(ANVI) – Luật sư Trương Thanh Đức, đối đáp với Viện kiểm sát và Vietinbank ngày 21-01-2014 bảo vệ NAVIBANK tại Phiên toà sơ thẩm xử Huỳnh Thị Huyền Như Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại TP Hồ Chí Minh.
Kính thưa Hội đồng xét xử!
Tôi là Luật sư Trương Thanh Đức, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NAVIBANK, xin tranh luận với Viện Kiểm sát và VietinBank những vấn đề sau:
1. Về việc giao dịch ngoài trụ sở VietinBank:
1.1. Viện kiểm sát cho rằng không có quy định nào về việc đến tận nơi phục vụ cá nhân gửi tiền. Vì là giao dịch ngoài luồng, không đến địa điểm giao dịch, nên dẫn đến hậu quả rủi ro lớn.
1.2. Trang web của VietinBank tại buổi sáng hôm nay, 21-01-2014 có 15 sản phẩm tiền gửi các loại dành cho khách hàng cá nhân, như Tiền gửi thanh toán, Tiết kiệm không kỳ hạn thông thường,… khách hàng đều được hưởng một trong các lợi ích là: “Được cung cấp dịch vụ thu/chi tiền gửi tiết kiệm tại nhà (nếu có nhu cầu)”.
2. Về việc tin tưởng vào bị cáo Như vô căn cứ
2.1. Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, nếu NAVIBANK tin tưởng vào bị cáo Như có căn cứ thì đã không xảy ra hậu quả và đã khắc phục được hậu quả.
2.2. NAVIBANK tin tưởng có căn cứ thì mới có đầy đủ cơ sở pháp lý yêu cầu VietinBank phải có trách nhiệm trả tiền:
– Như là người có chức vụ, quyền hạn thật của Vietinbank;
– Như là người được Vietinbank khen thưởng điển hình xuất sắc, mang lại thành tích, kết quả kinh doanh tốt cho VietinBank;
– VietinBank đã được hưởng lợi từ việc huy động, sử dụng vốn huy động và các dịch vụ liên quan đến số tiền huy động.
– Không tin nhầm vào Như, mà tin nhầm vào VietinBank. Đã tin nhầm vào VietinBank, nên bây giờ phải ra Toà đòi tiền Vietinbank.
2.3. Còn nếu tin vào bị cáo Như có căn cứ, sẽ không mất tiền, thì VietinBank đã tin vào bị cáo Như có căn cứ, vì Viện kiểm sát cho rằng VietinBank không mất tiền. Như vậy, trong vụ đại án lừa đảo này, VietinBank tin vào Huyền Như là có căn cứ, thì tại sao lại cho rằng NAVIBANK tin vào Huyền Như không có căn cứ?
2.4. Vị đại diện Viện kiểm sát cho rằng: Chưa có trường hợp nào thực hiện gửi tiền theo đúng quy định mà mất tiền. Điều đó là hoàn toàn đúng, nhưng không thể mang điều này ra để chứng minh cho việc ở đây mất tiền là do gửi tiền không đúng quy định. Điều đó chỉ có thể chứng minh rằng, các ngân hàng không bao giờ từ chối thanh toán tiền gửi hợp pháp của khách hàng như VietinBank.
3. Về việc các Hợp đồng gửi tiền là giả với VietinBank:
3.1. Vị đại diện Viện kiểm sát cho rằng, các Hợp đồng gửi tiền tại VietinBank là thật với NAVIBANK, giả với VietinBank.
3.2. Đây là việc đánh tráo khái niệm, chỉ có phần vượt trần lãi suất mới là hợp đồng thật với NAVIBANK, giả với VietinBank, còn phần tiền gửi gốc và lãi suất 14%/năm là thật 100% với cả hai bên NAVIBANK và VietinBank.
3.3. Các hợp đồng gửi tiền nội dung thật, chữ ký thật, con dấu thật của VietinBank thì VKS cho rằng là hợp đồng giả, còn các lệnh chi có nội dung giả, chữ ký giả, con dấu giả mà VietinBank làm cơ sở chuyển mất tiền của khách hàng, thì VKS cho là thật.
