207. Giảm thuế để doanh nghiệp dễ thở

(TT) – Với tỉ lệ thu thuế, phí trên GDP mức 26,3% mà báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa công bố, nhiều chuyên gia cho rằng thuế, phí cao đã triệt tiêu động lực tái đầu tư của người dân.

Đặc biệt là các sắc thuế đang đánh trực diện vào nhiều doanh nghiệp.

 

Sản xuất tủ điện tại Công ty cổ phần Sáng tạo công nghiệp ở Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.HCM – Ảnh: THUẬN THẮNG

Các văn bản của Bộ Tài chính cũng như đánh giá của các chuyên gia đều cho thấy thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của VN cần phải giảm xuống.

Nộp từ 25-30%

“Không thể chần chừ nữa, tốt nhất là nên giảm mạnh và giảm ngay thuế TNDN xuống mức 20% hoặc 17% để doanh nghiệp dễ thở, có nguồn tái đầu tư vào sản xuất kinh doanh”

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Theo ông Phạm Thế Anh – quyền viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách công và quản lý Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, người viết chương 2 báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, mức thu từ thuế và phí, không kể thu từ dầu thô, của VN hiện nay “rất cao so với các nước khác trong khu vực”. Ông Phạm Thế Anh dẫn chứng thu từ dầu thô đang có tỉ trọng ngày càng giảm dần trong tổng thu ngân sách nhà nước, từ khoảng 6,9% GDP trong năm 2007 xuống còn chưa đầy 3,1% GDP trong năm 2011. Trong khi thu ngân sách ngay cả trong năm kinh tế suy giảm vẫn tăng, ông Thế Anh cho rằng: “Điều này chứng tỏ tỉ trọng các khoản thu khác (trong đó có thuế TNDN – pv) đang ngày càng gia tăng”. Còn theo báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009 mà Bộ Tài chính đã công bố, trong tổng thu từ thuế, phí khoảng 418.000 tỉ đồng thì thu từ thuế TNDN đã lên tới 112.100 tỉ đồng.

Phân tích quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm của Bộ Tài chính, ông Phạm Thế Anh cho rằng tổng thu thuế và phí của VN đang chủ yếu đến từ ba nguồn chính, gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế TNDN, thuế xuất nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu. Trong đó tỉ trọng thuế TNDN vẫn chiếm tới 28% trong tổng thu từ thuế, phí của Nhà nước giai đoạn 2009-2011. Ông Thế Anh cho rằng tổng mức thu thuế của VN cao đã hạn chế khả năng tích lũy, làm giảm đầu tư phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho biết cách đây năm năm đã đề nghị giảm mức thuế TNDN. Theo ông Đức, thuế hiện nay của VN không chỉ cao về mức thuế mà còn bị “chặn đầu chặn đuôi, dùng hàng rào kỹ thuật để tăng thu”. Cụ thể với thuế TNDN, mức thuế hiện là 25% nhưng ở nhiều nước các chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế “rộng” hơn, còn VN thì khống chế, như chi phí quảng cáo, tiếp thị chỉ được phép 10% tổng chi phí. “Điều này có nghĩa nhiều doanh nghiệp ở VN có thực chi lớn nhưng cũng không được tính, nên nhiều khi thật ra họ lỗ nhưng vẫn được coi là lãi và vẫn… phải đóng thuế” – ông Đức nhấn mạnh.

Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, cho rằng ở VN thuế suất là một chuyện nhưng khi thực thi số thuế phải nộp cao hơn nhiều. “Nhìn vào luật thì tưởng chừng đơn giản nhưng tại các văn bản hướng dẫn thì vô vàn các văn bản là thông tư, công văn hướng dẫn”. Bà Lan nhận định mức thuế TNDN của VN về mặt chính thức là 25%, nhưng thực tế số tiền thuế mà hầu hết doanh nghiệp phải nộp là trên 25%, thậm chí lên 30% đối với một số lĩnh vực. “Bởi căn cứ để tính thuế, chi phí hợp lý, hợp lệ đáng lẽ được khấu trừ nhưng người đi thu thuế lại không công nhận. Ở các nước giảm trừ đi nhiều lĩnh vực, như đóng góp xã hội chẳng hạn, còn ở VN cơ quan thuế vẫn tính vào” – bà Lan nói.

