội và đòi hỏi có một địa vị pháp lý phù hợp trong hệ thống tài chính của mỗi quốc gia.

Tách bạch quản lý và kinh doanh

Ông Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia
—————————-

Hiện nay, chúng ta đang ở thời kỳ chuyển đổi nên Ngân hàng Nhà nước đang gánh vác rất nhiều nhiệm vụ, trong đó có trách nhiệm bảo hiểm tiền gửi. Tôi cho rằng nếu chúng ta định hướng ngân hàng trung ương tiến tới một ngân hàng độc lập và tập trung vào nhiệm vụ chủ yếu là chính sách tiền tệ thì bảo hiểm tiền gửi nên dần tách ra.
Nếu chúng ta tách được ra và đưa các tổ chức tín dụng này chịu trách nhiệm về những đồng tiền mà mình nhận và phải có trách nhiệm chi trả, có trách nhiệm xử lý tín dụng thì sẽ có trách nhiệm cao hơn, phù hợp với xu thế của kinh tế thị trường. Rõ ràng đó là trách nhiệm của kinh doanh. Còn những cơ quan Nhà nước chỉ mang tính chất xử lý an toàn để đảm bảo an sinh. Còn ở những giai đoạn đang trong kinh doanh này thì trách nhiệm là của các tổ chức nhận tiền gửi.
Người gửi tiền sẽ lựa chọn một tổ chức tín dụng mà họ cảm thấy yên tâm nhất và trong đấy có xác nhận của bảo hiểm tiền gửi hoặc có hệ số được bảo hiểm tiền gửi đánh giá cao v.v… theo tiêu thức xác định. Còn bản thân các tổ chức tín dụng cũng phải cạnh tranh nhau để làm sao thu hút được nhiều tiền gửi nhất thông qua khẳng định sự lành mạnh tài chính.
Cần giảm dần vai trò của ngân sách Nhà nước, vốn đang bao cấp có quá nhiều lĩnh vực, bằng cách xây dựng một thể chế xử lý bảo hiểm tiền gửi bằng cơ chế thị trường.

Hỗ trợ quản lý rủi ro

Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Công Thương
—————————-

Khi khả năng tự bảo vệ của các tổ chức tín dụng không có tác dụng và ảnh hưởng đến lợi ích của người gửi tiền, có thể dẫn đến lan truyền hệ thống thì lúc đó có vai trò bảo hiểm tiền gửi sẽ xuất hiện.

Có nghĩa là khi ngân hàng không tự bảo vệ, không tồn tại được nữa, không thể sáp nhập được với các tổ chức tín dụng khác mà phải phá sản, phải xóa sổ cái đó đi thì lúc đó vai trò của bảo hiểm tiền gửi xuất hiện để bảo vệ lợi ích cho những người gửi tiền. Ở đây sự xuất hiện của bảo hiểm tiền gửi không có nghĩa là vai trò tự bảo vệ hoạt động của các tổ chức tín dụng mất đi hoặc giảm đi. Bản thân các ngân hàng vì sự tồn tại của họ thì họ cũng phải có các chính sách quản lý rủi ro.

Vai trò của việc tham gia bảo hiểm tiền gửi cũng có tác động rất tích cực đến việc hoạt động kinh doanh, tất cả các điểm giao dịch, các đơn vị mạng lưới đều gắn biển có tham gia bảo hiểm tiền gửi. Những người gửi tiền cũng rất quan tâm đến việc tham gia bảo hiểm tiền gửi như thế nào. Thực tế bảo hiểm tiền gửi cũng tác động rất tích cực đến việc khơi thông các nguồn vốn, tăng các nguồn vốn nhàn rỗi hoặc tạm thời nhàn rỗi trong nền kinh tế vào hệ thống ngân hàng, nó cũng có tác dụng rất tích cực trong việc huy động vốn để phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội.

Cần có cơ chế tổ chức hoạt động, quản lý rủi ro của cơ quan bảo hiểm tiền gửi, cũng phải có quy định cụ thể trong cấu trúc sử dụng nguồn vốn phí bảo hiểm thu được từ các tổ chức tín dụng, đầu tư vào những lĩnh vực nào và mức độ an toàn, mức độ rủi ro để bảo đảm tính thanh khoản của nguồn vốn đó. Có thể sẵn sàng chuyển hóa thành tiền khi cần thiết để chi trả cho các nhu cầu bảo hiểm. Khi tính thanh khoản cao như vậy thì lòng tin của các tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm cũng như của người dân gửi tiền mới cao được.