3..4 Vì vậy VKS đã không tranh luận về các Lệnh chi, chứng từ quyết định việc số tiền bị chiếm đoat, chỉ vì tôi gọi đó là Lệnh chi giả, còn VKS gọi là giả Lệnh chi, tức Lệnh chi bị Huyền Như làm giả, nhưng VKS cho rằng đối với VietinBank là thật.
4. Về việc VietinBank không nhận tiền gửi của nhân viên NAVIBANK:
4.1. Đại diện viện kiểm sát cho rằng: NAVIBANK không có chứng cứ xác nhận đã giao tiền cho VietinBank (chứ không phải cho Như).
4.2. Tôi không thể hiểu nổi tại sao đến thời điểm này, mà vị đại điện Viện Kiểm sát vẫn cho rằng, NAVIBANK không có chứng cứ xác nhận đã giao tiền cho VietinBank. Chính VietinBank cũng không dám nói như vậy. Chẳng nhẽ tài khoản của khách hàng mở tại VietinBank và gửi tiền vào VietinBank rành rành mà lại không phải là gửi tiền vào VietinBank. Tài khoản cũng như tiền gửi đã và đang được VietinBank quản lý trong hệ thống tài khoản và sổ sách kế toán chính thức của VietinBank.
4.3. Vấn đề cốt lõi đối với NAVIBANK là tiền của khách hàng đã được chuyển đúng vào tài khoản của khách hàng. Chỉ có việc chuyển qua lại trong chính tài khoản của khách hàng (như từ tài khoản không kỳ hạn sang tài khoản có kỳ hạn), thì mới là hợp pháp và đúng thoả thuận, chứ không thể tuỳ tiện chuyển tiền khỏi tài khoản của khách hàng.
5. Về việc người gửi tiền không giữ thẻ tiết kiệm:
5.1. Vị đại diện Viện kiểm sát và Luật sư bảo vệ VietinBank cho rằng: Bất kể gửi tiết kiệm, hay gửi tiền khác, VietinBank đều phát hành chứng nhận tiền gửi cho khách hàng theo quy định nội bộ của VietinBank. Vì người gửi tiền không giữ thẻ tiết kiệm, không quản lý số tiền, không biết tự bảo vệ tài sản của mình, nên để Như chiếm đoạt.
5.2. Tôi vẫn cho rằng đây là nhận định “sai lầm đặc biệt nghiêm trọng về pháp lý, trái hoàn toàn với thực tế và ngược với bản chất sự việc”, vì những lý do sau:
– Các Hợp đồng tiền gửi mà các nhân viên NAVIBANK gửi tại VietinBank Nhà Bè, đều đã được tất toán, có nội dung tại điểm a, khoản 2.2, Điều 2 như sau:
“2.2 Khi hợp đồng đến hạn:
a) Trường hợp Bên A không có nhu cầu gửi tiếp, Bên A phải xuất trình bản gốc Hợp đồng này cho Bên B. Bên B có trách nhiệm hoàn trả vốn gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn cho Bên A theo như Điều 1 và Điều 2 của Hợp đồng này vào tài khoản theo chỉ định của Bên A.”
Các hợp đồng này đều đã được chuyển tiền gửi vào và rút tiền gửi ra từ VietinBank xong xuôi, không có gì vướng mắc. Làm gì có thẻ tiết kiệm, và đâu cần đến thẻ tiết kiệm?
– Các Hợp đồng tiền gửi mà các nhân viên NAVIBANK gửi 200 tỷ đồng tại VietinBank HCM, có nội dung tại Điều 2 như sau:
“ĐIỀU 2: Khi Hợp đồng đến hạn:
– Bên B có trách nhiệm thanh toán đủ tiền gốc và tiền lãi cho Bên A.
– Nếu Bên A có nhu cầu rút vốn, Bên B sẽ chuyển tiền gốc và lãi vào tài khoản tiền gửi thanh toán của Bên A tại NHTMCP CTVN – CN TP.HCM.
– Nếu Bên A không có nhu cầu rút vốn, Bên B sẽ nhập phần lãi phát sinh vào phần gốc và tự động gia hạn tiếp kỳ hạn gửi….”
Cũng hoàn toàn không cần liên quan gì đến thẻ tiết kiệm.
