208. Mua bán ngân hàng: Đang thiếu khung pháp lý

(KTSG) – Các thương vụ mua bán vốn cổ phần, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng hay thâu tóm ngân hàng đã từng diễn ra đều có sự can thiệp mạnh của cơ quan quản lý, đó là do ta chưa có một khung pháp lý cho hoạt động mua bán ngân hàng tại Việt Nam.

“Việt Nam đang thiếu khung pháp lý cho hoạt động này”, luật sư, Giám đốc Công ty Luật TNHH Ngân hàng – Chứng khoán – Đầu tư (Basi co) Trần Minh Hải nói. Hoạt động mua bán vốn cổ phần của ngân hàng sẽ còn là nhu cầu lớn và lâu dài trong nền kinh tế bởi không dễ có được giấy phép thành lập một ngân hàng, song ta đang không có một hành lang pháp lý cho mua bán và sáp nhập (M&A) ngân hàng.

Mua bán vốn cổ phần của ngân hàng có hai trạng thái, thâu tóm tích cực còn gọi là thâu tóm thân thiện và thâu tóm không thân thiện (như trường hợp Sacombank). Nếu phân loại chi tiết, có tới vài chục loại giao dịch M&A khác nhau mà luật pháp Việt Nam chưa đề cập hết.

Vậy các vụ chuyển nhượng ngân hàng đã diễn ra theo quy định nào? Ít nhất có tám luật và hàng chục văn bản dưới luật đang điều chỉnh việc này, nhưng còn sơ sài, chẳng hạn như: Luật Doanh nghiệp, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Dân sự, Luật Chứng khoán, Luật Cạnh tranh, Luật Hình sự, Luật Đầu tư, các quy định với công ty đại chúng, các văn bản dưới luật về các vấn đề liên quan, như Thông tư 04/2010/TT-NHNN (2-2010) quy định việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng, Quyết định 254/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”… Về quản lý hoạt động này, văn bản pháp luật cũng quy định nhiều cơ quan quản lý khác nhau: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao (nếu liên quan đến tổ chức tín dụng nước ngoài)…

Việc mua bán vốn cổ phần các ngân hàng hiện vẫn theo các “ngoại lệ” được cơ quan quản lý phê duyệt, trên cơ sở dàn xếp giữa các bên với nhau. Nhưng mỗi trường hợp đều có “cơ chế riêng”.

Song, theo ông Trương Thanh Đức, Trưởng ban Pháp chế, Ngân hàng TMCP Hàng hải, Giám đốc Công ty Luật ANVI mỗi văn bản dưới luật đã ban hành về thâu tóm, sáp nhập, hợp nhất ngân hàng thường chỉ dùng cho một vài trường hợp và sau này không còn phù hợp.

“Các văn bản này chỉ giải quyết vấn đề thủ tục chứ về nguyên tắc vẫn chưa làm rốt ráo các vấn đề liên quan theo tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ của các bên. Vì thế, việc mua bán vốn cổ phần các ngân hàng hiện vẫn theo các “ngoại lệ” được cơ quan quản lý phê duyệt, trên cơ sở dàn xếp giữa các bên với nhau. Nhưng mỗi trường hợp đều có “cơ chế riêng”. Đó cũng là một lý do khiến một số thương vụ tái cơ cấu ngân hàng liên quan đến các ngân hàng yếu hiện nay đang rất khó tìm lối ra.

Hầu hết các trường hợp mua bán vốn cổ phần, kể cả giữa tổ chức tín dụng, cổ đông cá nhân và tổ chức trong nước với nhau hay trong và ngoài nước đều gặp vướng mắc nếu muốn chuyển nhượng thông qua các quyền chọn bán hoặc chọn mua, phát hành trái phiếu chuyển đổi hay phát hành các chứng chỉ lưu ký chứng khoán (Depository Receipt). Các vấn đề gây khó khăn gồm thủ tục chuyển nhượng, các hậu quả pháp lý và việc chịu trách nhiệm giữa các bên, việc tham gia quản lý, điều hành công ty sau khi mua lại cổ phần, định giá ngân hàng, các vấn đề hậu M&A ngân hàng.

