(VOV News) – Hàng loạt vấn đề về đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, huy động vốn, con dấu… trong Luật đã được đưa ra phân tích, kiến nghị sửa đổi.
Việc rà soát Luật doanh nghiệp (DN) và các văn bản hướng dẫn thi hành có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hoàn thiện Luật và đề ra giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện đang tồn tại, “làm khó” cho cả Nhà nước và doanh nghiệp. Sáng 16/8, tại Hà Nội, VCCI tổ chức hội thảo hoàn thiện Báo cáo rà soát Luật DN để xin ý kiến rộng rãi của các doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia, đại diện các cơ quan Nhà nước… về nội dung báo cáo này.
Nhiều qui định vẫn còn “lùng nhùng”
Ông Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, chúng ta còn rất “lờ mờ” về các thủ tục pháp lý trước khi thành lập công ty. Các hợp đồng cứ ký kết đi rồi sau đấy công ty được thành lập thì sẽ công nhận. Thế nhưng, bao nhiêu vấn đề quan trọng khác lại không giải quyết được trước khi thành lập. Trong câu chuyện này, chúng ta còn lùng nhùng trong việc xác định “Con gà có trước hay quả trứng có trước”.
Theo ông Đức, cổ đông sáng lập là người chịu trách nhiệm về sáng kiến, cam kết, cấp vốn, trách nhiệm xã hội… mà không được chuyển nhượng cổ phần. Ngân hàng Ngoại thương thành lập 50 năm rồi nhưng lúc cổ phần hoá người mua 1.000-2.000 cổ phần đầu tiên cũng được coi là cổ đông sáng lập. Câu chuyện này đã lặp lại với việc IPO ngân hàng ĐBSCL, cứ ai mua cổ phiếu là được coi là cổ đông sáng lập và không được chuyển nhượng cổ phiếu này trong 3 năm đầu.
Về giải thích từ ngữ, theo ông Trương Đình Đức, đây là vấn đề “nhức nhối”. Vì trong mỗi luật, thông tư lại có một phần giải thích các từ ngữ riêng; chưa nói đến chuyện Luật giải thích một kiểu, thông tư lại giải thích theo một kiểu khác. Chỉ một khái niệm “người liên quan”, ông Trương Đình Đức đã “điểm sơ” có trong 4 luật như Luật chứng khoán, Luật các tổ chức tín dụng, Luật DN, Luật cư trú… Mỗi luật lại giải thích theo một kiểu. “Các khái niệm phải thống nhất trong toàn hệ thống pháp luật chứ không thể để mỗi nơi một kiểu như hiện nay” – ông Đình Đức nói.
Vẫn còn rất “lờ mờ” về các thủ tục pháp lý trước khi thành lập công ty (Ảnh minh hoạ) |
Về việc xác định ngành nghề đăng ký kinh doanh, theo Luật sư Vũ Anh, chúng ta đang nhầm lẫn giữa ngành nghề kinh tế và kinh doanh thực tế. Đăng ký ngành nghề kinh doanh phụ thuộc vào ý tưởng của người điều hành, lãnh đạo và những người có trí tuệ, ý tưởng. Ý tưởng này phải đi trước người khác thế thì làm sao có được trong những ngành nghề mà hiện đang được qui định. Chính vì vậy, khi đến đăng ký thì tìm mãi cũng không ra ngành nghề mình định đăng ký, nếu có thì cũng chỉ là một phần. Quay lại phòng đăng ký kinh doanh trả lại hồ sơ và hướng dẫn chờ giải thích, thậm chí không có. “Phải nắn chân của tôi cho vừa giày của ông. Câu chuyện ở đây là nên qui định đăng ký kinh doanh theo ý tưởng và cơ quan đăng ký kinh doanh có nhiệm vụ rà soát xem lĩnh vực đó có thuộc pháp luật hay không cấm, có ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục… thì ngăn cản. Ngay cả các từ ngữ trong các văn bản để đăng ký ngành nghề nhiều khi cũng không phù hợp” – LS Vũ Anh chia sẻ.
Chia sẻ quan điểm này, Luật gia Cao Bá Khoát cho rằng, iệc dùng mã ngành kinh tế của Việt Nam theo Quyết định 10/2007 để kê khai vào hồ sơ đăng ký kinh doanh như hiện nay là không hợp lý. Không nên qui định bắt buộc phải đăng ký kinh doanh theo ngành nghề kinh tế Việt Nam mà hãy để tự người dân đăng ký ngành nghề kinh doanh theo ý tưởng đầu tư của mình, tự lựa chọn ngành nghề để kinh doanh.
Có nên bỏ con dấu?
Con dấu chỉ là một dấu hiệu nhận dạng DN, không phải là biểu hiện pháp lý của DN, dễ bị làm giả, tính xác thực kém nhất so với chữ ký, vân tay, con ngươi, AND. Chính vì vậy, theo Luật gia Cao Bá Khoát, cần sửa đổi Điều 36 Luật DN theo hướng không bắt buộc DN phải có con dấu. DN nào muốn có dấu thì có thể tự qui định đặc điểm dấu của mình và đăng ký bảo vệ con dấu.