– Đối với các ngân hàng, mỗi hình thức huy động chỉ dùng một loại giấy tờ. Trong các Hợp đông gửi tiền, không có thoả thuận nào giữa người gửi và VietinBank rằng có thêm loại giấy tờ thứ 2 cho 1 giao dịch. Có các loại giấy tờ sau, sử dụng cho các trường hợp huy động vốn khác nhau của ngân hàng:
+ Thẻ tiết kiệm;
+ Chứng chỉ tiền gửi;
+ Trái phiếu;
+ Kỳ phiếu;
+ Hợp đồng đầu tư;
+ Hợp đồng uỷ thác đầu tư; và
+ Hợp đồng tiền gửi.
– Chính Thẻ tiết kiệm, Chứng chỉ tiền gửi, Trái phiếu, Kỳ phiếu, Hợp đồng gửi tiền,… nói trên là các Chứng nhận tiền gửi. Thật là ngớ ngẩn nếu cho rằng mọi giao dịch gửi tiền, phải có một tờ giấy gọi là “Chứng nhận tiền gửi”. Như vậy khách hàng cầm Thẻ tiết kiệm rồi, cầm Trái phiếu rồi vẫn vô giá trị, nếu như không giữ thêm Chứng nhận tiền gửi?
– Và điều đặc biệt quan trọng là, trong số 200 tỷ đồng gửi tại VietinBank, chỉ có 59,7 tỷ đồng, tức 1/4 số tiền trong tài khoản tiền gửi có kỳ hạn bị VietinBank chuyển trái phép thành tiền gửi tiết kiệm, liên quan đến thẻ tiết kiệm, rồi bây giờ lại đổ lỗi không hề có cho người gửi tiền. Nhưng còn 140,3 tỷ đồng khác vẫn còn nguyên trạng trong tài khoản tiền gửi, tức chiếm 3/4 số tiền gửi của NAVIBANK, thì đã không hề bị chuyển thành tiền gửi tiết kiệm và thẻ tiết kiệm, nhưng tiền vẫn mất sạch do bị chuyển đi một cách bất hợp pháp bằng cách Lệnh chi giả hay giả Lệnh chi như cách gọi của đại diện Viện Kiểm sát.
– Như vậy, toàn bộ các nội dung của Hợp đồng gửi tiền tại VietinBank không hề có chỗ nào nhắc đến tiết kiệm, thẻ tiết kiệm hay thẻ tiền gửi gì đó. Và chỉ có 1/3 tổng số tiền liên quan đến hành vi giả mạo thẻ tiết kiệm, còn 2/3 thì chưa từng có thẻ tiết kiệm. Vậy mà nói không giữ thẻ tiết kiệm nên bị chiếm đoạt? Chưa nói là VKS còn khẳng định đã bị chiếm đoạt ngay từ khi tiền vừa đổ vào tài khoản tiền gửi, tức là từ trước cả khi bị chuyển thành tiền gửi tiết kiệm và thẻ tiết kiệm. Đây là một lập luận đầy mâu thuẫn, sai pháp luật, trái thực tế, là đỏi hỏi rất bất công, vô căn cứ, yêu cầu bất khả thi, kết luận không hợp lý.
5.3. Kết luận điều tra, Cáo trạng, Luận tội và Tranh luận của VKS đá đưa ra rất nhiều nội dung sai sót, sơ suất của người gửi tiền để đi đến kết luận là bị lừa và mất tiền. Trong khi đó, quan trọng nhất là việc VietinBank đã rút tiền, chuyển tiền bất hợp pháp khỏi tài khoản tiền gửi của khách hàng mới là yếu tố quyết định việc mất tiền, bị chiếm đoạt.
6. Về việc trao quyền định đoạt cho bị cáo:
6.1. Viện kiểm sát cho rằng: Điều khoản 1.6 của các Hợp đồng gửi tiền đã ghi nhận: VietinBank được quyền chuyển tiền từ tài khoản tiền gửi thanh toán sang tài khoản tiền gửi kỳ hạn, lãi trả sau. Như vậy là NAVIBANK đã trao quyền định đoạt cho bị cáo Như, tự nhận rủi ro về mình, nếu có, bỏ mặc, phó thác toàn bộ số tiền cho Như để Như có thể trích chuyển tiền, để Như chiếm đoạt.