Giảm để khuyến khích đầu tư

Tại hội thảo về thuế tiêu thụ đặc biệt và TNDN vào tháng 8-2012, ông Nguyễn Văn Phụng, vụ phó Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính, thừa nhận các quy định trong Luật thuế TNDN về định mức khấu hao không phù hợp thực tiễn, tính khả thi thấp… “Trong thực tế doanh nghiệp có thể phải chi phí khi mua bán với các cá nhân không kinh doanh, với kinh tế hộ gia đình… nên không thể có hóa đơn để tính chi phí hợp lý được trừ thuế” – ông Phụng nói.

Trong văn bản “Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020” do Bộ Tài chính trình và đã được Thủ tướng phê duyệt, bộ này đã đề nghị giảm mức thuế TNDN. Tuy nhiên, mức giảm rất từ từ, chỉ giảm xuống khoảng 22-23% vào năm 2015, sau đó đến tận 2020 mới giảm xuống còn khoảng 20%. Văn bản cũng cho rằng việc điều chỉnh giảm mức thuế TNDN sẽ giúp thu hút đầu tư, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy để đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh…

Tư vấn cho VN sửa đổi Luật thuế TNDN, ông Ved P. Gandhi, chuyên gia thuế quốc tế của Ngân hàng Thế giới, cho rằng các nước đang có xu thế giảm mạnh thuế suất nhằm khuyến khích đầu tư. Tại các nước châu Âu, thuế suất bình quân giảm 33% năm 2000 xuống 25% năm 2011, riêng lĩnh vực phi tài chính thì thuế suất chỉ 21%. Gần đây, nhiều nước và lãnh thổ trong khu vực đang có kế hoạch giảm mạnh thuế suất thuế TNDN xuống hơn nữa. Singapore chỉ còn 17%, Đài Loan hiện có mức thuế 23% và dự kiến sẽ giảm còn 20% vào năm 2013…

Ông Ved P. Gandhi khuyến nghị VN nên cải cách phù hợp với những thông lệ quốc tế như không hạn chế các khoản chi phí sản xuất kinh doanh được trừ.

Với tỉ lệ thu thuế, phí trên GDP tới 26,3%, ông Trương Thanh Đức đề nghị cần giảm xuống tương đồng với các quốc gia trong khu vực. Bởi mức thu thuế, phí trên GDP tới 26,3%, theo ông Đức, có nghĩa người dân làm ra tổng giá trị 10 đồng, chưa biết họ lãi được bao nhiêu, Nhà nước đã thu tới hơn 1/4. “Khi tình trạng trốn thuế phổ biến thì phải nghĩ ngay đến thuế đang quá cao. Tôi nghĩ nếu thuế, phí hợp lý hơn, doanh nghiệp sẽ vui vẻ đóng thuế, không tìm mọi cách lách như hiện nay” – luật sư Đức nhấn mạnh.

CẦM VĂN KÌNH – LÊ THANH

Ông Lê Khánh Lâm (phó tổng giám đốc Công ty kiểm toán DTL): Ảnh hưởng đến thu hút đầu tư

Gần đây, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và có kế hoạch giảm hơn nữa. Mức thuế đang áp dụng tại Singapore là 17%, Hong Kong 16,5%. Một số nước còn có ngưỡng miễn thuế ban đầu cao, đánh thuế theo biểu lũy tiến hoặc lũy thoái. Bên cạnh việc giảm thuế suất, họ còn duy trì ưu đãi thuế để khuyến khích kinh doanh và đầu tư…

Trong khi đó, không chỉ áp dụng mức thuế suất cao, từ năm 2009 VN bỏ nhiều chính sách ưu đãi làm ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế sau năm 2009 đầu tư nước ngoài sụt giảm, một trong những nguyên nhân là do thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của VN cao hơn so với các nước láng giềng, đồng thời các chi phí giảm trừ khác cũng bị siết chặt như chi phí quảng cáo khuyến mãi bị giới hạn ở mức 10%. Việc khống chế này đã khiến số thuế thực tế mà các doanh nghiệp phải trả cao hơn nhiều so với mức thuế suất mà thuế thu nhập doanh nghiệp đưa ra.