Các văn bản điều chỉnh hoạt động M&A chưa theo kịp các diễn biến và yêu cầu đa dạng của thực tiễn hoạt động M&A tại Việt Nam. Cơ bản nhất như việc xác định M&A là đầu tư trực tiếp hay gián tiếp, loại giao dịch M&A nào thì phải theo những quy định nào… cũng đang gây khó khăn cho chính các bên thực hiện và cơ quan quản lý.

Hồi tháng 6-2012, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng nhằm thay thế Thông tư 04/2010 chưa bao quát thực tế và không còn phù hợp. Song đến nay, đã quá “hạn chót” theo lộ trình đăng ký “làm luật” năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước mà văn bản vẫn chưa có.

Ông Hải cho rằng, điều cần nhất là phải làm rõ định nghĩa thế nào là thâu tóm, hợp nhất, kể cả khái niệm sáp nhập ngân hàng trong Luật Doanh nghiệp cũng chưa rõ. Hầu hết người ta chưa thống nhất cách hiểu với nhau khi nhắc đến thâu tóm hay đơn giản chỉ hiểu nó là sự thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phần trong tổ chức dẫn đến việc tham gia quản trị điều hành.

Một lãnh đạo ngân hàng có ý định chuyển nhượng vốn cổ phần của mình băn khoăn rằng, nếu ngân hàng đang được điều hành, làm ăn tốt, có cần và có nên để sự thâu tóm diễn ra không? Và thế nào là một ngân hàng tốt, được cơ quan quản lý bảo vệ để không diễn ra sự thâu tóm thù nghịch, gây thiệt hại cho các cổ đông nhỏ? Tại sao cổ đông cá nhân sở hữu dưới 5% cổ phần lại muốn làm gì thì làm không ai biết? Trong khi với một ngân hàng, sở hữu 1-2% cổ phần đã là tài sản lớn…

Một câu hỏi khác, luật lệ thế nào sẽ giúp tăng cường sự minh bạch trong việc chuyển nhượng ngân hàng? Thực tế, rất nhiều ngân hàng cổ phần hiện nay đều đã trải qua việc đổi chủ, thậm chí có ngân hàng đổi chủ vài lần theo xu thế: trước nhiều chủ nay quy về một vài cá nhân. Và con số ít này lại đại diện cho phần vốn chi phối (mà hiện nay là rất lớn) trong các ngân hàng. Các ngân hàng cổ phần hầu hết là công ty đại chúng theo quy định song hầu hết cổ đông không hề biết gì về các ông chủ thực sự của ngân hàng mình đang góp vốn. Một cổ đông lâu năm của một ngân hàng cổ phần lớn chia sẻ: “Có lần chúng tôi chất vấn về tỷ lệ nắm giữ cổ phần chi phối của chủ tịch HĐQT, tại sao trên sổ sách anh nắm dưới 1% mà quyền lực dữ vậy?, vị chủ tịch trả lời: Vì tôi đang được ủy quyền đại diện cho trên 51% cổ phần của ngân hàng. Chúng tôi cũng chỉ biết có thế”.

Thường thì mua bán cổ phần trong ngân hàng luôn đòi hỏi số tiền rất lớn, không dễ có. Ai đảm bảo đó là nguồn tiền “sạch”? Đây là điểm mấu chốt của các vấn đề lợi ích và giảm thiểu sự ảnh hưởng đến nền kinh tế nhưng vẫn bị để ngỏ trong các quy định pháp lý với ngân hàng. “Tường thấp kẻ trộm mới đến. Chống lại sự lũng đoạn, độc quyền là cái khó nhất của quản lý. Nếu các quy định pháp luật không sớm được làm rõ, việc mua bán các ngân hàng vẫn sẽ diễn ra theo kiểu “đánh úp””, một luật sư nói.

 

Hồng Phúc

—————

Thời báo Kinh tế Sài Gòn 06-9-2012

 

http://www.thesaigontimes.vn/Home/taichinh/nganhang/82786/Mua-ban-ngan-hang-Dang-thieu-khung-phap-ly.html

(156/1.346)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.974. Chính thức ngừng miễn thuế hàng nhập khẩu...

Chính thức ngừng miễn thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng. (VOVGT) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,124