6.2. Nguyên văn khoản 1.6, Điều 1 của các Hợp đồng gửi tiền tại VietinBank HCM có nội dung như sau:
“1.6. Vào ngày hiệu lực, Bên A đồng ý cho Bên B tự động trích số tiền nêu trên từ tài khoản số …….. của Bên A tại NHTMCP CTVN – Chi nhánh TP. HCM sang tài khoản tiền gửi kỳ hạn, trả lãi sau.”
6.3. Xin khẳng định rằng chuyển tiền sang “tài khoản tiền gửi kỳ hạn” của chính người gửi không hề làm thay đổi tinh trạng an toàn của tiền gửi. Hoàn toàn không thể hiểu như vậy là trao quyền định đoạt cho bị cáo. Nếu bị cáo Như không làm giả, nếu VietinBank không bị lừa, thì không thể di dời, xâm phạm tiền trong tài khoản của người gửi.
7. Về việc Hành vi chiếm đoạt hoàn thành vào thời điểm chuyển tiền:
7.1. Viện kiểm sát vẫn cho rằng: Hành vi chiếm đoạt hoàn thành vào thời điểm chuyển tiền. Ý thức chủ quan của Như là chiếm đoạt của NAVIBANK. Hành vi chiếm đoạt hoàn thành tại thời điểm này, vi ham lãi suất cao mà NAVINANK đã đi theo đúng đường mà Như đã đề ra, tiền vào tài khoản là NAVIBANK đã làm đúng sự dẫn dụ của Như, NAVINANK đã mất quyền kiểm soát từ thời điểm đó:
7.2. Nếu nói thế thì VietinBank hoàn toàn không có trách nhiệm gì trong việc quản lý tài khoản, không bảo đảm sự an toàn, chính xác tiền gửi trong tài khoản của khách hàng. Tôi đã chứng minh, theo quy định tại Điều 472 của Bộ luật Dân sự, tiền gửi vào cho VietinBank vay là đã thuộc sở hữu của VietinBank. Và dù có hay không thuộc sở hữu của Vietinbank, thi ViettinBank cũng phải có trách nhiệm chủ yếu trong việc quản lý an toàn, chính xác số tiền trong tài khoản.
8. Về trách nhiệm quản lý tài khoản:
8.1. Viện kiểm sát và Luật sư VietinBank đều cho rằng, người gửi tiền có lỗi không quản lý tài khoản và số tiền của mình.
8.2. Tại phiên tòa sáng ngày 16-01-2014, tôi đã dẫn chứng, phân tích các quy định của pháp luật và thực tế cam kết trên trang web của VietinBank, để bác bỏ luận điểm của đại diện VietinBank về việc khách hàng, chứ ngân hàng không có trách nhiệm quản lý tài khoản. Sau đó, Luật sư bảo vệ VietinBank cho rằng, số dư tài khoản do khách hàng quản lý, còn tiền mặt thì do ngân hàng quản lý. Đây lại tiếp tục là điều sai trái pháp luật một cách cơ bản, hòng phủ nhận trách nhiệm. Tôi xin khẳng định lại rằng: Ngân hàng có và phải trách nhiệm quản lý đồng thời cả tiền mặt và số dư tài khoản. Nếu ngân hàng không quản lý số số dư tài khoản, thì chỉ còn quản lý cái vỏ tài khoản, không quản lý số dư, tức là không quản tiền. Xin nhắc lại quy định tại Điều 10, Quy chế số 1284: Khách hàng chỉ theo dõi số dư.
8.3. Để tránh nguy cơ Luật sư Trương Thanh Đức bị coi là vu khống VietinBank, tôi xin nói về thông tin trên trang web của Vietinbank, Phần Luận cứ bảo vệ cho NAVIBANK mà tôi đã trình bày trước Tòa có nêu: Trong một mục trên trang web của VietinBank tại thời điểm sáng ngày 16-01-2014 giới thiệu lợi ích đầu tiên trong số 10 lợi ích của dịch vụ tài khoản là: “Tiền trên tài khoản của Quý khách sẽ được VietinBank quản lý an toàn, chính xác và bảo mật”. Xin thông báo rằng, ngay sau đó, đoạn này đã được sửa như sau: “Tiền trên tài khoản của doanh nghiệp được an toàn, bảo mật”. Tức là đã thay từ “quý khách” bằng “doanh nghiệp” và bỏ 2 từ “quản lý” và “chính xác”. Điều đó có nghĩa là VietinBank khẳng định chính thức rằng, từ nay trở đi, VietinBank không có trách nhiệm quản lý tài khoản của khách hàng và VietinBank không bảo đảm sự chính xác tài khoản của khách hàng?! Rất may là hình ảnh trang web này trước khi bị sửa đã được phổ biến rộng rái trên Facebook và tôi cũng đã cẩn thận chụp lưu lại được màn hình làm bằng chứng.