Để đối phó với chính sách thuế, nhà đầu tư đang dịch chuyển sang các nước trước kia có nhiều hạn chế về cạnh tranh đầu tư với VN như Indonesia, Malaysia, Myanmar… Ngoài ra còn có khuynh hướng doanh nghiệp thu gọn quy mô hoặc đóng cửa công ty, chỉ còn mở văn phòng đại diện tại VN. Vì vậy, đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20-22% là phù hợp.

ÁNH HỒNG

Bộ Tài chính: thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp liên tục… giảm

Tại buổi họp báo Chính phủ ngày 5-9, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về báo cáo kinh tế vĩ mô của ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa công bố, trong đó có đánh giá khả năng ứng phó bất ổn vĩ mô của Chính phủ và tỉ lệ huy động thuế trên GDP của VN cao, ông Vũ Đức Đam – bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – khẳng định Chính phủ luôn lắng nghe, cầu thị với các góp ý. Ông Đam nhấn mạnh báo cáo ủy ban Kinh tế công bố là báo cáo thường niên, các đánh giá này là quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của ủy ban Kinh tế. Trong khi đó, báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 do ủy ban Kinh tế công bố cũng nêu rõ ý trên và cho biết thêm báo cáo được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại VN (UNDP).

Về tỉ lệ thuế huy động trên GDP (26,3% như báo cáo của Ủy ban Kinh tế công bố), theo ông Đam, là chưa loại trừ thu từ dầu. Ông Đam cho biết khi Chính phủ hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế và các chỉ tiêu kinh tế trình Quốc hội và khi Quốc hội thảo luận đều cởi mở, công khai, cầu thị. Các chỉ tiêu kinh tế đều liên quan đến nhau, như tỉ lệ động viên vào ngân sách và đầu tư.

Bà Vũ Thị Mai, thứ trưởng Bộ Tài chính, trả lời việc tỉ lệ động viên vào ngân sách có ý kiến cho rằng cao, theo đó, bà Mai khẳng định tỉ lệ huy động vào ngân sách của các nước không tính thu dầu thô, thu từ tiền sử dụng đất, trong khi VN có tính cả khoản này. Lấy ví dụ Trung Quốc, bà Mai cho biết báo cáo ủy ban Kinh tế nêu tỉ lệ huy động là 17,3% nhưng Trung Quốc có hai hệ thống thu trung ương và địa phương, trong khi VN tính luôn cả thu ngân sách trung ương và địa phương. Sau khi loại trừ các yếu tố thu từ dầu thô, tiền sử dụng đất, tỉ lệ huy động vào ngân sách của VN, bà Mai tính trung bình cả 20 năm qua và khẳng định chỉ khoảng 12-14% GDP.

Đi vào sắc thuế cụ thể, như thuế thu nhập doanh nghiệp, bà Mai cho biết từ năm 1999 đến nay, thuế suất liên tục giảm. Từ mức 32% xuống 28% (2004), xuống 25% (2009) và hiện nay ngoài mức phổ thông 25%, còn thuế ưu đãi 10%.

Với thuế thu nhập cá nhân, bà Vũ Thị Mai không đi vào con số so sánh cụ thể – trong báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 nêu mức chịu thuế 10% của VN thấp hơn một số nước – mà khẳng định thuế thu nhập cá nhân ở VN đã liên tục điều chỉnh giảm.

CẦM VĂN KÌNH

Thuế “đè bẹp” sức cạnh tranh

Không chỉ khó khăn do thuế TNDN cao, nhiều doanh nghiệp cũng lao đao do tình trạng thuế chồng thuế, cách tính thuế bất hợp lý không khuyến khích được sản xuất trong nước.

Ông Trần Tuấn Anh – tổng giám đốc Công ty thang máy Thái Bình (TP.HCM) – cho biết có một nhà máy sản xuất thang máy tại Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi và sản phẩm sản xuất ra phân phối trên toàn quốc. Thế nhưng nay với mức thuế, phí cao đang khiến chi phí đầu vào cao và giá thành không cạnh tranh nổi với sản phẩm ngoại nhập. Thậm chí muốn cạnh tranh một cách bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài mà cũng không thể vì bị đánh thuế cao hơn nhiều lần so với họ.