Cần một thiết chế độc lập

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội  
—————————-

Bảo hiểm tiền gửi là một thiết chế do thị trường sinh ra, và cơ quan Nhà nước phải ban hành quy định pháp luật để quản lý và điều chỉnh cũng như kiểm toán độc lập, Kiểm toán Nhà nước… đều do thị trường đặt ra.

Luật này phải xuất phát từ lợi ích của người gửi tiền, vì người gửi tiền cho nên cần phải quy định một thiết chế để trực tiếp bảo vệ lợi ích của người gửi tiền đó là bảo hiểm tiền gửi. Về tính độc lập, đó là một tổng công ty, một pháp nhân, khái niệm của pháp luật chúng ta đã là một pháp nhân thì phải tính độc lập của nó, có tài khoản riêng, tài sản riêng và được điều chỉnh bằng một đạo luật thì rõ ràng nó độc lập chứ không phải là một đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước. Đó là một thiết chế độc lập hoạt động theo luật.

Ở các nước khi cho vay là có quyền giám sát và quản trị của tổ chức đi vay không tốt là có quyền yêu cầu thay đổi. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi cũng sẽ có một trách nhiệm như vậy và cách tiếp cận giám sát của bảo hiểm tiền gửi khác với giám sát của Ngân hàng Nhà nước hiện nay với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước. Giám sát của bảo hiểm tiền gửi là giám sát thay mặt người gửi tiền để giám sát lại tổ chức nhận tiền.

Cần xét lại các chính sách hiện hành

Ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI  
—————————-

Theo quy định hiện nay, pháp nhân không được bảo hiểm tiền gửi như cá nhân, nhưng Luật Doanh nghiệp hiện hành khẳng định công ty hợp danh có tư cách pháp nhân thì cũng phải xem lại nếu bảo hiểm cho công ty hợp danh thì phần của thành viên hợp danh còn có lý, nhưng phần của thành viên góp vốn cũng chẳng khác gì góp vốn vào công ty cổ phần, góp vốn vào công ty TNHH thì phần đấy lại được bảo hiểm.

Với quy định chỉ bảo hiểm tiền nội tệ, không bảo hiểm ngoại tệ, cần phải xem lại, khi nào pháp luật còn công nhận sở hữu, còn cho phép gửi tiền hợp pháp bất kể nguồn gốc ở đâu cứ gửi vào ngân hàng là hợp pháp thì không có lý gì không bảo vệ. Tuy nhiên, không nên bảo vệ bằng cách chi trả bảo vệ bằng USD nhưng quy đổi thì hoàn toàn hợp lý.
Về phí bảo hiểm, cần phân loại đối xử, phân loại rủi ro, không nên quy định cào bằng như hiện nay. Cần cho người bảo hiểm thấy thật rõ quyết định hành vi khi tham gia gửi tiền chẳng hạn như về tính chất gián thu của bảo hiểm tiền gửi là thu của người kinh doanh nhưng về bản chất cuối cùng người tiêu dùng gánh chịu tất cả.

Bảo hiểm tiền gửi cũng không hẳn là vì quyền lợi của người gửi tiền mà trước hết đấy là lợi ích chung, lợi ích của Nhà nước, của xã hội, như thế thì những người bảo hiểm đương nhiên được hưởng và hệ quả tiếp theo là ngân hàng được hưởng lợi.

Minh Khuê

———————————-

KINH DOANH số 100, ra ngày 08/08/2011

http://vnbusiness.vn/articles/lu%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3o-hi%E1%BB%83m-ti%E1%BB%81n-g%E1%BB%ADi-x%C3%A1c-%C4%91%E1%BB%8Bnh-m%E1%BB%A5c-ti%C3%AAu-v%C3%A0-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

429. Bình luận về việc sửa đổi Luật Thuế...

Bình luận về việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. (Dự thảo Luật...

Phỏng vấn 

4.377. Thương mại điện tử bước vào cuộc chiến...

Thương mại điện tử bước vào cuộc chiến mới (*): Ứng phó cơn...

Trích dẫn 

3.894. Thu thuế qua sàn thương mại điện tử còn...

Thu thuế qua sàn thương mại điện tử còn nhiều băn khoăn. (VOV.VN) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 228,472