9. Về việc VietinBank không biết tội phạm:
9.1. Luật sư bảo vệ cho Vietinbank phát biểu chiều ngày 16-01-2014 tại phiên tòa rằng, Những thỏa thuận giao dịch bất hợp pháp giữa Như với các bị hại đều diễn ra ngoài trụ sở VietinBank, VietinBank hoàn toàn không biết và không tham gia. Tôi xin khẳng định lại bằng đủ căn cứ pháp lý rằng, chỉ có thoả thuận vượt trần lãi suất là bất hợp pháp, còn phần tiền gốc và lãi 14% là hoàn toàn hợp pháp. Và chỉ một số giao dịch, một số công đoạn diễn ra ngoài trụ sở thôi, chứ không thể vơ đũa cả nắm. Đồng thời, tôi cũng xin khẳng định lại một lần nữa, việc giao dịch ngoài trụ sở ngân hàng vẫn là hợp pháp.
9.2. Trong vụ này, không ai biết trước việc Như lừa đảo, vì biết trước thì đã không bị lừa, nhưng trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất phải là VietinBank. Đối với những người bị thiệt hại, thì Như la đại diện hợp pháp của VietinBank. Đối với VietinBank, thì Như là cán bộ quản lý chính thức của họ. Chỉ từ khi Như vào ngồi tù, thì VietinBank mới không phải chịu trách nhiệm về giao dịch của Như.
9.3. Mở tài khoản, ký tên, đóng dấu hợp đồng, nhận tiền, giữ tiền, chuyển tiền, hạch toán, thu tiền,… hàng chục khách hàng, hàng trăm giao dịch, hàng ngàn tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, bây giờ lại lắc đầu không biết. Không thể nói không biết và không tham gia, cũng giống như không thể nói không biết pháp luật nên không phạm tội. Pháp luật và công lý không thể chấp nhận cho VietinBank nói 2 chữ không biết.
9.4. Việc Luật sư bảo vệ cho Vietinbank phát biểu tại Phiên tòa chiều ngày 16-01-2014 rằng: Huyền Như dùng thủ đoạn tinh vi, nên VietinBank không phát hiện ra. VietinBank không nhận diện được các dấu hiệu sai phạm của các chi nhánh và ngay qua thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán quốc tế cũng không phát hiện ra. Như vậy thì vấn đề càng rõ hơn bao giờ hết. Ít nhất là 200 tỷ đồng của NAVIBANK trong số mấy nghìn tỷ đồng là giao dịch thật, là giấy tờ thật, là sổ sách thật, là chứng từ thật, là số dư thật và là hạch toán thật của Vietinbank, chứ không phải là giao dịch giả, giấy tờ giả, sổ sách giả, chứng từ giả, số dư giả và hạch toán giả của VietinBank. Kể cả nó có là giả thì cũng đã được VietinBank cho rằng đó là thật và đã chấp nhận giao dịch hoàn thành đúng như thật, cho nên đương nhiên là VietinBank không thể phát hiện ra. Sự thật là các thủ đoạn chiếm đoạt của Như khá đơn giản, xưa cũ. Không phát hiện ra là do Như cũng chính là VietinBank, là người “nằm trong chăn”, là huyệt điểm bất ngờ của VietinBank.
10. Về việc tại sao đặt ra trách nhiệm đối với VietinBank:
10.1. Vì gửi tiền vào ngân hàng, là người ta không chỉ tin tưởng nó có cái vỏ ngoài hoành tráng, oai phong, đạo mạo, mà thực sự nó là một hệ thống quản lý vô cùng bài bản, chặt chẽ, đáng tin cậy.
10.2. Vì gửi tiền vào ngân hàng, là gửi vào nơi an toàn nhất thế giới. Tiêu chuẩn xây dựng kho tiền của ngân hàng là bí mật nhà nước. Kho tiền của ngân hàng gồm ít nhất 2 lần cửa, với 3 người khác nhau giữ chìa khoá. Tôi đã từng là một cán bộ quản lý từ cấp trung đến cấp cao của mấy ngân hàng, nhưng suốt 20 năm cũng chưa bao giờ được phép vào kho tiền của ngân hàng.
10.3. Vì gửi tiền vào ngân hàng, là được bảo hiểm theo Luật Bảo hiểm tiền gửi, khác hẳn với tất cả các loại gửi tiền hay cho vay tiền khác. Không phải đơn giản mà nhà nước mạnh mẽ tuyên bố, không để cho các Ngân hàng phá sản.
10.4. Vì gửi tiền vào ngân hàng, là nhập tiền vào hệ thống tài khoản, nhập vào hệ thống lõi của ngân hàng, hàng trăm ngàn tỷ cũng không thể sai lệnh dù chỉ 1 đồng. Khi 4 nhân viên NAVIBANK gửi tiền vào 1 đồng thi VietinBank tăng số tiền huy động 1 đồng và tăng tổng tài sản 1 đồng. Khi Huyền Như chuyển đi 1 đồng, thì số tiền huy động của Vietin cũng giảm 1 đồng và tổng tài sản mấy trăm ngàn tỷ của VietinBank cũng đồng thời giảm đúng 1 đồng.
10.5. Vì gửi tiền vào ngân hàng, là pháp nhân ngân hàng phải chịu trách nhiệm về an toàn tiền gửi, chính nhân viên ngân hàng sai trái thì pháp nhân càng phải chịu trách nhiệm. Đối với trường hợp 200 tỷ đồng tiền gửi của các nhân viên NAVIBANK, thì trách nhiệm của Huyền Như cũng chính là của VietinBank, tuy 2 mà 1./.
—————
PHỤ LỤC
- Web VietinBank ngày 16-01-2014:
Lợi ích đầu tiên trong số 10 lợi ích của dịch vụ tài khoản là: “Tiền trên tài khoản của Quý khách sẽ được VietinBank quản lý an toàn, chính xác và bảo mật”.
- Web VietinBank ngày 18-01-2014:
Lợi ích đầu tiên trong số 10 lợi ích của dịch vụ tài khoản đã được sửa thành: “Tiền trên tài khoản của doanh nghiệp được an toàn, bảo mật”.
(bỏ 2 từ “quản lý” và “chính xác”)
- Web VietinBank ngày 21-01-2014:
“Tiền gửi thanh toán hưởng lãi suất không kỳ hạn” là 1 trong số 15 sản phầm tiền gửi, khách hàng được hưởng một trong các lợi ích là: “Được cung cấp dịch vụ thu/chi tiền gửi tiết kiệm tại nhà (nếu có nhu cầu”.
- ĐỐI ĐÁP LẦN 2, chiều 21-01-2014:
Kính thưa Hội đồng Xét xử
Qua ý kiến tranh luận của Viện Kiểm sát, thì đúng như là tôi đã nhận định tại phần trình bày Luận cứ trước đây: Vụ việc này, đối với NAVIBANK, thì quan trọng không phải là hồ sơ, bút lục, sự việc, mà là nhận thức, đánh giá và quan điểm.
Tôi xin tranh luận tiếp với Viện Kiểm sát như sau:
- Về việc VKS cho rằng: Không dùng quan hệ binh thường để bảo vệ quan hệ không bình thường. Nhưng chính VKS đã dùng toàn những tình tiết binh thường nhất, giản đơn, những lỗi nhỏ nhặt nhất, thứ yếu nhất của khách hàng để quy kết đến những trách nhiệm vô cùng đặc biệt, vô cùng nghiêm trọng cho người gửi tiền.
- Về việc VKS cho rằng: VietinBank chỉ chịu trách nhiệm về sai trái của Như, nếu Như được cử đi làm việc cho mình, nếu có thủ tục giới thiệu,…. Vấn đề là Như mang tiền về cho VietinBank, tiền vào tài khoản của VIETIN, chứ có phải mang tiền bỏ ra ngoài hệ thống, hay cho ngân hàng việt không tin nào khác đâu. Trước đây, nếu như cứ ký hợp đồng mà không có uỷ quyền của người đại diện theo pháp luật thì sẽ bị vô hiệu. Nhưng điều này là quá vô lý, quá bất công, nên đã được Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn lại. Giải thích về việc phân công, uỷ quyền, Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27-5-2003 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã nói rõ: Hợp đồng do lao công, bảo vệ, trưởng phòng,… ký không có uỷ quyền của người đại diện theo pháp luật, vẫn có thể không bị vô hiệu, nếu như pháp nhân chấp nhận thanh toán, chấp nhận trả lãi, chấp nhận sử dụng tài sản, chẳng hạn mua ô tô mà sử dụng để đi làm,…
- Về việc VKS cho rằng: Người gửi tiền đã giao toàn quyền cho Như định đoạt tiền gửi. Thực tế thì người gửi tiền đã không giao bất cứ quyền gì cho bị cáo Như. Nếu giao quyền thì toàn bộ các hành vi của Như là đã làm đúng, đây toàn làm sai, gian dối, chứng từ giả, giả lệnh chi.
- Về việc trích tiền sang tài khoản tiền gửi có kỳ hạn, VKS cho rằng Như có quyền chuyển từ tài khoản này sang tài khoản khác (tài khoản tiết kiệm), Người gửi không mang sổ tiết kiệm về. Các hợp đồng gửi tiền không thể hiểu như vậy. Việc Như chuyển sang thẻ tiết kiệm là việc làm trộm, làm sai, chứ chẳng pháp luật nào chẳng quy định nào chẳng thoả thuận nào cho phép. Nếu cố tình hiểu là người gửi tiền đã giao quyền thì cũng chỉ là giao cho VietinBank chứ không thể là giao cho cá nhân và cái sai cũng là của VietinBank. Như không thể làm được điều đó, không thể tự mình làm được chuyện đó mà phải là VietinBank làm, phải nhiều người tham gia, nhiều công đoạn, nhiều thủ tục. VietinBank đâu có cho phép một cá nhân có thể tự lập được thẻ tiết kiệm, tự đưa vào cầm cố rồi tự khấu trừ tiền gửi của khách hàng. Kẻ trộm lấy tiền của khách hàng, lại đổ cho người gửi tiền là không tự giữ tiền của mình.
- Muốn lừa gi thì lừa, muốn làm sai gì thì làm sai, nhưng tiền đã vào tài khoản, là thuộc về trách nhiệm quản lý của ngân hàng, an toàn hay không, mất hay còn trách nhiệm trước hết là của ngân hàng. Nếu Hội đồng xét cử chấp nhận nguyên tắc ngân hàng không có trách nhiệm gì trong việc quản lý tài khoản như quan điểm của VietinBank, thì đành phải chấp nhận hậu quả tiền gửi trong tài khoản sẽ mất bất cứ lúc nào, dù người gửi không có lỗi.
- Chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng chỉ có an toàn hơn để ở nhà, chứ không phải là bị chiếm đoạt, vì có ngân hàng quản lý an toàn, chính xác và bảo mật, và tiền vào tài khoản của ngân hàng là thuộc sở hữu của ngân hàng, vi đây là hợp đồng vay tiền. Vì vậy, mất tiền là mất của VietinBank.
- Ngân hàng không được phép chuyển tiền theo lệnh của khách hàng, nếu như để thực hiện hành vi rửa tiền hoặc mục đích bất hợp pháp, đặc biệt là đối với ngoại tệ, còn không được phép chuyển để thực hiện hợp đồng, nếu là giao dịch mua bán hàng hoá hoàn toàn hợp pháp thông thường trong nước. Tại sao ngân hàng lại được phép không thực hiện lệnh thanh toán của khách hàng? Vì pháp luật đòi hỏi, yêu cầu như vậy, bắt buộc như vậy. Tài khoản của VietinBank mở cho khách hàng chính là một ngăn tủ mà ngân hàng cho khách hàng thuê, mà người quản lý, bảo vệ, giữ khoá cũng chính là ngân hàng./.
(4.534 chữ)