Thuế suất thuế TNDN ở VN và một số nước, vùng lãnh thổ

 Thuế TNDN (%)
Việt Nam25
Campuchia20
Singapore17
Ðài Loan23

Theo ông Trần Tuấn Anh, mức thuế nhập khẩu đối với một số nguyên liệu nhập về để sản xuất trong lĩnh vực ông sản xuất hiện cao hơn gấp nhiều lần đối với hàng hóa nhập nguyên chiếc. Cụ thể, nếu nhập về nguyên chiếc thang máy thì chịu thuế 5%, còn nếu nhập các phụ kiện về để sản xuất ra chiếc thang máy đó thì thuế tới 10-15%. Thậm chí nút bấm trong thang máy chỉ sử dụng được cho thang máy cũng bị áp mức thuế 15%. Từ đây khiến giá thành đầu vào bị đội lên cao nên hàng hóa sản xuất ra giảm sức cạnh tranh so với hàng ngoại nhập, đặc biệt là thang máy nhập từ Trung Quốc.

Tương tự, ông Vũ Anh Tuấn, giám đốc Công ty chế tạo máy dược phẩm Tiến Tuấn (Khu công nghiệp Tân Bình) cho rằng cách tính thuế cũng như việc áp thuế như hiện nay không những không sát với thực tế mà còn triệt tiêu cả ý chí đầu tư của doanh nghiệp. Đặc biệt là việc áp thuế nhập khẩu các thiết bị, nguyên vật liệu kỹ thuật cao mà VN chưa sản xuất được. Ông Tuấn dẫn chứng sản phẩm môtơ kỹ thuật cao dùng trong lĩnh vực chế tạo máy, thuế suất nhập khẩu áp tới 40%, và áp đến 150% cho phần mềm để lập trình chuyển động môtơ này, dù một số chi cục hải quan hiện nay vẫn chưa có đủ mã số để áp tính thuế cho chủng loại thiết bị này.

Đồng cảnh ngộ như ông Tuấn, ngành sản xuất lốp ôtô trong nước cũng từng “dở khóc dở cười” khi thuế suất nhập khẩu dây curoa thành phẩm là 5%, trong khi để nhập khẩu dây nilông (polyester) để sản xuất ra dây curoa kia cơ quan thuế đã tính ở mức… 30%. “Chúng tôi đã phải lên xuống nhiều lần, kiện tụng không biết bao nhiêu bận thì cơ quan hải quan mới chịu giải quyết, dù chính họ cũng thấy vô lý” – ông Lê Văn Trí, phó giám đốc Công ty cổ phần Cao su miền Nam, thở dài nói.

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn – giám đốc điều hành Tập đoàn Thái Bình, để xác lập được một mức thuế TNDN cho phù hợp, điều quan trọng nhất là Chính phủ phải nhìn năng lực cạnh tranh, trình độ phát triển của doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp quốc gia khác ở cùng ngành nghề, lĩnh vực.

“Chính phủ phải nắm được thật chính xác doanh nghiệp VN có lợi thế cạnh tranh gì, họ có thể tạo ra được năng lực cạnh tranh nào để vừa cạnh tranh trên sân nhà, vừa đấu được trên thương trường quốc tế” – ông Thuấn bày tỏ. Với ngành da giày, ông Thuấn cho rằng nếu thuế TNDN dưới 20%/năm sẽ khuyến khích được các doanh nghiệp tập trung vào việc sản xuất các mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao, thay vì chỉ chọn hướng gia công lấy công làm lời.

ĐÌNH DÂN – TRẦN VŨ NGHI

 

Bản tin Tài chính 7 h ngày 06-9-2012 của VTV1 có nhắc đến ý kiến của LS Trương Thanh Đức khi điểm bài này.

—————

Tuổi Trẻ (Kinh doanh) 06/09/2012

https://tuoitre.vn/giam-thue-de-doanh-nghiep-de-tho-510180.htm

(249/2.822)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.974. Chính thức ngừng miễn thuế hàng nhập khẩu...

Chính thức ngừng miễn thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng. (VOVGT) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,124