209. Bảo vệ môi trường để phát triển

Bảo vệ môi trường để phát triển

Mọi hoạt động sinh sống và sản xuất, kinh doanh của con người đều phải dựa vào môi trường, đồng thời cũng ít nhiều tác động đến môi trường. Trong nền kinh tế thị trường, việc làm giàu và phát triển kinh tế dễ dàng hơn nhiều so với việc giữ gìn môi trường sống trong sạch, an toàn.
Bảo vệ môi trường để phát triển

Chi đoàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Quy Nhơn (Bộ đội Biên phòng Bình Định) phối hợp cùng các đoàn thể trên địa bàn ra quân dọn vệ sinh môi trường bờ biển khu vực 2, Ghềnh Ráng. Ảnh: HOÀNG HẢI

Môi trường là vấn đề sống còn

Những năm gần đây, ô nhiễm môi trường không chỉ còn là vấn đề của thế giới hay của xã hội chung chung, mà đã trở thành mối đe dọa cụ thể, trực tiếp, cấp bách đối với từng gia đình và con người Việt Nam. Chỉ riêng vấn đề rác thải sinh hoạt, nếu như mấy chục năm trước chỉ là nguy cơ đối với thành phố, thì nay đã trở thành nguy cơ đối với khu vực nông thôn, thậm chí ở vùng sâu, vùng xa.

Tình trạng ô nhiễm môi trường đã bao trùm từ không gian gia đình cho đến nơi làm việc, sinh hoạt công cộng, từ không khí cho đến mặt đất, lòng đất, mặt nước, nước ngầm… Gần đây đã xuất hiện một số vụ ô nhiễm hết sức nghiêm trọng về quy mô và tính chất, giết chết cả dòng sông lớn, cả một vùng biển mênh mông. Hậu quả mà ô nhiễm môi trường gây ra ở Việt Nam trong thời gian qua đã gia tăng một cách rõ rệt và đang báo động nguy cơ ngày càng trầm trọng.

Ô nhiễm đã trực tiếp và gián tiếp gây bệnh tật cho cây trồng, động vật, hủy hoại môi sinh, nhất là gây bệnh tật và ung thư cho người Việt Nam, với mức độ cao hàng đầu thế giới trong thời gian gần đây. Không chỉ là chuyện ô nhiễm ảnh hưởng đến cảm nhận như mắt mũi bị khói bụi, hít thở sự ngột ngạt, hôi tanh mà rõ ràng, nội tạng và cả cơ thể cũng bị lây nhiễm độc hại, trí não và cả hệ thần kinh bị đầu độc, hủy hoại. Nếu không kiểm soát tốt, giá trị phát triển kinh tế mang lại sẽ không bù đắp được thiệt hại gây ra cho môi trường.

Pháp luật kiểm soát môi trường

Việt Nam đã sớm nhìn ra vấn đề và đã ban hành ba đạo luật về bảo vệ môi trường kể từ năm 1993. Các loại vi phạm về môi trường cũng đã được quy định một cách tương đối đầy đủ và xử lý nghiêm khắc. Hiện nay, ngoài Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, thì còn hàng chục văn bản khác quy định nhằm bảo vệ môi trường như Nghị định số 162/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo; Nghị định số 179/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về môi trường; Nghị định số 03/2015/NĐ-CP về xác định thiệt hại đối với môi trường; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu…

Hơn 30 năm trước, tội phạm về môi trường cũng đã được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1985. Còn Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định ba tội về môi trường, trong đó cá nhân có thể bị phạt đến mức cao nhất là 10 năm tù, còn pháp nhân có thể bị phạt đến 10 tỷ đồng và có thể bị đình chỉ hoạt động từ một năm cho đến vĩnh viễn. Theo bộ luật này, chỉ cần chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường từ 200 tấn chất thải rắn thông thường trở lên trái quy định của pháp luật là đã bị xử phạt hình sự về “Tội gây ô nhiễm môi trường”. Như vậy, tàu đổ chất thải với khối lượng lớn ra biển là đã phạm tội gây ô nhiễm môi trường mà không cần phải xem xét có hay không có yếu tố độc hại. Vì thế, những vụ vi phạm về môi trường nghiêm trọng như các công ty Vedan xả nước thải ở Đồng Nai, Thanh Thái chôn lấp thuốc sâu ở Thanh Hóa, Formosa xả thải hóa chất ở Hà Tĩnh… hoàn toàn có thể xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự.

Kiến nghị giải pháp

16 nhóm hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 7 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 cũng chính là những hành vi thường xuyên đang bị vi phạm, như: Khai thác trái phép nguồn tài nguyên thiên nhiên; khai thác nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện hủy diệt, không đúng thời vụ; thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn; thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; gây tiếng ồn vượt quá quy chuẩn;…

Ngoài nguyên nhân do các vụ vi phạm pháp luật về môi trường chưa được các cơ quan chức năng phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, thì còn một lý do nữa là có quá nhiều văn bản cùng quy định về việc này, dẫn đến tình trạng phức tạp, chồng chéo, mâu thuẫn và rất khó theo dõi, thực hiện. Thí dụ như trường hợp xử lý vi phạm đổ chất thải ở vùng biển Nghệ An – Thanh Hóa vừa qua đã được quy định trùng lặp trong hai nghị định.

Bên cạnh việc khuyến khích các giải pháp tự nhiên và công nghệ hiện đại để bảo vệ môi trường như các công trình xanh, du lịch sinh thái, sản phẩm thân thiện môi trường… thì Việt Nam vẫn cần hết sức quan tâm đến các biện pháp và chế tài xử lý nhằm ngăn ngừa, hạn chế vi phạm và khắc phục hậu quả đã xảy ra. Vì vậy, ngoài việc tăng cường việc xử lý hình sự thì cũng cần phải xem xét sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 để nâng mức xử phạt hành chính bằng tiền vượt quá hai tỷ đồng nhằm tăng thêm mức độ răn đe và ngăn ngừa vi phạm.

Kinh tế – xã hội càng phát triển, thì nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi trường càng lớn. Tuy nhiên, cũng chính nhờ sự phát triển của nền kinh tế và công nghệ hiện đại, có thể chủ động kiểm soát và bảo vệ tốt môi trường. Không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển, vì mục tiêu cuối cùng của phát triển là vì cuộc sống tốt đẹp hơn, trong đó môi trường trong lành là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Nhân Dân (Xã hội) 23-9-2016:

http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/30773802-bao-ve-moi-truong-de-phat-trien.html

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,953