Tuy nhiên, theo LS Vũ Anh: “Thực tế, người ta quan tâm đến con dấu nhiều hơn là chữ ký. Bởi con dấu được cơ quan có thẩm quyền là cơ quan cấp dấu của các cấp, nó thể hiện tính hợp pháp. Có nhiều chữ ký chỉ là photo nhưng được đóng dấu lên thì trở nên rất hay và rất quan trọng. Tôi vẫn quan niệm là ở Việt Nam chúng ta không thể tách biệt giữa con dấu và chữ ký được. Đây là vấn đề tương hỗ nhau. Thực tế, các biên bản, ví dụ như cuộc họp cổ đông, nếu không có con dấu thì người ta sẽ không thực hiện. Con dấu không có lỗi mà do cách quản lý, sử dụng của chúng ta” – LS Vũ Anh nói.
Đồng tình với quan điểm này, LS Phạm Chí Công – Luật sư Điều hành Công ty Luật Khai Phong cho rằng: “Với nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân, DN còn hạn chế, việc duy trì con dấu là cần thiết, bảo đảm tính hiệu lực, chặt chẽ của việc xác lập, thực hiện các giao dịch của DN”.
Không nhất thiết qui định về vốn
Công nhân Công ty Da giày trong dây chuyền sản xuất giày xuất khẩu (ảnh: Haiphong.net) |
Luật sư Bùi Thanh Lam điều hành Công ty Luật Liên Á và Cộng sự cho rằng: Hiện nay, Luật DN quy định khá chung và giao quyền cho DN trong vấn đề tự chủ huy động vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh như trái phiếu, tín phiếu, đi vay thương mại,… mà chỉ quy định chi tiết việc phát hành cổ phiếu. Vì vậy, các nhà xây dựng luật cần có sự rà soát, đánh giá các hình thức huy động vốn khác nhưng để hình thành vốn điều lệ của DN cũng cần phải được xem xét, đánh giá có cần đưa vào Luật DN điều chỉnh hay không? Ví như trái phiếu chuyển đổi (convertible bond), khoản vay chuyển đổi (convertible loan).
Còn Luật sư Lê Quang Đạo – Công ty Luật Trí tuệ cho rằng, thực tế vốn huy động của các DN có thể từ 100 triệu đến 100 tỷ đồng nhưng không ai kiểm soát nguồn vốn này phải được đóng góp trong bao lâu thì được rút ra, trừ vốn bất động sản. Chính vì vậy, trong Luật không cần thiết phải qui định về vốn của DN. “Nên coi đây là quan hệ dân sự, DN tự chịu trách nhiệm về vốn của mình và nếu muốn làm ăn với các đối tác khác thì phải tự tìm hiểu. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp thì để toà án giải quyết” – LS Lê Quang Đạo nói.
DN trong và ngoài nước bình đẳng?
Theo LS Lê Hồng Quang, trên thực tế, những DN thành lập mới có vốn đầu tư nước ngoài dù chỉ chiếm 1%, cũng phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư và được cấp Giấy chứng nhận đầu tư thay cho Giấy chứng nhận đăng ký DN. Điều này là không phù hợp với tinh thần tại Điều 29.4 Luật Đầu tư. Do vậy, Luật DN cần có quy định thống nhất và rõ ràng đối với thủ tục thành lập DN có vốn đầu tư nước ngoài. Xét cho cùng, các doanh nghiệp này nên được đối xử bình đẳng vì họ vào Việt Nam làm ăn, tạo công ăn, việc làm, nộp thuế, đưa đất nước phát triển.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Gia Thắng – Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) thì các quy định hạn chế đầu tư trong Luật đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết để bảo vệ đầu tư trong nước, bảo đảm chủ quyền lãnh thổ và phù hợp với thông lệ quốc tế. Các nguyên tắc bình đẳng cơ bản trong khuôn khổ WTO cũng đều có những quy định ngoại lệ về việc phân biệt về quyền tiếp cận nguồn lực, phạm vi đầu tư và các biện pháp trợ cấp giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
“Hiện nay Việt Nam vẫn đang là một nước nghèo, hệ thống DN trong nước còn nhỏ về quy mô , yếu và thiếu về các nguồn lực thì việc mở toang cánh cửa bảo hộ như đề xuất của Báo cáo là rất nguy hiểm. Có thể trong tương lai, thế giới sẽ đạt được sự đồng thuận về vấn đề bình đẳng tối đa trong thương mại và đầu tư, tuy nhiên đó còn là viễn cảnh xa vời và chúng tôi cho rằng Việt Nam nên chờ đến lúc đó mới mở cửa hoàn toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài” – ông Đỗ Gia Thắng nói.
Các ý kiến tại hội thảo bày tỏ, Báo cáo rà soát lần này sẽ đầy đủ và có ý nghĩa thiết thực nhằm giúp các nhà làm luật sửa đổi Luật Doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất./.
Vũ Hạnh
————————————–
VOV News 16-8-2011:
http://vov.vn/Home/Tim-cach-go-kho-cho-doanh-nghiep/20118/183518.vovRà soát Luật Doanh nghiệp 2005: